Phương Tây "thua" Nga trong cuộc đấu địa chính trị tại Ukraine

Với những đề nghị hỗ trợ tài chính và kỹ thuật mới cho Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang muốn tăng cường vị thế cho phe đối lập của Ukraine trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Viktor Yanukovich, khi muốn nhấn mạnh với giới chính trị Ukraine rằng còn có những lựa chọn khác ngoài Nga.

Tổng thống Ukraine Yanukovich và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp.

Mạng tin Stratfor (Mỹ) cho rằng có một số cách mà phương Tây có thể cung cấp viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, do các điều kiện phải cải cách, thủ tục phê duyệt viện trợ kéo dài và những khó khăn kinh tế mà EU đang gặp phải, khả năng hỗ trợ tài chính của EU và Mỹ bị hạn chế so với những gì Nga đã có ở Ukraine. Do đó, để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế sâu sắc hơn, chính phủ mới ở Kiev sẽ vẫn phải duy trì các mối quan hệ tài chính và kinh tế mạnh mẽ với Nga.


Theo đánh giá của Stratfor, một lý do khiến Yanukovich không ký thỏa thuận hợp tác với EU hồi tháng 11/2013 là do những lợi ích kinh tế và tài chính mà EU đề nghị trợ giúp Ukraine quá nhỏ bé so với những áp lực kinh tế và hỗ trợ tài chính mà Nga mang lại. Lợi dụng tình trạng bất ổn chính trị gần đây ở Ukraine, EU đang cố gắng điều chỉnh và tìm cách giảm bớt áp lực kinh tế và tài chính cho phe đối lập Ukraine với hy vọng có thể kéo Kiev trở lại với phương Tây.


EU và Mỹ có thể viện trợ cho Ukraine theo một số hình thức khác nhau, nhưng dường như không đáng kể gì so với những gì mà Nga hứa hỗ trợ Kiev. EU có thể dễ dàng viện trợ cho Ukraine theo các chương trình trao đổi xã hội và hỗ trợ kỹ thuật cho cải cách thể chế vì có chi phí thấp. Tuy nhiên, rất khó để EU tăng đáng kể trợ giúp tài chính cho nước này. Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, thậm chí tiền để phân phối cho các thành viên trong khối cũng giảm đi. Ngân sách của EU và ngân sách quốc gia đang bị cắt giảm, việc chuyển hàng tỷ euro cho Ukraine trong khi các nước khu vực như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế và cần viện trợ sẽ dẫn đến căng thẳng hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Việc đảm bảo sự gắn kết trong EU quan trọng hơn nhiều so với mong muốn kéo Ukraine ngả về phương Tây và đây là yếu tố hạn chế quan trọng trong đề nghị trợ giúp Ukraine của EU.


Trong khi đó, dù cũng gặp phải các vấn đề kinh tế và tài chính nhưng Moskva có ưu thế so với phương Tây trong việc tạo ảnh hưởng tới Ukraine thông qua các mối quan hệ tài chính và kinh tế. Moskva hiện có quỹ dự trữ ngoại tệ lớn, khoảng 685 tỷ USD, có thể huy động nhanh chóng nhờ quyền lực tập trung. Chẳng hạn như Nga có thể rút 15 tỷ USD cho Ukraine vay từ Quỹ Phúc lợi quốc gia. Với châu Âu, để giải ngân được gói viện trợ lớn như vậy vào thời điểm khó khăn hiện nay là hết sức khó khăn. Ngoài hỗ trợ tài chính trực tiếp, Moskva có thể lợi dụng sự phụ thuộc của Ukraine vào nguồn khí đốt tự nhiên của Nga để tạo lợi thế cho mình. Một chính phủ Ukraine thân Nga có thể được hưởng lợi từ việc giá khí đốt thấp và thanh toán chậm.

Nga có nhiều ưu thế và các công cụ hữu hiệu để gây ảnh hưởng đến định hướng chính trị của Ukraine hơn so với EU và Mỹ. Ngay cả khi phương Tây đưa ra gói viện trợ có thể giúp chính phủ Ukraine mới đối phó với khó khăn tài chính trước mắt, Moskva vẫn có thể gián tiếp gây áp lực khiến phương Tây phải tăng viện trợ cho Ukraine tới mức mà cử tri phương Tây không thể chấp nhận được. Do đó, dù thế nào, dù chính phủ nào nắm quyền ở Ukraine vẫn sẽ phải tìm cách giữ mối quan hệ tốt với Nga để duy trì ổn định tài chính và chính trị ở quốc gia này.

 

Quang Tuyến

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN