Theo bình luận của tờ The National (UAE) ngày 14/11, áp lực toàn cầu đối với Israel dường như ngày càng tăng lên trong bối cảnh hợp tác ngày càng tăng giữa Mỹ và các nước châu Âu, cũng như giữa Arab và các nước Hồi giáo khác liên quan đến cuộc chiến ở Dải Gaza.
Ở Trung Đông, các nước vùng Vịnh đang hỗ trợ nhân đạo cho Gaza và hợp tác chặt chẽ với Ai Cập, Jordan và Chính quyền Palestine để thiết lập chiến lược giảm leo thang thực tế, vạch ra con đường hướng tới “hòa bình lâu dài”.
Hiện tại, những nỗ lực này đang xung đột với việc Israel từ chối lời kêu gọi ngừng bắn cho đến khi hoàn thành sứ mệnh tiêu diệt Hamas mà họ đã tuyên bố - bất kể tổn thất nhân đạo đối với người dân Gaza, uy tín chính trị đối với các nhà lãnh đạo thế giới và bất kể sẽ mất thời gian bao lâu. Tuy nhiên, việc kéo dài xung đột sẽ không phục vụ mục tiêu chính thức của Israel, cũng như không thành công trong việc di dời vô thời hạn người Palestine đến miền Nam Gaza hoặc ra ngoài vùng lãnh thổ bị chiếm đóng - như một số chính chị gia trong Chính phủ Israel đã kêu gọi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ sẽ không ủng hộ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và quân đội nước này iến hành một cuộc thanh lọc sắc tộc ở Gaza như nhiều cáo buộc, với lý do tiêu diệt Hamas. Tương tự như vậy, các chính phủ châu Âu cũng khó chấp nhận động thái như vậy với lý do tự vệ. An ninh khu vực Trung Đông rất quan trọng đối với châu Âu, cũng như đối với Mỹ và các quốc gia thành viên G7 khác. Hậu quả của việc tán thành những hành động trên có thể khiến giới lãnh đạo ở tất cả các quốc gia này phải trả giá.
Trong cuộc họp ở Tokyo hồi đầu tuần trước, các ngoại trưởng G7 khẳng định ủng hộ “lệnh ngừng bắn và thiết lập hành lang nhân đạo” đồng thời thảo luận các cách để khôi phục nỗ lực hòa bình càng sớm càng tốt. Họ nhấn mạnh nguyên tắc giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để giải quyết xung đột. Họ cũng chỉ trích cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 và kêu gọi các bên liên quan khác kiềm chế.
Tuyên bố cuối cùng của hội nghị cấp ngoại trưởng G7 nhấn mạnh rằng các thành viên trong nhóm, cùng với các đối tác khu vực, đang nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng xung đột ở Trung Đông và đang hợp tác, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác, để ngăn nguồn tài chính cung cấp cho Hamas.
Điều thú vị là vấn đề trừng phạt cũng được đưa ra trong bối cảnh Israel đang tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza. Phó Thủ tướng Bỉ Petra De Sutter mới đây cho rằng đã đến lúc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Israel vì chiến dịch ném bom ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng rõ ràng Israel không quan tâm đến lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế. Bà Sutter cho rằng EU nên đình chỉ ngay lập tức thỏa thuận hợp tác kinh tế và chính trị với Israel, kêu gọi cấm các chính trị gia và binh sĩ Israel chịu trách nhiệm về “tội ác chiến tranh” vào châu Âu.
Tuy nhiên, lập trường của bà Sutter dường như là một ngoại lệ. Nó cũng chỉ giới hạn ở một nhóm thiểu số ở châu Âu và khó có thể lan khắp Đại Tây Dương. Thật vậy, ở Mỹ, khó có khả năng đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Israel. Điều này cũng giải thích tại sao Israel vẫn kiên trì với hành động của mình.
Ở Mỹ, vấn đề đối với Tổng thống Joe Biden là dư luận Mỹ đang dần từ bỏ sự ủng hộ vô điều kiện và không giới hạn dành cho Israel. Đảng Dân chủ bị chia rẽ đến mức sự phản đối các hành động của Israel từ phe cánh tả và từ các cử tri người Mỹ gốc Arab có thể gây nguy hiểm cho triển vọng tái cử của ông Biden.
Trong khi ông Netanyahu có thể coi việc kêu gọi ngừng bắn tương đương với vấn đề gây ra thất bại chính trị cho chính mình, thì Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với biến động chính trị nếu ông chấp nhận việc Israel từ chối lệnh ngừng bắn.
Nhiều người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ, phản đối hành động của Israel tại Gaza, đồng thời lên án Hamas bắt giữ con tin. Và mặc dù Israel thấy cơ hội để phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và chỉ huy của Hamas, họ biết rằng họ không thể xóa bỏ nhóm này về mặt chính trị. Và vì vậy, họ muốn Mỹ, châu Âu và các nước khác yêu cầu các nước Arab, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đưa ra những đảm bảo để đảm bảo rằng Hamas hoặc các tổ chức tương tự không thể lặp lại sự kiện ngày 7/10.
Về phần mình, các quốc gia Arab và Hồi giáo đang thành lập một mặt trận thống nhất để ứng phó với cuộc xung đột hiện nay. Sau khi kết thúc ba ngày đàm phán về phản ứng và hành động tập thể liên quan đến những diễn biến ở Gaza cuối tuần qua, hội nghị thượng đỉnh chung của Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây cấm vận vũ khí đối với Israel. Họ cũng kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế hoàn tất cuộc điều tra về "tội ác chiến tranh" bị cáo buộc do Israel gây ra đối với người dân Palestine ở tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem.
Giữa tất cả những điều này, điều quan trọng là phải có một tầm nhìn dài hạn. Chẳng hạn, UAE tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm leo thang tất cả các cuộc xung đột trên khắp Trung Đông, bao gồm cả xung đột liên quan đến Israel và sự bất đồng giữa các quốc gia khác với Iran.