Sóng tạm yên, biển có lặng?

Việc Thủ tướng Liban Saad al-Hariri cuối cùng đã quay trở lại Liban sau gần 3 tuần vắng mặt và hoãn quyết định từ chức gây tranh cãi để đối thoại theo lời kêu gọi của Tổng thống Michel Aoun và các phe phái chính trị trong nước, bao gồm cả phong trào Hezbollah, được coi là động thái tích cực giúp tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Thủ tướng Liban Saad al-Hariri vẫy chào người ủng hộ tại Beirut ngày 22/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố từ chức bất ngờ của ông Saad al-Hariri ngày 4/11 khi đang có chuyến công du tới Saudi Arabia thực sự đã tạo ra cú sốc chính trị tại Liban, dẫn tới nguy cơ phá vỡ thế cân bằng chính trị mong manh tại quốc gia với 1/3 dân số theo dòng Hồi giáo Sunni, 1/3 theo dòng Hồi giáo Shiite, 1/3 còn lại theo Cơ đốc giáo và vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc kể từ sau cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990.

"Viễn cảnh" chính phủ liên minh hiện nay với nhiều thành phần, đại diện các phe phái đối lập ở Liban sụp đổ, không chỉ đe dọa cuốn các bên tại nước này vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực, mà còn làm trầm trọng thêm "cuộc đấu" gay gắt nhằm giành ưu thế và xác lập tầm ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran trong khu vực.
 
Đối với Liban, một khoảng trống chính trị nếu Thủ tướng Liban Saad al-Hariri từ chức lúc này sẽ đẩy đất nước quay trở lại thời kỳ hỗn loạn kéo dài 29 tháng sau khi cựu Tổng thống Michel Suleiman kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 5/2014. Chia rẽ và mâu thuẫn phe phái gay gắt ở Liban khi đó khiến quốc hội nước này trải qua hơn 40 cuộc bỏ phiếu vẫn không thể bầu chọn được người đứng đầu đất nước.

Cuộc khủng hoảng quyền lực khi đó đã khiến chính phủ bị tê liệt, nhiều dịch vụ cơ bản bị ngừng trệ và nguy cơ nội chiến tái diễn. Mọi chuyện mới chỉ được tháo gỡ vào tháng 10 năm ngoái khi Quốc hội Liban bầu cựu chỉ huy quân đội Michel Aoun làm Tổng thống, đồng thời chính phủ do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu được thành lập trên cơ sở một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó nêu rõ tổng thống là người thuộc cộng đồng Cơ đốc giáo dòng Maronite, thủ tướng là người Hồi giáo theo dòng Sunni và chủ tịch quốc hội là người Hồi giáo dòng Shiite.

Đồng thời, Hezbollah, lực lượng mạnh nhất tại Liban nhưng bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách tổ chức khủng bố nên không thể trở thành lực lượng cầm quyền tại Liban, vẫn có thành viên trong chính phủ, quốc hội, ngày càng kiểm soát chính sách đối ngoại và an ninh của Liban. Việc Thủ tướng Saad Hariri từ chức đe dọa sự ổn định tạm thời ở một đất nước vốn có sự chia rẽ sâu sắc bởi xung đột giáo phái như Liban.

Bên cạnh đó, mọi cuộc khủng hoảng trên chính trường Liban đều có thể đẩy Trung Đông rơi vào tình trạng bất ổn vượt tầm kiểm soát. Mặc dù là một quốc gia có diện tích nhỏ chỉ bằng nửa Kuwait, song Liban có vai trò địa- chính trị hết sức quan trọng tại Trung Đông, và đang được xem là "tâm điểm" trong cuộc đối đầu rộng khắp khu vực giữa Iran và Saudi Arabia. Liban, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, đều đang can dự vào các cuộc chiến tại Yemen, Syria, có ảnh hưởng nhất định tới diễn biến tại các điểm nóng trong khu vực. Ngoài ra, khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria đang lánh nạn tại Liban.

Nếu Liban rơi vào bất ổn, số người tị nạn này khó có thể trở lại Syria mà điểm đến nhiều khả năng sẽ là châu Âu, gây ra một làn sóng khủng hoảng người di cư mới. Mặt khác, điểm nóng Trung Đông nếu tiếp tục bất ổn và chia rẽ, sẽ chỉ tạo điều kiện cho tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tồn tại và tái thiết lực lượng, chắc chắn tác động tiêu cực đến những tiến triển tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông thời gian qua.

Bởi vậy, kể từ khi Thủ tướng Saad Hariri tuyên bố từ chức, giới lãnh đạo EU, Mỹ và nhiều nước đã đưa ra cảnh báo các bên liên quan không sử dụng Liban như một "mặt trận mới" trong cuộc chiến quyền lực tại khu vực. Những nỗ lực ngoại giao của nhiều bên, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sissi, đã phần nào giúp ngăn chặn được cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng tại Liban.    

Quyết định hoãn từ chức của Thủ tướng Saad al-Hariri cùng với tuyên bố ông sẽ "đặt lợi ích quốc gia lên trên hết" nhận được sự tán đồng của đông đảo người dân Liban, vốn nhận thức rõ được giá trị của hòa bình và ổn định sau khi phải trải qua cuộc nội chiến kéo dài 25 năm với những tổn thất to lớn.

Tuy nhiên, nguy cơ bất ổn chính trị tại Liban vẫn chưa thể bị  đẩy lùi khi nước này vẫn là "sân khấu chính" của cuộc xung đột giữa các cường quốc khu vực, đặc biệt trong việc cạnh tranh ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự giữa Saudi Arabia và Iran. Mặc dù quyết định trở về nước của Thủ tướng Saad Hariri dường như cản trở các kế hoạch của Saudi Arabia nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran đang gia tăng tại khu vực, song Saudi Arabia chắc chắn sẽ không từ bỏ chính sách cứng rắn đối với Tehran.

Bởi vậy, nếu vụ Thủ tướng Saad Hariri đột ngột từ chức thực sự có "bàn tay" của Saudi Arabia, có thể Riyadh sẽ "trừng phạt" Thủ tướng Saad Hariri vì đã thay đổi quyết định khi trở về Liban, hay gây áp lực kinh tế đối với Beirut. Iran cũng sẽ không đứng yên trong cuộc tranh giành ảnh hưởng địa-chính trị với Saudi Arabia, nhất là tại Liban, khi Hezbollah là lực lượng không chỉ quan trọng đối với Iran tại Liban và Syria, mà còn là "át chủ bài" trong chính sách của Tehran đối với Israel.

Cùng với đó, mối hận thù dai dẳng giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite ở Liban nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung có thể sẽ còn khiến căng thẳng kéo dài. Nếu không tìm được cách tự bảo vệ, các bên ở Liban vẫn có thể bị đẩy sang hai chiến tuyến đối đầu, dẫn tới bất ổn và xung đột tiếp diễn tại đất nước này.

Công Đồng (P/v TTXVN tại Trung Đông)
Cựu Thủ tướng Liban về nước sau tin đồn bị Saudi Arabia ‘giữ làm con tin’
Cựu Thủ tướng Liban về nước sau tin đồn bị Saudi Arabia ‘giữ làm con tin’

Ngày 22/11, cựu Thủ tướng Liban Saad Hariri đã quay về nước lần đầu tiên sau khi bất ngờ tuyên bố từ chức 3 tuần trước trên sóng truyền hình Saudi Arabia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN