Quyết liệt chống khai thác hải sản trái phép tại vùng biển Đông Nam Á

Tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại các vùng biển của Malaysia và Indonesia có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Indonesia là hai quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên biển dồi dào, trù phú. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại các vùng biển của hai quốc gia này có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, Malaysia và Indonesia đã triển khai một số điều chỉnh trong chính sách xử lý những trường hợp vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc, nhằm ngăn chặn hiệu quả hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. 

Chú thích ảnh
Một tàu cá hoạt động trái phép trên vùng biển Kuala Langsa, Aceh, Indonesia bị đánh chìm. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nằm ở ngã ba của hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới với 17.504 hòn đảo và đường bờ biển 99.093 km. Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á cho biết nghề cá đóng góp khoảng 3% GDP của Indonesia. 

Trong khi đó, với hơn 4.600 km đường bờ biển trải dài từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương, diện tích biển của Malaysia (gồm Vùng đặc quyền kinh tế -EEZ) còn lớn hơn cả vùng lãnh thổ trên đất liền. Trong nhiều thập niên qua, ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng như một “nguồn cung cấp chính” protein động vật cho người dân Malaysia. 

Thống kê của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, cơ quan này đã bắt giữ tổng cộng 53 tàu cá nước ngoài vi phạm và đánh bắt trái phép hải sản trong vùng biển của Indonesia. Số lượng tàu bị bắt giữ nhiều hơn năm 2019 khi trung bình mỗi tuần có từ 2-3 tàu cá nước ngoài vi phạm. Bộ trên ước tính thiệt hại do các hoạt động đánh bắt trái phép lên tới 300.000 tỷ rupiah/năm (2 tỷ USD) và chiếm đến 25% sản lượng cá của Indonesia mỗi năm. 

Giải quyết vấn đề đánh bắt hải sản trái phép là một trong những trọng tâm trong chính sách của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Điển hình nhất trong chiến lược này là chính sách cho nổ hoặc đánh chìm tàu cá của các ngư dân nước ngoài bị cho là hoạt động trái phép trong vùng biển và EEZ của Indonesia. Chính sách này được triển khai quyết liệt dưới thời cựu Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti. Ước tính từ tháng 10/2014 đến nay, đã có hơn 500 tàu các nước bị đánh chìm sau khi bị bắt với cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.

Tuy nhiên, chính sách này đã có sự điều chỉnh dưới thời tân Bộ trưởng Biển và Nghề cá Edhy Prabowwo. Chính phủ giờ đây chủ trương trao tặng các tàu cá bất hợp pháp của nước ngoài bị bắt giữ và tịch thu theo phán quyết cuối cùng của tòa án cho ngư dân, hợp tác xã và chính quyền địa phương hoặc các trường đại học để phục vụ mục đích đào tạo. Việc đánh đắm các tàu cá nước ngoài vi phạm vẫn sẽ được duy trì, song loại trừ các tàu trong tình trạng tốt vì chúng có thể hữu ích cho các ngư dân Indonesia. 

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, việc đánh chìm tàu cá nước ngoài chỉ được thực hiện nếu tàu cá đó chống cự khi bị Cơ quan Giám sát tài nguyên hàng hải Indonesia bắt giữ. Đối với các tàu trao tặng cho các hợp tác xã, để không sử dụng sai mục đích và bán lại cho các đối tượng khác, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia sẽ cài định thiết bị đặc biệt và giao cho bộ phận chức năng theo dõi hoạt động của các con tàu này. 

Về phía Malaysia, thống kê của Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) cho thấy trong giai đoạn nước này áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) từ ngày 18/3 đến nay để chống dịch COVID-19, số lượng tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Malaysia đánh bắt trộm hải sản tăng đáng kể. Theo Bộ Thủy sản Malaysia, hoạt động khai thác bất hợp pháp gây thiệt hại cho kinh tế nước này ước tính lên tới 6 tỷ ringgit (tương đương 1,4 tỷ USD) mỗi năm. Trong khi đó, chỉ 50% hải sản được đánh bắt từ vùng biển quốc gia được đưa vào thị trường trong nước và phần còn lại thì không thể kiểm soát.

Hiện Malaysia đang áp dụng hình thức xử lý theo hướng tăng nặng các hình phạt. Nước này đã tăng hình phạt tối đa đối với chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu nước ngoài bị bắt vì xâm phạm vùng biển Malaysia từ mức 1 triệu ringgit (khoảng 230.000 USD) lên 6 triệu ringgit, trong khi mỗi thuyền viên bị phạt 600.000 ringgit. Đối với ngư dân vi phạm, Malaysia áp dụng mức phạt tối đa 2 năm tù giam. 

