Tỷ phú bất động sản Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: Gettyimages
|
Với những ưu thế áp đảo, ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và ứng cử viên nổi bật của đảng Cộng hòa là tỷ phú bất động sản Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục tỏa sáng trong ngày trọng đại này.
“Siêu thứ Ba” được dùng để chỉ ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 2 hoặc tháng 3 của năm bầu cử tổng thống Mỹ. Năm nay, “Siêu thứ Ba” rơi vào ngày 1/3, diễn ra tại 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ. Theo phân bổ ở các bang, sau ngày này, đảng Cộng hòa sẽ có 595 đại biểu được lựa chọn dự Đại hội Đảng toàn quốc, trong khi con số này của đảng Dân chủ là 865 đại biểu. Sau khi kết thúc bầu cử sơ bộ trên toàn nước Mỹ, mỗi ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ lần lượt cần ít nhất 1.237 và 2.382 lá phiếu ủng hộ của đại biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, để trở thành đại diện duy nhất cho mỗi đảng ra tranh cử tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. Với quy định đó, "Siêu thứ Ba" được coi là ngày quyết định bởi người chiến thắng sẽ có lợi thế rất lớn trong cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức.
Trước sự kiện được cho là có thể mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và Dân chủ là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang có những bứt phá ngoạn mục khi liên tục dẫn đầu các cuộc đua riêng rẽ của 2 đảng tại các bang tiến hành bầu cử sơ bộ trước đó.
Là ứng cử viên nữ duy nhất, song cựu Đệ nhất phu nhân Clinton luôn thể hiện trước công chúng một phong thái mạnh mẽ, chuyên nghiệp, không hề thua kém một chính khách nam nào. Khoảng thời gian nắm giữ chiếc ghế ngoại trưởng Mỹ đã giúp bà tạo dựng được hình ảnh người phụ nữ quyền lực, có đủ khả năng trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Khi đánh giá về hai ứng cử viên tiềm năng trong cuộc đua giành đề cử trong nội bộ đảng Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nhận định chính bà Clinton, chứ không phải ông Bernie Sanders, mới là ứng cử viên hiểu rõ những yêu cầu và bản chất công việc của một tổng thống.
Với thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Nam Carolina mới đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ không những đã củng cố vị thế ứng cử viên tổng thống sáng giá nhất của đảng Dân chủ, mà còn có bước chạy đà hoàn hảo trước khi bước vào ngày bầu cử "Siêu thứ Ba". Tính tới thời điểm này, bà đã giành thắng lợi tại 3 trên tổng số 4 cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, nâng tổng số đại biểu hậu thuẫn cho mình tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ lên 544 người, gấp nhiều lần con số 83 người của ông Sanders.
Các số liệu thăm dò hiện tại đều cho thấy bà Clinton dẫn trước ở đa số các bang tham gia bầu cử trong ngày "Siêu thứ Ba" với tỷ lệ ủng hộ của gần 90% cử tri da màu. Trong khi đó, ông Sanders chiếm ưu thế ở những cử tri là đàn ông da trắng và thanh niên từ 18 - 29 tuổi. Giới phân tích nhận định đã đến lúc ông Sanders “phải nhanh chóng có cuộc lội ngược dòng trước bà Clinton, nếu không sẽ không còn thời gian để sửa sai”.
Không tỏ ra kém cạnh với bà Clinton, “ông trùm” bất động sản D. Trump ngày càng chứng tỏ là một ứng cử viên tiềm năng nhất so với 4 đối thủ còn lại của đảng Cộng hoà ra tranh chức Tổng thống Mỹ. Khi mới bắt đầu tham gia cuộc đua, “người ngoại đạo” Trump được coi là một “nhân tố lạ”, gây chú ý bởi những phát ngôn gây sốc. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hoà lại khiến các ứng cử viên “truyền thống” phải giật mình và buộc phải thừa nhận ông Trump là một đối thủ đáng gờm.
Sau khi để thua ở bang Iowa, tỷ phú Trump đã có màn tăng tốc ấn tượng khi lần lượt giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại New Hampshire, Nam Carolina và mới đây nhất là Nevada, nâng số đại biểu ủng hộ ông lên 82 người, bỏ xa các đối thủ còn lại. Ngoài ra, việc mới đây giành được sự phê chuẩn ủng hộ đầu tiên từ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Chris Collins tới từ New York cũng phần nào giúp củng cố vị thế vững chắc của ông Trump trước ngày “Siêu thứ Ba”. Nhận định về sự bứt phá ngoạn mục của ông Trump, Chiến lược gia Ford O’Connell cho rằng: “Ông Trump đã chiến thắng được 50% trong cuộc đua được đề cử làm ứng cử viên đảng Cộng hòa và ông có khả năng được bầu cao hơn”.
Phần lớn sức thu hút mà ông Trump có được là do bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn đang vật lộn để đi lên sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đảng Cộng hòa tin rằng ông Trump là lựa chọn tốt nhất để điều hành nền kinh tế nhờ vị thế nhà tài phiệt tỷ phú của ông, trái ngược với hai ứng cử viên bám đuổi sát nút là ông Marco Rubio và Ted Cruz, đều không phải là nhà kinh doanh. Hơn nữa, những người ủng hộ ông Trump không hài lòng với cái mà họ coi là lối lãnh đạo nhạt nhòa hiện nay của Nhà Trắng cũng như Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Về chính sách đối ngoại, nhiều người ủng hộ ông Trump tuyên bố họ mệt mỏi với thái độ do dự của Nhà Trắng trước mối đe dọa khủng bố mà Mỹ và phương Tây đang phải đối mặt.
Đà tăng tốc ấn tượng của ông Donald Trump đã gây sức ép cho các đối thủ khác trong đảng, buộc họ phải đưa ra cách thức nhằm ngăn chặn ứng cử viên mà mới năm ngoái còn không được coi là đối thủ thực sự cho cuộc bầu cử tổng thống. Giới quan sát nhận định thay vì tìm cách chỉ trích lẫn nhau để trở thành “người cuối cùng” bước vào cuộc đối đầu, đã đến lúc các ứng cử viên “truyền thống” cần có chiến lược cụ thể để có thể thay đổi cục diện trong ngày “Siêu thứ Ba”.
Hiện còn quá sớm để dự đoán ai sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới khi cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ chỉ vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, nếu cựu Ngoại trưởng Clinton và tỷ phú Trump đại thắng trong ngày “Siêu thứ Ba”, người ta có thể dự đoán về một cuộc đua “song mã” giữa hai ứng cử viên này trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.