Trước những bình luận gần đây của một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ kiện Philippines đưa ra trước Tòa Trọng tài Thường thực (PCA) ở La Haye, Hà Lan ngả theo hướng ủng hộ Manila, phản đối Bắc Kinh, Trung Quốc đã đưa ra những phản ứng gay gắt. Phiên tòa kín tại Tòa Trọng tài thường trực La Haye. Ảnh: Rappler |
Đầu tháng này, Philippines đã trình một vụ kiện ra trước PCA về những tuyên bố chủ quyền trên các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã liên tục từ chối tham gia, đồng thời yêu cầu Philippines rút hồ sơ vụ kiện, ngồi vào bàn đàm phán song phương để giải quyết vấn đề.
Trong tuần qua, việc một quan chức Mỹ đã đưa ra những bình luận ủng hộ vụ kiện của Philippines đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc cho rằng Washington đang sử dụng ảnh hưởng của mình đề thúc đẩy vụ kiện đi đến một phán quyết cuối cùng sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc.
Mỹ "không trung lập"
Đó là bình luận của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đầu tuần trước trong bài phát biểu tại
hội nghị thường niên lần thứ 5 về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) diễn ra tại thủ đô Washington D.C.
Trong bài phát biểu của mình, ông Russel nói: “Chúng tôi
không trung lập khi nói về vấn đề tuân thủ luật quốc tế. Chúng tôi sẽ trừng phạt mạnh tay khi nói đến chuyện tuân thủ luật pháp”.
Thêm vào đó, ông Russel còn nói rằng, trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Manila đều đã ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho nên về mặt luật pháp, cả hai cùng phải chịu sự ràng buộc theo phán quyết của tòa. Việc Mỹ không ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông là chuyện ai cũng tỏ nhưng những bình luận như trên chưa từng phát ra từ phía các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho đến thời điểm diễn ra bài phát biểu của ông Russel.
Cũng trong đầu tháng này, một nhóm các nghị sĩ bao gồm các chủ tịch và thành viên của cả Hội đồng Quân sự Thượng viện Mỹ và Hội đồng Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ Philippines. Tuyên bố cho hay: “…chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Philippines Benigno Aquino III và chính phủ của ông trong việc cam kết theo đuổi vụ kiện này. Trong lúc Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tăng cường sử dụng vũ lực để đạt được mục đích của nước này, chúng tôi cảm nhận được sự khích lệ khi thấy Manila tiếp tục nỗ lực giải quyết những tuyên bố này một cách hòa bình, phù hợp với luật quốc tế, và thông qua những cơ chế trọng tài quốc tế. Mỹ phải tiếp tục ủng hộ các đối tác và đồng minh của chúng ta, bao gồm Philippines”.
Phản ứng của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/7 cho hay Mỹ đang cố tác động đến vụ kiện trọng tài về vấn đề Biển Đông để ủng hộ Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) nói: “Nhằm nỗ lực thúc đẩy vụ kiện tòa trọng tài đơn phương của Philippines, phía Mỹ hành động như một ‘thẩm phán bên ngoài phiên tòa’, vạch đường hướng cho tòa trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines. Điều này không phù hợp với vị thế nước Mỹ tuyên bố về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Vì không phải là một bên liên quan trong vấn đề Biển Đông, Mỹ nên tuân thủ tuyên bố của nước này không chọn phe phái và kiềm chế có hành động đi ngược lại với sự ổn định và hòa bình của khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. |
Vụ kiện Tòa trọng tài Quốc tế
Ngày 7/7, năm thẩm phán tại PCA đã lắng nghe
phiên khai mạc của vụ kiện Philippines - Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền trên vùng tranh chấp ở Biển Đông. Trong thời hạn một tuần, với việc viện dẫn UNCLOS, Philippines hy vọng tuyết phục được tòa trọng tài rằng tòa có thẩm quyền trong việc xử lý những tranh chấp ở Biển Đông và nên có phán quyết can thiệp. Trong trường hợp PCA đưa ra phán quyết tòa có thẩm quyền, quyết định có thể được đưa ra trong khoảng thời gian 3 tháng tới.
Trong lúc này, Trung Quốc vẫn liên tục từ chối tham gia vụ kiện, đồng thời tranh luận rằng tòa không có thẩm quyền để can thiệp trong những tranh chấp ở Biển Đông. Mặt khác, nước này tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho những xung đột trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán song phương.
Theo Điều 298, nếu một quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 tuyên bố vào bất cứ thời điểm nào rằng họ không chấp thuận một trong các thủ tục giải quyết tranh chấp mang tính chất bắt buộc liên quan đến một số loại tranh chấp nhất định, các bên tranh chấp khác không thể sử dụng thủ tục mang tính chất bắt buộc để chống lại quốc gia thành viên này khi có phát sinh các tranh chấp này. |
Khi được tòa yêu cầu cung cấp phản luận cứ, Trung Quốc chỉ đưa ra một “văn bản bày tỏ quan điểm” tuyên bố tòa không có thẩm quyền xử lý những tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc tranh luận rằng nước này được quyền phản đối tòa trọng tài trong tranh chấp về đường ranh giới, yêu sách lịch sử hoặc hoạt động quân sự bởi năm 2006 Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chính thức viện dẫn điều 298 của UNCLOS.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tranh luận rằng với việc lập hồ sơ vụ kiện, Philippines đã vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), văn kiện được kí kết vào năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. DOC là một tuyên bố không mang tính ràng buộc, không khuyến khích các quốc gia tuyên bố chủ quyền có những hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực tranh chấp.
Dù Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, PCA đã cho Trung Quốc thời hạn đến ngày 17/8 để đưa ra bình luận về phiên tòa. Trung Quốc cũng được yêu cầu cung cấp lập trường của nước này về các vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện. Dựa trên những phản ứng của Trung Quốc từ trước đến nay, khó có thể nói được nước này sẽ đưa ra bất cứ điều gì ngoại trừ tuyên bố bác bỏ phiên tòa, như Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không công nhận bất kì sự phân xử nào của một tòa quốc tế.
Kết quả
Về vị trí chính thức trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, Mỹ là một nước trung lập. Nhưng cần thấy rằng, Philippines là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực và cả hai quốc gia này đã ký kết hiệp ước quốc phòng. Dù quan điểm chính thức của Mỹ là trung lập, song từ quan điểm của các quan chức chính phủ nước này, khó có thể nói Mỹ đóng vai trò trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông. Nhìn tổng quan, những quan điểm rõ ràng của cộng đồng thế giới về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là cần thiết nhằm gây sức ép trước những hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, việc Trung Quốc từ chối tham gia vào một tòa trọng tài khiến dư luận quốc tế đặt ra câu hỏi: Liệu Trung Quốc có thật sự là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng toàn cầu, hay sự tích cực tham gia của quốc gia này chỉ diễn ra khi Trung Quốc là nước nắm ở đằng chuôi?