Rạn nứt Mỹ - Ai Cập giúp Nga trở lại khu vực

Kênh Al Arabiya cho biết một phái đoàn ngoại giao nhân dân Ai Cập vừa đến thăm Moskva để thể hiện sự biết ơn đối với Nga. Mohamed Salmawy, Chủ tịch Công đoàn các nhà văn Ai Cập, tuyên bố: "Lý do phía sau chuyến thăm này là để thể hiện sự biết ơn của chúng tôi đối với quan điểm thận trọng và khách quan của Nga".

 

Sự tức giận của Ai Cập với Mỹ không xuất phát từ việc ngừng viện trợ.


Dường như thời điểm diễn ra chuyến thăm không phải là ngẫu nhiên. Phái đoàn nhân dân này, như cách gọi của truyền thông Ai Cập, đã đến Moskva vài ngày sau khi chính quyền Mỹ thông báo đình chỉ khoản viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cũng như hoạt động chuyển giao máy bay và xe tăng cho Ai Cập. Khi phái đoàn này về nước, các phương tiện truyền thông đưa tin Ai Cập có ý định mua máy bay MiG-29 và những thiết bị quân sự khác của Nga. Một số thông tin nói rằng, Saudi Arabia sẽ cấp tài chính cho phần lớn thương vụ trị giá 15 tỉ USD này.


Ngày 28/10, một phái đoàn cấp cao gồm các quan chức tình báo Ai Cập đã thăm Moskva, rõ ràng nhằm thúc đẩy thương vụ trên. Một ngày sau, báo "Al Watan" của Saudi Arabia đưa tin người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Nga đã tới Cairo để thảo luận với các quan chức Ai Cập. Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi cũng được cho là đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp cấp cao trong những ngày tới. Chừng nào Cairo còn dính líu tới Nga, những diễn biến này sẽ là hình thức thuyết phục tốt nhất để Mỹ thay đổi thái độ với chính quyền quân sự Ai Cập. Trong trường hợp xấu nhất, hành động này sẽ cho Nga một chỗ đứng chiến lược tại Ai Cập.

 

Sự chia rẽ giữa Washington và Cairo, cùng với sự nghi ngờ về khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ai Cập, đã đưa một đối thủ mới mà cũ trở lại đấu trường, đó là Nga.


Sự tức giận của người Ai Cập với Mỹ không xuất phát từ việc ngừng viện trợ. Những người ủng hộ cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã coi chính quyền Obama như kẻ phản bội vì đã từ bỏ đồng minh của mình và quay sang ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại ông Mubarak. Sự hậu thuẫn của Washington đối với tổ chức Anh em Hồi giáo, đứng đầu là Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi, đã làm sâu sắc hơn những lo ngại của các nhà hoạt động và các phong trào tự do, vốn xem đây như âm mưu để Ai Cập phải chịu sự bảo trợ của Mỹ và buộc ông Morsi duy trì thỏa thuận hòa bình với Israel. Sự tức giận lên đến đỉnh điểm sau khi quân đội nắm quyền vào tháng 7/2013 và phế truất ông Morsi.

Chính quyền Mỹ, đối mặt với một sự tiến thoái lưỡng nan tuyệt vọng, đã thỏa hiệp khi không gọi những diễn biến tại Cairo là một cuộc đảo chính song cũng không công nhận đó là hành động dân chủ.


Đối với Moskva, đây là cơ hội để "bước chân" qua một cánh cửa đã đóng suốt từ thời Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đẩy người Nga ra khỏi quốc gia Trung Đông này vào đầu những năm 1970. Nga còn muốn một căn cứ hải quân thay thế ở Địa Trung Hải, do căn cứ tại Syria có thể lâm nguy nếu chính quyền Damascus sụp đổ. Tuy nhiên, Cairo hiểu rằng sự chuyển hướng chiến lược đột ngột này không phải không gặp rắc rối. Nga đã nêu rõ rằng sẽ không thay thế sự trợ giúp kinh tế của Mỹ cho Ai Cập, và quân đội Ai Cập sẽ gặp khó khăn trong việc vận hành các hệ thống vũ khí của Nga, vì phải mất nhiều năm để làm quen.


Do đó, bất chấp sự ủng hộ của công chúng, quan hệ Nga - Ai Cập sẽ không làm cắt đứt quan hệ Ai Cập - Mỹ. Bước đi hướng tới Nga là nhằm thể hiện sự giận dữ của Ai Cập, và có thể khiến Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng ủng hộ nước này trước Quốc hội. Tổng thống Mỹ sẽ lập luận rằng Washington có thể mất thêm một đồng minh nữa, sau khi mất Iraq và nhận được thái độ lạnh nhạt từ phía Saudi Arabia.



Bùi Hoàn (Theo báo Ha'aretz)

Tiền vùng Vịnh có cứu được Ai Cập?
Tiền vùng Vịnh có cứu được Ai Cập?

Theo mạng "Tin Trung Đông", những tháng gần đây, Ai Cập đã nhận được các khoản vay và tài trợ lên tới gần 20 tỷ USD từ các nước vùng Vịnh. Tuy nhiên, quốc gia Bắc Phi này cần nhiều hơn thế để có thể ổn định tình hình chính trị trong nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN