S&P có thể tiếp tục đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ

Vài ngày sau tuyên bố của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) rằng tín dụng của Mỹ không còn xứng đáng với mức đánh giá tín nhiệm cao nhất là AAA và hạ cấp tín nhiệm của Mỹ xuống mức AA+, giám đốc điều hành cơ quan này - ông John Chambers - cho biết S&P không loại trừ khả năng hạ cấp tín nhiệm của Mỹ thêm một bậc nữa nếu tình trạng mất cân bằng tài chính ngày càng nghiêm trọng của nước này không cải thiện. Ông nói: “Nếu tình trạng tài chính của Mỹ trầm trọng thêm, hoặc nếu thế bế tắc chính trị ngày càng trở nên nghiêm trọng, điểm tín nhiệm của Mỹ sẽ bị hạ cấp một lần nữa”.

Khả năng Mỹ bị hạ cấp tín nhiệm một lần nữa đã khiến các nhà đầu tư cổ phiếu càng bất an. Trước khi S&P ra thông báo ngày 5/8, các nhà đầu tư đã đổ xô bán tống bán tháo chứng khoán; và tuần trước, thị trường Mỹ và các nơi khác trải qua đợt mất điểm lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, theo ông David Beers, người đứng đầu đơn vị đánh giá nợ chính phủ của S&P, sự chao đảo trên thị trường không phải chỉ xuất phát từ các khó khăn tài chính của Mỹ mà còn từ vấn đề khác. Ông nói: “Rất nhiều vấn đề khiến thị trường bất an xuất phát từ những gì đang xảy ra ở châu Âu và những nhận thức trên bình diện kinh tế toàn cầu rằng nền kinh tế thế giới có thể đang chậm lại. Vì thế, tôi nghĩ rằng các thị trường phản ứng như vậy là do nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ vì quyết định công bố hôm 5/8 của S&P”.

Bằng việc hạ cấp tín nhiệm của Mỹ xuống một bậc, S&P cho thấy họ đã mất niềm tin vào khả năng của Mỹ trong việc đối đầu với các thách thức về tài chính, vì Oasinhtơn đã tỏ ra thiếu khả năng vượt qua thế bế tắc trong tranh cãi đảng phái.

Việc Mỹ bị tụt hạng tín nhiệm sẽ gây tác động tiêu cực nghiêm trọng cho nền kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Thứ nhất, nó tác động trực tiếp tới lòng tin của các nhà đầu tư, làm gia tăng nghiêm trọng tính bất định cho thị trường tài chính vốn đã rất yếu ớt. Thứ hai, tụt hạng tín nhiệm sẽ gây thiệt hại cho Mỹ, làm gia tăng giá thành huy động tài chính và làm tăng sự quan ngại của thị trường toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, làm cho các nền kinh tế khu vực đồng euro, vốn đã thiếu tín dụng, càng dễ bị tác động hơn, khiến cho cuộc khủng hoảng lòng tin của thị trường đối với tín dụng Âu - Mỹ càng lớn. Thứ ba, việc Mỹ bị tụt hạng tín dụng sẽ gây tác động tiêu cực cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Giá thành vay tiền chi tiêu của người dân Mỹ sẽ tăng cao, sức mua sẽ giảm, nhu cầu của Mỹ suy giảm sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của các nước dựa vào đơn đặt hàng của Mỹ sẽ chậm lại. Thứ tư, Mỹ bị tụt hạng tín nhiệm sẽ gây thiệt hại cho các nước chủ nợ của Mỹ trên toàn cầu. Một khi Mỹ mất đi vị thế quốc tế trước đây, đồng USD sẽ sụt giá mạnh, những nước nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Mỹ như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Hiện Trung Quốc là một trong những chủ nợ hàng đầu của Mỹ, nên mọi biến động của đồng USD - và cả đồng euro - đều có thể có tác động xấu đến dự trữ ngoại tệ và cán cân thương mại của Trung Quốc. Lo ngại vì khoản nợ của Mỹ, Trung Quốc nói Lầu Năm Góc phải xem lại chi phí quân sự và các kế hoạch triển khai quân đội ra bên ngoài. Ngoài ra, truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng cảnh báo giới tài chính Mỹ không được phá giá đồng USD nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

TTK

Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm: Thế giới lo ngại
Mỹ bị đánh tụt hạng tín nhiệm: Thế giới lo ngại

Ngày 6/8 (giờ Việt Nam), hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor (S&P) lần đầu tiên trong lịch sử đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ từ "AAA" xuống "AA+" do nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN