'Phớt lờ' Mỹ tại APEC, Nhật Bản không vội ký một thỏa thuận thiệt thòi với ông Trump

Quan chức thương mại hàng đầu Nhật Bản tránh gặp đại diện Mỹ tại Hội nghị APEC ở Jeju (Hàn Quốc) khi Tokyo cứng rắn hơn trước các chiêu "bắt nạt" của Washington.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ảnh: X

Nhật Bản thận trọng, không để bị cuốn vào ván cờ thương mại của Mỹ

Cả Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoji Muto lẫn trưởng đoàn đàm phán thương mại của Thủ tướng Shigeru Ishiba là Ryosei Akazawa đều không có mặt tại sự kiện, bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Thay vào đó, Nhật Bản cử Masaki Ogushi - một thành viên trong đoàn đàm phán của ông Akazawa - tham dự.

Theo trang Asia Times, trái với Anh, Nhật Bản không vội vàng ký một thỏa thuận thương mại bất lợi hoặc chưa đầy đủ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt khi cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Và khác với Hàn Quốc, Tokyo cũng không tìm kiếm một giải pháp thỏa hiệp mang tính nhượng bộ.

Tác động từ mức thuế 25% áp lên ô tô và linh kiện ô tô đối với kinh tế Nhật Bản là quá lớn, trong khi việc Mỹ tiếp tục gây áp lực lên ngành nông nghiệp — đặc biệt là nông dân trồng lúa — vốn là vấn đề nhạy cảm trong nước, là điều không thể chấp nhận.

Thủ tướng Ishiba hiện đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số, sau khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 10 năm ngoái. Giờ đây, ông buộc phải đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu không muốn đánh mất nốt đa số tại Thượng viện.

Theo kế hoạch, trưởng đoàn đàm phán Akazawa sẽ đến Washington D.C. vào cuối tháng này để tham dự vòng đàm phán chính thức thứ ba, có thể trong tuần này. Trong thời gian diễn ra hội nghị ở Hàn Quốc, ông Ogushi đã gặp Chánh văn phòng Nội các Hayashi Yoshimasa để bàn chiến lược. Sau cuộc họp, ông nói với báo chí: “Tôi tập trung vào lợi ích quốc gia — những gì cần bảo vệ thì phải bảo vệ, và những gì cần nói thì phải nói”.

APEC - diễn đàn kinh tế không ràng buộc trong kỷ nguyên xung đột lợi ích

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, tự mô tả mình là “một diễn đàn hợp tác kinh tế và thương mại đa phương”. APEC có 21 thành viên, bao gồm hầu hết các nền kinh tế quanh Thái Bình Dương.

Trang web chính thức của APEC trả lời câu hỏi “APEC làm gì?” bằng tuyên bố rằng “APEC đảm bảo hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và con người được di chuyển dễ dàng qua biên giới”. Nhưng thực tế thì không và cũng không thể như vậy, vì “không có cam kết ràng buộc hay nghĩa vụ theo hiệp ước. Mọi cam kết đều mang tính tự nguyện.”

Về mặt nguyên tắc, Mỹ - với lập trường bảo hộ mậu dịch, hạn chế đầu tư, đảo ngược tiến trình hội nhập kinh tế và phản đối hợp tác kinh tế, kỹ thuật - không còn phù hợp với tiêu chí thành viên APEC. Nhưng trên thực tế, tổ chức này không có cơ chế nào để khai trừ một thành viên đi ngược với sứ mệnh của tổ chức.

Theo một số hãng truyền thông, Australia, Canada, Nga và Singapore cùng với Nhật Bản đã không cử các quan chức thương mại cấp cao nhất đến Jeju - ngầm thể hiện sự không hài lòng với chủ nghĩa bảo hộ đối đầu của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, các tuyên bố chính thức từ những chính phủ này không xác nhận điều đó.

Dù nghĩ gì về thuế quan cao ngất ngưởng và phong cách quyết liệt của ông Trump, các nước vẫn giữ phép ngoại giao. Cả 21 thành viên APEC đã ra tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi tiếp tục cam kết thực hiện Tầm nhìn Putrajaya 2040, thông qua triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa, nhằm xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của người dân hôm nay và các thế hệ tương lai”.

Tầm nhìn Putrajaya 2040, được thông qua năm 2020 tại Malaysia, đặt mục tiêu “giữ cho châu Á – Thái Bình Dương trở thành khu vực kinh tế liên kết và năng động nhất thế giới”. APEC cam kết thúc đẩy “môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được”.

Kế hoạch Aotearoa, công bố năm 2021 tại New Zealand, đề ra các hành động cụ thể để thực hiện tầm nhìn này, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế số định hướng thị trường, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, và đóng góp vào “các nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó toàn diện với các thách thức môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai, vì một hành tinh bền vững”.

Tất cả những điều này đều không phù hợp với khẩu hiệu “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump, cũng như việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và dỡ bỏ các quy định bảo vệ môi trường.

Tuyên bố chung tại Jeju còn nêu rõ: “Chúng tôi công nhận vai trò quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong thúc đẩy các vấn đề thương mại, và thừa nhận các quy tắc đã được nhất trí của WTO là một phần không thể thiếu của hệ thống thương mại toàn cầu...”.

Nhưng thực tế là chính Mỹ đã làm tê liệt WTO bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Cơ quan Phúc thẩm - cơ quan hiện đang không thể hoạt động. Hơn nữa, vào cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền ông Trump còn thông báo đang xem xét lại việc tài trợ của Mỹ cho WTO.

Nhật Bản nổi lên như người bảo vệ trật tự thương mại đa phương

Điều này tạo điều kiện để Nhật Bản một lần nữa khẳng định vai trò là nước ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do. Ngày 13/5, Thủ tướng Ishiba đã tiếp Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức. Bà Ngozi “bày tỏ kỳ vọng vào vai trò của Nhật Bản như một người bảo vệ hệ thống thương mại đa phương” và cả hai cùng nhấn mạnh rằng “hiện nay là thời điểm cần thiết để đoàn kết và đối mặt với những thách thức của WTO.”

Trong chuyến thăm, bà Ngozi cũng gặp Ngoại trưởng Nhật Takeshi Iwaya, Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoji Muto. Bà Ngozi và Ngoại trưởng Iwaya đã ra tuyên bố chung khẳng định: “Giá trị của hệ thống thương mại đa phương là không thể phủ nhận.”

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định thay thế cho TPP sau khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận năm 2017. CPTPP không bao gồm Trung Quốc và đã có hiệu lực từ năm 2018.

Nhật Bản cũng đóng vai trò chủ chốt trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại thuần túy châu Á – Thái Bình Dương, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022. RCEP có sự tham gia của Trung Quốc và có thể sẽ kết nạp Ấn Độ trong tương lai.

Tại Nhật Bản, đảng Dân chủ Lập hiến - đảng đối lập lớn nhất - cũng là một lực lượng ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Có thể nói, Nhật Bản có một sự đồng thuận quốc gia trong việc ủng hộ tự do thương mại và phản đối việc chính phủ Mỹ phá vỡ nguyên tắc này.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo Asia Times)
Thuế quan của Mỹ: Mỹ - Hàn lên kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên lần thứ hai
Thuế quan của Mỹ: Mỹ - Hàn lên kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên lần thứ hai

Theo hãng tin Yonhap, giới chức Hàn Quốc ngày 19/5 cho biết nước này và Mỹ sẽ tổ chức vòng thảo luận kỹ thuật thứ hai về chương trình thuế quan tại Washington trong tuần này. Hiện hai bên đang hướng tới việc đạt được thỏa thuận trọn gói vào đầu tháng 7 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN