Theo báo "Izvestia" (Nga) ngày 11/11, điều đáng lưu ý là ngay trước chuyến thăm chính thức Hà Nội và Seoul (12, 13/11) Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài viết “Nga-Việt: Cùng nhau đi tới chân trời hợp tác mới” được truyền thông Việt Nam đăng tải.Sáng 12/11, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN |
Trong bài viết này nhà lãnh đạo Nga đã gọi Việt Nam là trung tâm tăng trưởng quan trọng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương. Việc Việt Nam tham gia khu vực thương mại tự do (FTA) với các nước trong Liên minh Hải quan sẽ giúp tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương Nga - Việt vào năm 2020, lên 10 tỷ USD.
Victor Sumskyi, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế MGIMO cho rằng chuyến thăm hai nước trong khu vực Đông Á trên của Tổng thống Nga Putin một lần nữa khẳng định Moskva ngày càng chú trọng tới việc quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương.
Mới đây nhất học thuyết chính sách đối ngoại của Nga đã gọi Việt Nam là đối tác địa chính trị quan trọng. Theo ông, một bộ phận lớn tầng lớp ưu tú Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học Nga, quen với văn hóa Nga, và điều này tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc, giao lưu trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó Moskva và Hà Nội cũng rất gần gũi nhau trong thời kỳ Xô-viết và người Việt nhớ rất rõ mối quan hệ này.
Tuy vậy, trong 10 năm trở lại đây, Nga đã bị Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản thế chỗ ở Việt Nam và Nga sẽ phải xây dựng lại. Ông Sumskyi nhận xét các công ty Nga sẽ không thể cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc, song vẫn có thể chiếm một vị trí nhất định ở Việt Nam.
Theo ông, đó không chỉ là lĩnh vực dầu mỏ, khai khoáng, xây dựng và các lĩnh vực kỹ thuật mà cả trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2012 Moskva đã xác lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.
Chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Nga là Seoul. Người Hàn Quốc kỳ vọng rất nhiều vào chuyến thăm này. Họ thậm chí còn thấy những tương đồng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Truyền thông Hàn Quốc viết rằng cả hai đều sinh năm 1952, cùng kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2018. Cả hai đều theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng nhằm hiện đại hóa đất nước của mình.
Chủ đề chính trong cuộc gặp tại Seoul sẽ là hợp tác kinh tế, vấn đề Triều Tiên và việc thiết lập không gian chung Á - Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hồi tháng 9/2012 ở St. Petersburg, bà Park Geun Hye đã nhiều lần nói tới vấn đề thiết lập không gian chung Á - Âu. Bà nói rằng ước mơ bấy lâu nay của bà là được đi tàu hỏa từ Pusan (Hàn Quốc) qua Nga tới châu Âu.
Trong một phát biểu khác tại một hội nghị quốc tế hồi tháng 10 bà nói: “Tôi muốn từ ‘sáng kiến Á - Âu’, kêu gọi chuyển đổi không gian Á - Âu thành một lục địa hòa bình thống nhất”. Theo bà, bước đầu tiên để làm điều này là kết nối các chuỗi cung cấp bị gián đoạn vào một hệ thống thống nhất và hình thành “con đường tơ lụa tốc hành” nối Pusan với châu Âu, đi qua Triều Tiên, Trung Quốc, Trung Á và Nga.
Hong Wan Suk, Giám đốc Viện nghiên cứu Nga thuộc Đại học ngoại ngữ Hanguk Hàn Quốc bình luận: “Quan hệ giữa Seoul và Moskva không có những căng thẳng như vấn đề lãnh thổ. Nga có thể sử dụng Hàn Quốc như bàn đạp để kinh tế nước này tiến vào châu Á - Thái Bình Dương. Còn với Hàn Quốc, hợp tác với Nga không chỉ phục vụ các mục đích kinh tế mà còn củng cố vị thế địa chính trị của nước này”.
Liên quan tới việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nga từng là nước bảo hộ cho Bình Nhưỡng nên có thể giúp đáng kể cho mục đích này. Giám đốc Viện thống nhất Hàn Quốc Jeong Seong-Hoon nhận định chính quyền Tổng thống Park Geun Hye muốn củng cố hòa bình trước tiên với sự giúp đỡ của hợp tác 3 bên - hai miền Triều Tiên và Nga.
Trong chuyến thăm Seoul, Tổng thống Putin sẽ ký thỏa thuận bãi bỏ thị thực đối với công dân hai nước đi du lịch, thăm thân nhân hoặc kinh doanh trong thời gian 60 ngày. Thêm vào đó, hai bên sẽ thảo luận việc kết nối các tuyến đường sắt Xuyên Siberia và liên Triều.
Trước chuyến thăm Seoul của Tổng thống Putin, Chính phủ Nga đã phê chuẩn dự thảo thỏa thuận hợp tác quân sự với Hàn Quốc, để trao đổi kinh nghiệm quân sự và tiến hành hoạt động cứu hộ trên biển. Ngoài ra, hai bên còn dự kiến thảo luận về ý tưởng xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi từ Nga tới Hàn Quốc.
Minh Nga