Malaysia cũng tăng cường bắt giữ tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép thay vì chỉ xua đuổi như trong giai đoạn MCO. Giám đốc MMEA bang Terengganu, ông Suffi Mohd Ramli cho biết việc ra quyết định giam các ngư dân nước ngoài đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển của Malaysia được tiến hành thông qua các cuộc họp trực tuyến thay vì phải xét xử tại tòa án như trước đây.

Bên cạnh đó, MMEA đã nghiên cứu và đề xuất lên Cục Thủy sản Malaysia một số biện pháp cứng rắn hơn để xử lý vấn đề này, trong đó có biện pháp phạt đánh roi đối với các ngư dân vi phạm. Tổng Giám đốc MMEA, Đô đốc Mohd Zubil Bin Mat Som nhấn mạnh thông điệp của MMEA gửi đến ngư dân nước ngoài, đó là, nếu không chấm dứt hoạt động đánh bắt trái phép tại Malaysia, họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều.

Với chủ trương xây dựng nghề cá phát triển bền vững và có trách nhiệm, cân bằng giữa phòng chống khai thác IUU và việc an sinh xã hội, sinh kế, an toàn của ngư dân, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nỗ lực để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ "thẻ vàng"  đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU).

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2017 đến đầu năm 2020, hơn 1.000 tàu cá của Việt Nam đã bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu là ở vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan... Thực trạng này đã ảnh hưởng xấu tới việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và cũng là một trong những lý do để EU rút "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam từ tháng 10/2017.

Nhằm xóa bỏ triệt để nạn khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực chống hành vi IUU từ cấp địa phương tới trung ương và tăng cường hợp tác quốc tế. Hiện 28 tỉnh duyên hải đã thành lập Ủy ban Đấu tranh chống IUU để giám sát và kiểm tra các hoạt động đánh bắt cá. Các tàu cá dược gắn thiết bị giám sát hành trình, khi ra vào cảng biển bắt buộc phải nộp báo cáo về hàng hóa, nguồn gốc của sản phẩm và nhật ký tàu. Đồng thời, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng khuyến nghị ngư dân địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật theo cảnh báo “thẻ vàng” IUU và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tàu cá theo luật, từ đó tạo sức răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản. 

Lực lượng Cảnh sát Biển cũng duy trì và tăng cường các đội tuần tra, kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, vừa để khẳng định chủ quyền, đồng thời tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển.

Các biện pháp của Việt Nam về chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả tích cực và được EC ghi nhận. Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương đã chấm dứt. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, như  Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines... đã giảm. Đơn cử như  năm 2018, số lượng ngư dân Việt Nam bị Indonesia bắt giữ do vi phạm vùng biển nước này đã giảm gần 50% so với năm 2017. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt, một phần do việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực hải sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có 47 tàu bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 59 tàu). 

Trước tình hình này, đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hoạt động IUU đến năm 2025. Đây được xem là cơ sở pháp lý để tổ chức, thực hiện kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động IUU của các tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ nước ngoài cập cảng Việt Nam... Theo đánh giá trên trang Foreign Affair Asia, những biện pháp này cho thấy Việt Nam đang rất nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Có thể nói, việc ngư dân khai thác trái phép hải sản trên vùng biển của nước khác đang là một vấn đề nhức nhối đối với nhiều quốc gia. Bên cạnh những giải pháp của chính phủ, điều quan trọng, có ý nghĩa quyết định để chấm dứt tình trạng này nằm ở ý thức của chính ngư dân trong việc trung thực khai báo, nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như tự giác chấp hành tốt các quy định về ngư trường đánh bắt, tránh vượt ranh giới cho phép trên biển để khai thác thủy hải sản. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho ngư dân, mà còn góp phần phát triển và xây dựng nghề cá và đánh bắt thủy hải sản của mỗi nước theo hướng bền vững.

Phương Oanh (TTXVN)
Indonesia, Malaysia cứng rắn xử lý ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép
Indonesia, Malaysia cứng rắn xử lý ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép

Trong bối cảnh tình trạng ngư dân nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép tại các vùng biển của Indonesia và Malaysia diễn biến phức tạp, hai quốc gia Đông Nam Á này mới đây đã có sự điều chỉnh hình thức xử lý theo hướng cứng rắn hơn đối với những trường hợp vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN