Theo các thỏa thuận mới, Nga sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, khôi phục hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, thực hiện các dự án hợp tác quan trọng giữa hai nước, trong đó có "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu... Việc nối lại hoạt động hàng không tới Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tạo ra cú hích mạnh mẽ làm hồi sinh "ngành công nghiệp không khói" của nước này mà các hãng máy bay và các công ty lữ hành của Nga cũng được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, quyết định hồi sinh dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ - khách hàng tiêu thụ khí đốt quan trọng nhất của Nga, đây không chỉ là cơ hội có được nguồn cung khí đốt giá rẻ mà nước này còn trở thành điểm trung chuyển khí đốt vào châu Âu. Trong khi đó, Nga sẽ không còn bị phụ thuộc vào Ukraine để vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak, có thể vào tháng 11 tới, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ký kết thỏa thuận liên chính phủ về thực hiện dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo sau cuộc gặp. Ảnh: EPA/TTXVN |
Sự hồ hởi, đầy quyết tâm của lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không khiến giới quan sát cảm thấy bất ngờ, bởi việc quyết định khôi quan hệ song phương sẽ mang lại lợi ích rõ ràng cho cả hai bên. Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn đưa quan hệ hợp tác với Nga lên mức trước khủng hoảng, thậm chí cao hơn. Lý giải tốc độ "đảo chiều" trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng "lợi ích của nhân dân hai nước đòi hỏi phải khôi phục quan hệ hợp tác toàn diện".
Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết hàng loạt vấn đề khu vực như cuộc nội chiến tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố và khủng hoảng người di cư. Việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga, quốc gia đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố hiệu quả tại Syria, chắc chắn sẽ tác động tích cực tới tình hình khu vực. Chính Tổng thống Erdogan đã thừa nhận rằng không có sự hợp tác của Nga thì không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trong khi đó, bình luận về chuyến công du của ông Erdogan tới St-Peterburg, giới phân tích cho rằng chính cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám đánh đổi quan hệ với các nước đồng minh phương Tây để khôi phục quan hệ hữu nghị với Nga và có được ngay những lợi ích kinh tế? Tuy nhiên, chắc chắn rằng sự nồng ấm trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động tới mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây trong thời gian tới.
Rõ ràng, tình trạng “gương vỡ lại lành” trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho cả hai nước, góp phần tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực. Song, trong bối cảnh hai nước vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết, vẫn còn quá sớm để đoán định tương lai của mối quan hệ vốn được coi là ít có tiếng nói chung trong các cuộc khủng hoảng quốc tế. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng sự cải thiện quan hệ giữa hai bên là một minh chứng nữa cho thấy không thể sử dụng sức mạnh quân sự hay các biện pháp trừng phạt để giải quyết mâu thuẫn mà phải thông qua con đường hòa bình, đối thoại và hợp tác, vì lợi ích chung và riêng của các bên.