Kế hoạch "Con đường Tơ lụa mới" tại khu vực Trung Á hậu 2014 của Mỹ với ý định khôi phục giá trị cho khu vực này giờ đang đứng trước nguy cơ thất bại chiến lược.Thời hạn cuối cùng cho Mỹ rút quân khỏi khu vực Trung Á là vào cuối năm 2014. Cùng với việc chuyển quân, tài chính và phương tiện, lợi ích Mỹ ở khu vực cũng được thu gọn lại. Bên cạnh việc rút quân, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh một kế hoạch mang tên “Con đường Tơ lụa mới’, với mục đích tạo điều kiện để khu vực Trung Á trở lại với vai trò lịch sử là cửa ngõ giữa Đông và Tây.
Vấn đề nan giải của sáng kiến này là việc xây dựng hệ thống đường truyền dẫn điện trị giá gần 1 tỷ USD nối Trung Á với Nam Á, còn được gọi là CASA-1000, với chiều dài 759 dặm (1.221,5 km) và kết nối thêm với các nhà máy thủy điện hoạt động vào mùa hè ở hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan để truyền tải điện năng cho hai nước đang thiếu điện trầm trọng là Afghanistan và Pakistan. Nhưng thật không may mắn, nỗ lực cuối cùng của Mỹ trong việc để lại một di sản tốt tại khu vực Trung Á lại bị bỏ qua bởi các vấn đề lớn hơn ở khu vực và điều này đang đe dọa tới tính hiện thực của kế hoạch.
Sơ đồ hệ thống điện CASA-1000 |
Việc thực hiện thành công CASA-1000 là vô cùng quan trọng. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng một hệ thống điện hoạt động hiệu quả cho khu vực, điều có thể giúp “phát triển một nền kinh tế vững mạnh với nhiều việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ xã hội thích hợp và thúc đẩy cả tăng trưởng”. Dự án CASA-1000 do Mỹ đứng đầu là phù hợp để giúp các nước hậu Xô Viết ở khu vực tạo ra hành lang năng lượng thay thế, phá vỡ thế phụ thuộc vào hạ tầng của Nga.
Một trong những vấn đề cơ bản nhất dự án này bỏ qua đó là tình trạng đổ nát của hệ thống cơ sở hạ tầng mà CASA-1000 dựa vào đó để phân phối điện. Cả hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan thường xuyên phải đối mặt với các sự cố và tình trạng mất điện do không có đầu tư thích hợp, thiếu bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống điện từ kỷ nguyên Xô viết. Bởi vậy, tình trạng sự cố điện tiếp tục tái diễn sẽ đe dọa tới toàn bộ dự án do nguồn phân phối điện năng không đáng tin cậy.
Thêm vào đó, một thách thức nữa là không có chiến lược để đảm bảo an toàn cho hạ tầng vào thời điểm hiện tại hoặc là sau khi Mỹ rút quân. Hệ thống đường điện CASA-1000 chạy qua lãnh thổ 4 nước bất ổn nhất tại khu vực và khoảng trống an ninh hậu 2014 sẽ khiến cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển châu Á được đề nghị cung cấp 40% tài chính, đã rút khỏi dự án với lý do không chính thức là lo ngại về vấn đề an ninh ở Afghanistan.
Do dự án có tầm quan trọng nên có thể trở thành mục tiêu cho những kẻ muốn gây bất ổn cho khu vực. Các lực lượng tại chỗ khó có thể phối hợp và đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống hạ tầng kéo dài trên 1.000 km. Trên tất cả, sự kình địch và sự yếu kém trong hợp tác giữa các thể chế ở Trung Á có thể là một mối nguy hại không nhỏ cho dự án. Mối nguy hại này còn lớn hơn cả mối đe dọa từ các tổ chức phi thể chế như Taliban, các thủ lĩnh địa phương hay các đối tượng buôn bán ma túy.
Uzbekistan đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với dự án CASA-1000. Tashkent (Thủ đô của Uzbekistan) đã chỉ ra mối liên hệ giữa dự án với kế hoạch xây dựng các đập Kambarata-1 và Rogun nằm ở phía thượng nguồn, lần lượt thuộc hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan. Uzbekistan tin rằng các đập sẽ được sử dụng như một công cụ chính trị để đe dọa khả năng của nước này trong tiếp cận nguồn nước.
Nếu đặt Uzbekistan ra bên ngoài, sự phát triển của các thủy điện ở Trung Á tạo ra lợi ích chung cho khu vực. Sự phát triển của nhiều nước trong khu vực sẽ khiến nhu cầu cho năng lượng điện tăng cao. Nga cũng là một nước có thế mạnh về thủy điện nên đang trông đợi thu nguồn lợi ích khổng lồ từ dự án khi dự án này kết nối với hai nước đang khát về năng lượng là Trung Quốc và Ấn Độ. Thực tế, Nga đã cam kết đầu tư gần 2 tỷ USD để xây dựng đập Kambarata-1 tại Kyrgyzstan và thể rõ lợi ích khi ủng hộ xây dựng đập Rogun ở Tajikistan.
Lợi ích của Nga được khẳng định khi Tập đoàn Inter RAO-United Electrical Systems của Nga vừa ký một hợp thỏa thuận cung cấp điện cho Trung Quốc trong 25 năm. Nga có lợi ích lâu dài ở Trung Á và thể hiện rõ thiện chí trong việc giải quyết những khó khăn khổng lồ về tài chính và chính trị ở khu vực. Kyrgyzstan và Tajikistan cũng mong chờ để thu lợi khi tham gia vào một thị trường năng lượng rộng lớn hơn và không chỉ trở thành nhà xuất khẩu năng lượng, mà còn trở thành quốc gia trung chuyển. Kinh nghiệm của Nga với hệ thống điện ở Trung Á và những tiềm năng khổng lồ về thủy điện khiến Nga được đặt ở vị trí tốt nhất cho việc giúp đỡ cuộc cách mạng thủy điện ở Trung Á phát triển.
Tất nhiên là, Mỹ lo ngại về sự can dự của Nga vào CASA-1000 (và với góc độ lớn hơn là sự can dự vào khu vực), với lo sợ rằng Nga sẽ kiểm soát các thỏa thuận và làm suy yếu nỗ lực của Washington trong việc tách Trung Á ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Bởi thế, việc có thêm Nga tham gia và việc mở rộng mục tiêu của CASA-1000 thì rất nhiều vấn đề lớn của dự án gần như sẽ được giải quyết.
Thêm vào đó, Nga sẽ phải có nhiều trách nhiệm khi thực hiện các thỏa thuận nằm trong chương trình khung của CASA-1000 hơn là việc Nga quan hệ song phương với các nước. Nếu Mỹ tiếp tục có ý định giới hạn phạm vi của CASA-1000 thì sự thành công hay thất bại của dự án cũng chỉ xảy ra trong phạm vi khu vực chứ không thể trở thành một yếu tố có vai trò là một đường dây thiết yếu trong một mạng lưới lớn hơn.
Dự án hoàn toàn mang tính chính trị nhưng đây là vấn đề có thể giải quyết được. Mỹ đang theo đuổi những thành công ngắn hạn và có nguy cơ gây ra những thất bại chiến lược. Tình trạng hiện tại của dự án là không được thúc đẩy do “các nước trong dự án đàm phán riêng với nhau và có xu hướng bất đồng khi cùng nhau đàm phán về CASA-1000”. Mỹ và các đối tác đã sẵn sàng chi ra gần 1 tỷ USD vào việc xây dựng một hệ thống đường dẫn điện không được bảo vệ với nguồn cung cấp điện dễ bị tổn thương do khả năng kinh tế của các nước cung cấp điện này dựa vào cơ sở hạ tầng đã được xây dựng cách đó 20-30 năm trên một khu vực có nền chính trị không ổn định.
Nga có thể là nước duy nhất sẵn sàng đầu tư nguồn tài chính, an ninh và chính trị cần thiết trong dài hạn. Sau vụ đổ vỡ trong việc tái dựng quan hệ với Nga của Tổng thống Mỹ gần đây, CASA-1000 và dự án Con đường Tơ lụa mới có thể như đường dẫn cho lợi ích chung trong hợp tác giữa Mỹ, Trung Á và Nga. Sự kết hợp đa dạng về lợi ích khu vực giúp khu vực này ổn định và phát triển. Nếu không có sự tham dự của Nga, Mỹ sẽ phải chuyển gánh nặng và sự kỳ vọng lên vai của các nước trong khu vực, mà các nước này không thể có đủ tiềm năng, nguồn nhân lực được đào tạo hoặc các nguồn tài nguyên để đảm bảo cho dự án thành công trong dài hạn.
Đức Trung (theo the Diplomat)