Sự hồi sinh ngoạn mục của Apple

Tập đoàn công nghệ Apple Inc của Mỹ đã trở thành công ty tư nhân đầu tiên trên thế giới có giá trị vốn hóa lên tới 1.000 tỷ USD.

Dấu mốc quan trọng này được ghi nhận khi giá cổ phiếu của công ty đã tăng lên 207,05 USD vào lúc chốt phiên giao dịch hôm 2/8, chỉ vài ngày sau khi Apple công bố báo cáo quý III (tài khóa Mỹ) với mức tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử các thời điểm cùng kỳ (17%).

Giá cổ phiếu của Apple đã tăng hơn 50.000% kể từ năm 1980 khi công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu, với mức 22 USD/cổ phiếu vào ngày 12/12/1980.

Tính tới thời điểm hiện tại, giá trị thị trường chứng khoán của Apple lớn hơn tổng giá trị vốn hóa của 3 tên tuổi lớn là hãng dầu lửa Exxon Mobil, tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) và nhà mạng viễn thông AT&T kết hợp lại, đồng thời chiếm 4% giá trị của chỉ số S&P 500.

Chú thích ảnh
Một gian hàng của Apple ở New York, Mỹ ngày 2/8. Ảnh: THX/TTXVN

Từ một công ty vốn được ra đời vào Ngày Cá tháng Tư tại một gara ô tô ở thành phố California (Mỹ) với chức năng chế tạo máy tính, Apple giờ đã đạt ngưỡng doanh thu lớn hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha hay New Zealand.

Thành tựu này sẽ còn ngọt ngào hơn nếu nhìn lại thời điểm năm 1997, khi Apple mấp mé bờ vực phá sản với cổ phiếu được giao dịch ở mức chưa đến 1 USD/cổ phiếu và giá trị thị trường sụt xuống dưới mức 2 tỷ USD.

Báo cáo tài chính quý III/2018 cho thấy mảng dịch vụ với những tiện ích như Apple Music, iCloud hay App Store mang về cho Apple nhiều lợi nhuận nhất, với mức tăng trưởng lên đến 31%.

Ngoài ra, doanh số cao chót vót của iPhone 8 và iPhone X, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, cũng là một trong những lý do thúc đẩy Apple về đích đầu tiên trong cuộc đua chạm mốc giá trị 13 con số tại Mỹ. Thêm vào đó, thông tin những chiếc iPhone mới đang rục rịch ra mắt cũng được cho là những yếu tố làm gia tăng sự tự tin của các nhà đầu tư.

Nếu nói Apple đã làm một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ có lẽ là chưa đủ. Trải qua hơn 42 năm hình thành và phát triển, Apple được ca ngợi đã làm nên một cuộc cách mạng trong đời sống văn hóa của nhân loại, với một loạt sự ra đời của iPod, iPhone và iPad - hiện được xem là vật bất ly thân của nhiều người.

Ưu điểm của Apple là ở chỗ, công ty này luôn biết khơi gợi sự hiếu kỳ của “các thượng đế” bằng cách bổ sung nhiều tính năng đỉnh cao cho các sản phẩm, khiến khách hàng vẫn luôn sẵn sàng rút ví để được sở hữu các thiết bị của Apple. “Trái táo cắn dở” cũng đã thay đổi cách người tiêu dùng trên thế giới kết nối với nhau và cách các doanh nghiệp làm việc mỗi ngày.

Nếu nhìn tổng thể, thành công của Apple có lẽ bắt nguồn từ triết lý biến mọi công nghệ thành tiện ích tối đa cho người dùng. Hàng loạt sản phẩm mới, cái sau cải tiến hơn về tính năng và cấu hình, tích hợp nhiều ứng dụng hơn, thậm chí những ứng dụng mà người dùng còn chưa dám nghĩ tới, hoàn hảo hơn, song vẫn đảm bảo đơn giản và thân thiện với người sử dụng...

Quan trọng hơn, sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone, mở ra cả một thế giới của những trải nghiệm mới mà trong đó người sử dụng luôn là nhân vật trung tâm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng coi việc khám phá một sản phẩm mới của Apple chính là việc đánh thức những khả năng tiềm ẩn của chính mình.

Nói như chuyên gia Micheal Ferrolo của hãng JP Morgan Chase, iPhone là một "thiết bị nhỏ" nhưng "giá trị lớn". Đó cũng là lý do giải thích cho những dòng người dài xếp hàng háo hứng nhiều giờ chờ đợi khi Apple ra mắt sản phẩm iPhone mới và doanh thu của hãng cũng tăng đột biến sau mỗi đợt ra mắt này.

Trong sự thành công hiện nay của Apple có dấu ấn đậm nét của huyền thoại Steve Jobs - 1 trong 3 nhà đồng sáng lập công ty này. Steve Jobs đã ra khỏi công ty vào giữa những năm 1980 vì bất đồng, nhưng sau đó một thập niên, ông đã trở lại để cứu Apple khỏi bờ vực phá sản.

Với tầm nhìn của một người luôn dám thay đổi, dám đương đầu và dám thực hiện những ý tưởng táo bạo, dưới sự lãnh đạo của Steve Jobs, Apple đã gạt lĩnh vực chế tạo computer (máy tính) ra khỏi chiến lược phát triển mà thay vào đó tập trung sản xuất smartphone (điện thoại thông minh), với sản phẩm iPhone được trình làng lần đầu tiên vào năm 2007.

Chiến lược này của Apple đã khiến các đối thủ như Microsoft, Intel, Samsung và Nokia rơi vào thế bị động. Nhờ hướng đi đúng đắn, Apple đã vượt qua Exxon Mobil vào năm 2011 để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất của Mỹ.

Trong khoảng thời gian đó, Apple chính thức chuyển mình -  từ chỗ là công ty tập trung sản xuất máy tính cá nhân Mac, thành “kiến trúc sư” của cuộc cách mạng di động. Sự hồi sinh ngoạn mục của Apple sau "cú sốc" năm 1997 được xem là bài học vượt qua khủng hoảng cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hiện đại.

Thành công của Apple không chỉ là câu chuyện về doanh thu hay lợi nhuận, mà sức lan tỏa của các sản phẩm như iPhone đã vươn tầm tới nhiều lĩnh vực và khía cạnh khác nhau, từ tạo thêm việc làm, tạo đà tăng trưởng kinh tế tới nâng cao nhu cầu "tận hưởng" cuộc sống của con người.

Cuộc cạnh tranh do Apple khởi xướng trên thị trường di động góp phần thúc đẩy những sáng kiến, phát minh mới, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế ứng dụng đang ngày càng phát triển nhanh trên thế giới. Riêng với nền kinh tế Mỹ, các dự án đầu tư đang được triển khai của Apple ước tính sẽ tạo thêm 20.000 việc làm và đóng góp 350 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook - người đã thay thế nhà sáng lập Steve Jobs “truyền lửa” cho Apple sau khi ông qua đời vì bệnh ung thư, mức giá trị 1.000 tỷ USD là “cột mốc quan trọng” để công ty tự hào, tuy nhiên đó không phải là mối quan tâm lớn.

Ông Tim Cook nhấn mạnh giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD “không phải là thước đo quan trọng nhất” thể hiện sự thành công của Apple, mà đó là kết quả của việc tập trung vào phát triển sản phẩm, khách hàng và các giá trị của công ty.

Theo đánh giá của giới phân tích, tình hình kinh doanh của Apple sẽ còn thăng hoa hơn trong quý IV năm nay, khi những mẫu điện thoại mới được ra mắt. Tháng 9 tới, Apple được kỳ vọng sẽ trình làng 3 chiếc iPhone mới với điểm khác biệt lớn nhất nằm ở kích thước và công nghệ màn hình. Theo đó, một máy có giá thấp nhất sẽ có màn hình LCD 6,1 inch trong khi 2 thiết bị còn lại có giá thành cao hơn sẽ được trang bị màn hình OLED 5,8 inch và 6,5 inch.

Tiếp bước Apple, nhiều “gã khổng lồ” công nghệ khác cũng đang có mức tăng trưởng tốt trong năm nay và tiến gần tới cột mốc 1.000 tỷ USD. Hiện có giá trị khoảng 900 tỷ USD, Amazon nhiều khả năng sẽ là công ty tiếp theo cán mốc này với kết quả kinh doanh rất thuận lợi trong quý III/2018. Trong khi đó, Alphabet - công ty mẹ của Google - cũng đang có giá trị thị trường gần 850 tỷ USD và Microsoft được định giá khoảng 815 tỷ USD.

Tuy vậy, Apple là công ty Mỹ đầu tiên và là công ty duy nhất trên thế giới có giá trị 1.000 tỷ USD ở thời điểm hiện tại, một lần nữa khẳng định vị thế đứng đầu của mình trong làng công nghệ trên toàn thế giới.

Thanh Phương (TTXVN)
Apple: Con đường dẫn đến doanh nghiệp 'nghìn tỷ USD'
Apple: Con đường dẫn đến doanh nghiệp 'nghìn tỷ USD'

Việc “đại gia” trong làng công nghệ toàn cầu Apple (Mỹ) ngày 2/8 trở thành công ty tư nhân đầu tiên đạt giá trị thị trường hơn 1.000 tỷ USD là một “trái ngọt” về mặt tài chính đối với hãng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN