Sóng ngầm trên biển lặng

Gần 6 tháng kể từ cuộc tổng tuyển cử tháng 9/2017, cuối cùng nước Đức cũng tạm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính phủ chưa có tiền lệ suốt 70 năm qua, từng khiến cả châu Âu “đứng ngồi không yên".

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 12/3. THX/TTXVN.

Với sự phê chuẩn của Quốc hội Liên bang, bà Angela Merkel đã vượt qua cơn sóng gió lớn nhất kể từ khi trở thành Thủ tướng Đức vào năm 2005, để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thỏa thuận "tái hợp" đại liên minh giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) chính là bước ngoặt giúp chấm dứt bế tắc sau diễn biến khó lường của cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái, khi SPD quyết định trở thành đảng đối lập để tìm một con đường đi mới trước "cái bóng" quá lớn của CDU/CSU. Từ cuộc đàm phán thành lập liên minh mang màu sắc tượng trưng như màu cờ của quốc gia Trung Mỹ Jamaica giữa CDU/CSU, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh bị đổ vỡ do sự khác biệt về xu hướng chính trị, tới việc Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phải ra tay tháo gỡ bế tắc, thuyết phục SPD một lần nữa tham gia chính phủ liên minh với CDU/CSU. Sức ép dư luận đòi hỏi nước Đức phải sớm có một chính phủ ổn định, nguy cơ tổ chức bầu cử lại hay vận hành một chính phủ thiểu số... có lẽ đã khiến bà Markel một lần nữa "đặt cược" hy vọng vào "đại liên minh".
        
Đây cũng là lý do khiến các bên đã phải nhượng bộ khá nhiều trong quá trình thương lượng, nhất là sau bài học "nhãn tiền" khi các chính đảng của liên minh Jamaica không thể dung hòa lợi ích. Ở vị thế của một "người giải cứu", SPD đã đi những bước rất thận trọng và tận dụng sự nhượng bộ của CDU/CSU để giành được nhiều lợi thế về mặt chính sách, cũng như các vị trí lãnh đạo, trong đó có hai vị trí đầy quyền lực là Bộ trưởng Tài chính, vốn trước đây thuộc CDU, và Bộ trưởng Ngoại giao.
         
Nội các mới của Thủ tướng Merkel chứng kiến nhiều sự thay đổi về mặt nhân sự so với nhiệm kỳ trước. Ghế Bộ trưởng Ngoại giao trở thành đề tài gây tranh cãi, cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabriel vẫn muốn tiếp tục công việc trong khi cựu Chủ tịch SPD Martin Schulz  lại bất ngờ muốn ngồi vào, dù trước đó ông đã tuyên bố sẽ không bao giờ nằm trong nội các của Thủ tướng Merkel. Cuối cùng, SPD phải điều chuyển Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas sang làm Bộ trưởng Ngoại giao, chấm dứt việc chia rẽ trong nội bộ.
         
Về phía CDU, ông Peter Altmeier, cựu Bộ trưởng - Chánh Văn phòng Thủ tướng, trở thành Bộ trưởng Kinh tế đầu tiên của đảng này kể từ năm 1966. Suốt hơn 50 năm qua, vị trí Bộ trưởng Kinh tế Đức luôn thuộc về SPD hoặc một đảng khác trong chính phủ liên minh.
         
Không ít người Đức cảm thấy nhàm chán và thậm chí lên tiếng chỉ trích khi bà Merkel tiếp tục tại vị. Đáp lại điều này, bà Merkel đã có những động thái đổi mới trong chính phủ, bắt đầu từ chính đảng CDU do bà lãnh đạo. Trong số 6 bộ trưởng thuộc CDU, chỉ có bà Ursula von der Leyen - Bộ trưởng Quốc phòng vẫn giữ nguyên vị trí, số còn lại đều là các gương mặt mới, đáng chú ý nhất là Bộ trưởng Y tế Jens Spahn (Gien Xpan), người từng chỉ trích mạnh mẽ chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà Merkel.
         
Việc chấp nhận đưa những người có quan điểm trái ngược với mình vào chính phủ cho thấy bà Merkel sẵn sàng lắng nghe phản biện và chấp nhận thay đổi, với mong muốn có một chính phủ đủ mạnh và ổn định để điều hành đất nước hướng đến tương lai. Chính phủ mới ở Đức có nhiều bộ trưởng còn khá trẻ, như ông Saphn mới 37 tuổi, Bộ trưởng Gia đình Franziska Giffey 39 tuổi... Có đến 8 trên tổng số 17 thành viên nội các mới là nữ, tỷ lệ cao hiếm có.
         
Cuộc khủng hoảng chính phủ chấm dứt, song sóng gió trên chính trường Đức có lẽ chỉ tạm lắng khi nhiều nguy cơ bất ổn vẫn còn. Nội bộ SPD vẫn rối bời sau sự ra đi của Chủ tịch Martin Schulz, cũng như chia rẽ giữa các nhóm khác nhau liên quan định hướng của đảng. CDU của bà Merkel cũng đang trong tình trạng lục đục, bản thân bà phải hứng chịu không ít chỉ trích từ các thành viên, cho rằng bà đưa ra quá nhiều nhượng bộ trước những đòi hỏi của SPD.
         
Trong khi đó, với 94 ghế, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu trở thành đảng dẫn đầu lực lượng đối lập tại Quốc hội Liên bang Đức. Quan điểm bài ngoại của AfD xung đột mạnh mẽ với chính sách mở cửa tiếp nhận người tị nạn trước đây của Thủ tướng Angela Merkel và đường lối cực hữu của đảng này trái ngược với quan điểm cứng rắn của tân Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas. Dù siết chặt hơn việc tiếp nhận người tị nạn, những vấn đề xã hội do người tị nạn gây ra vẫn là đề tài gây tranh cãi gay gắt ở Đức, và tiếng nói của AfD ở nghị trường có thể khiến vấn đề càng thêm nóng, kéo theo sự chia rẽ thêm sâu sắc trên chính trường cũng như trong xã hội Đức.
         
Hàn gắn xã hội Đức đã bị rạn nứt trở thành nhiệm vụ cấp bách của bà Merkel trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư liên tiếp này. Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định, số người thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục nhưng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc, hàng loạt rắc rối do làn sóng người tị nạn gây ra, trong đó đáng kể nhất là nguy cơ bị khủng bố trà trộn, bên cạnh tư tưởng cực hữu trỗi dậy kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh...
         
Chủ đề châu Âu đã chiếm một tỷ trọng đáng kể trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ giữa CDU/CSU và SPD, song nỗ lực cải cách liên minh, cũng như cải tổ Khu vực sử dụng đồng tiền chung do Đức và Pháp dẫn đầu sẽ khó thuận buồm xuôi gió, khi mà các quốc gia chưa tìm được tiếng nói chung, trong bối cảnh mầm mống chia rẽ đã bùng phát sau sự kiện nước Anh rời đi. Cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Merkel sẽ phải thuyết phục được các nhà lãnh đạo châu Âu về một tầm nhìn thịnh vượng cho khu vực này.
         
Một trách nhiệm khác của bà Merkel là chuẩn bị lực lượng kế cận. Nhiều chuyên gia dự báo có thể bà chỉ giữ cương vị thủ tướng thêm nửa nhiệm kỳ rồi chuyển giao cho một nhân vật khác thuộc CDU. Đây là thời điểm để bà Merkel lựa chọn và chuyển giao dần quyền lực, đảm bảo sự ổn định liên tục của nước Đức nói chung, và đảng CDU nói riêng. Ứng cử viên thay thế bà Merkel nổi lên vào lúc này là tân Tổng Thư ký CDU - cựu Thủ hiến bang Saarland Annegret Kramp-Karrenbauer.
          
Sau cuộc khủng hoảng, điều mà người dân Đức nghĩ đến không phải là những gì đã qua, mà là những gì sắp đến. Chính phủ "mới mà cũ" của bà Merkel sẽ chèo lái con thuyền nước Đức như thế nào trong bối cảnh những "cơn sóng ngầm" của sự chia rẽ và bất đồng đang khiến mối liên kết giữa CDU/CSU và SPD trở nên thiếu chắc chắn và không ổn định. Ngay cả cuộc "tái hợp" lần này của đại liên minh cũng bị cho là mang tính vụ lợi, thậm chí một bài viết của tạp chí Süddeutsche Zeitung đã gọi đây là “Liên minh của những kẻ thất bại". Rõ ràng chính phủ mới của Đức sẽ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong tiến trình thực hiện mục tiêu đảm bảo sự ổn định trong nước để đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua bất kỳ thách thức nào trong tương lai.

Phạm Thắng (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)
Bà Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4
Bà Merkel tái đắc cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4

Quốc hội Đức ngày 14/3 đã bỏ phiếu thông qua thành phần chính phủ mới của nước này, theo đó bà Angela Merkel tái đắc cử chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN