Phóng tên lửa ICBM, Triều Tiên bắn tín hiệu tranh ‘ghế tài xế’ khi đàm phán

Các nhà phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên cho thấy nước này đang muốn ngồi vào chiếc “ghế tài xế” trong bất kỳ "chuyến xe đàm phán" nào với Mỹ trong tương lai.

Tranh “ghế tài xế”

Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của mình vào đúng Ngày Độc lập Mỹ (4/7). Vụ phóng giúp Bình Nhưỡng trong tầm với tới giấc mơ về một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể bay tới Mỹ, đồng thời đặt ra cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một thử thách “khó nhằn”.

Triều Tiên đang giành thế chủ động? Ảnh: NDTV

Theo ông Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, Hàn Quốc, khả năng tầm bắn tên lửa Triều Tiên ngày càng tăng sẽ khiến ngày càng nhiều cử tri Mỹ bất an.


Giáo sư nói thêm: “Mọi thứ đều cho thấy Triều Tiên đang tìm cách gia tăng tỷ lệ ‘đặt cược ngoại giao’ càng nhiều càng tốt và đảm bảo có vị trí dẫn đầu trong mối quan hệ với toàn thế giới, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc”.


Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ khi Chiến tranh Triều Tiên tạm dừng năm 1953 với một thỏa thuận đình chiến. Triều Tiên cho rằng mình cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ trước mối đe dọa xâm lược. Triều Tiên khẳng định sẽ không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa trừ khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch.


Theo giáo sư Kim, thời điểm phóng tên lửa của Triều Tiên dường như là có ý đồ. Nó diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20.


Ông Moon ủng hộ lựa chọn đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, trong tuyên bố chung, ông Trump cũng ủng hộ ông Moon khởi động lại đối thoại liên Triều.


Tuy nhiên, giáo sư Kim cho rằng vụ thử ICBM rõ ràng là hành động “đóng sập cửa với ông Moon”. Giáo sư Kim phát biểu với hãng tin AFP (Pháp): “Ông Moon thường nói ông muốn ngồi vào ghế tài xế thay vì ghế sau để đóng một vai trò dẫn đầu trong đàm phán hạt nhân. Rõ ràng là ông Kim Jong-un cũng đang tuyên bố mình sẽ ngồi vào ghế tài xế”.


Hai "ranh giới đỏ"


Ngày càng nhiều nhà phân tích nói rằng cuối cùng Mỹ cũng sẽ phải đàm phán với Triều Tiên. Giáo sư Kim Yeon-chul thuộc Đại học Inje, Hàn Quốc nói: “Cuối cùng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài đối thoại”.


Nhiều thập kỷ qua, trước khi đàm phán hạt nhân Triều Tiên đổ vỡ, nước này đã tìm cách khiến đối thủ nhượng bộ bằng một loạt hành động khiêu khích và thỉnh thoảng tỏ ý hòa bình.

Tên lửa Triều Tiên chưa vượt "ranh giới đỏ". Ảnh: Getty Images

Ông Cho Han-bum, nhà phân tích thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng vụ thử ngày 4/7 là một bước tính toán kỹ lưỡng chính sách “bên miệng hố chiến tranh”.


Bằng cách bắn tên lửa theo phương có độ võng lớn, Triều Tiên có thể thử tên lửa tầm xa tới 8.000 km mà không cần thiết phải vượt qua “ranh giới đỏ”, đó là để tên lửa bay qua Nhật Bản – một đồng minh của Mỹ.


Một “ranh giới đỏ tối thượng” nữa mà Triều Tiên tới nay vẫn tránh bước qua, đó là thử hạt nhân lần thứ sáu.


Thử ICBM không khiến Triều Tiên phải vi phạm hai “ranh giới đỏ” này, mà chỉ giúp Triều Tiên nỗ lực gia tăng lợi thế trước bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu có.


Một cái bất lợi của vụ thử ICBM là nó khiến cộng đồng quốc tế càng khó có thể khởi động đàm phán với Triều Tiên.


Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy Triều Tiên có thể “không vội” đàm phán và có lẽ trước mắt chỉ muốn tăng “tỷ lệ đặt cược”.


Trong khi đó, Mỹ có thể một lần nữa đành hối thúc Trung Quốc hành động nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên. Viết trên Twitter, ông Trump đề nghị Trung Quốc mạnh tay hơn với Triều Tiên và chấm dứt “điều vô lý này một lần cho xong”.


Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định đã nỗ lực không mệt mỏi trong vấn đề. Tuy nhiên, theo AFP, khi mà Mỹ áp đặt “trừng phạt thứ cấp” với các thực thể Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, Trung Quốc khó có thể có thêm động lực hỗ trợ Mỹ khi mà đang sẵn cơn giận quanh việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.


Một loạt biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc tới nay đã thất bại trong kiềm chế chương trình vũ khí Triều Tiên.


Ông John Nilsson-Wright, thành viên nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á thuộc tổ chức Chatham House ở London, cho rằng Triều Tiên có thể “vui đùa” trong khi lợi dụng sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế.


Sự chia rẽ về Triều Tiên đã thể hiện rõ khi mà Trung Quốc và Nga muốn Mỹ kiềm chế, còn Mỹ muốn tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí cần đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên lẫn các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Không lâu sao đó, lực lượng Mỹ và không quân Hàn Quốc đã tập trận rầm rộ, trong đó Mỹ cử cả máy bay ném bom chiến lược tới, còn bản thân ông Trump cho biết ông đang toan tính bước đi “tàn khốc” với Triều Tiên.


Khi mà các nước lớn chia rẽ về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên thì ông Nilsson-Wright khẳng định thế chủ động đều nằm trong tay Triều Tiên.

Thùy Dương/Báo Tin Tức
Thử tên lửa ICBM xong, Triều Tiên rộn ràng trong pháo hoa và dân vũ
Thử tên lửa ICBM xong, Triều Tiên rộn ràng trong pháo hoa và dân vũ

Hàng nghìn quân nhân và người dân Triều Tiên đã tụ tập tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng nhảy múa trước màn pháo hoa rực sáng bầu trời để chúc mừng thành công của vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân và vươn tầm bắn tới Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN