Thời gian gần đây, giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng tình hình tại Syria đang trở nên hết sức tồi tệ. Các cuộc đàm phán hòa bình về Syria vẫn rơi vào bế tắc trong khi những tay súng Hồi giáo cực đoan thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng Ai Cập và đang tìm cách tấn công nước Mỹ cũng như các lợi ích của Mỹ trong khu vực.Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện mới đây, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper tuyên bố rằng Jabhat al-Nusra, một nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria đang "thực sự có ý định tấn công nhằm vào nước Mỹ".
Các quan chức Mỹ và Ai Cập cũng đã có báo cáo rằng nhiều dấu hiệu cho thấy các tay súng người Ai Cập từng chiến đấu ở Syria đã trở về quê hương và đang lên kế hoạch kêu gọi một cuộc nổi dậy.
Những người chỉ trích về chính sách đối ngoại của chính quyền Obama về vấn đề Syria cho rằng sự việc này không khiến họ bất ngờ. Họ lập luận rằng trong thời gian qua, chính phủ của Tổng thống Assad đã được sự hậu thuẫn của Nga và Iran sẽ chiến đấu kiên trì, trong khi các tay súng Hồi giáo, thánh chiến sẽ tiếp tục đổ về Syria và khu vực này sẽ bất ổn bởi các dòng người tị nạn, chủ nghĩa bè phái tăng cao và sau đó, nhiều tay súng hồi giáo sẽ trở lại quê hương và tạo ra một nguy cơ khủng bố tiềm ẩn từ trong nước.
Theo Shadi Hamid, một chuyên gia phân tích tại Viện Brookings (Mỹ), người đã ủng hộ sự can thiệp quân sự vào Syria, không thể biết liệu một sự can thiệp giống như ở Libya có chấm dứt được cuộc xung đột ở Syria hay sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, nhưng cách tiếp cận của Mỹ về Syria hiện không hiệu quả.
Ông Clapper cũng đã nói trong buổi điều trần rằng Cơ quan tình báo Mỹ đã thu thập được những thông tin cho thấy đã xuất hiện các “căn cứ huấn luyện” ở Syria nhằm “đào tạo những tay súng tham chiến ở Syria quay trở về quê hương và thực hiện các vụ khủng bố, vì vậy đây là một mối quan tâm rất lớn đối với lực lượng an ninh của Mỹ".
Theo ông Clapper, ước tính có hơn 7.000 tay súng từ 50 quốc gia trong đó có "nhiều người từ châu Âu và Trung Đông" đang tham chiến ở Syria. Ông đã so sánh những khu vực mà phiến quân đang kiểm soát tại miền bắc Syria với những khu vực bộ tộc ở Pakistan, nơi những tay súng nước ngoài và người địa phương trú ẩn sau sự sụp đổ của chế độ Taliban năm 2001.
Trong quá khứ, Clapper đã bị cáo buộc là phóng đại mối đe dọa khủng bố và đưa ra những báo cáo sai lệch về phạm vi các hoạt động giám sát của Mỹ. Tuy nhiên, ông không phải là quan chức cao cấp duy nhất bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các phiến quân tại Syria.
Trong một cuộc họp riêng với các thành viên Quốc hội tại Hội nghị An ninh diễn ra ở Munich (Đức) cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng "mối đe dọa từ al-Qaeda là có thật, nó đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta". Sau đó, nghị sĩ Lindsey Graham khẳng định với các phóng viên rằng: "Ông ấy (Kerry) công khai nói về việc hỗ trợ vũ trang cho quân nổi dậy, về việc hình thành một liên minh chống lại al-Qaeda bởi vì đó là một mối đe dọa trực tiếp”.
Nhưng các quan chức Bộ Ngoại giao lại nói rằng ông Graham và một số thành viên khác của Quốc hội đã bóp méo báo cáo của ông Kerry, phủ nhận việc Ngoại trưởng Mỹ Kerry xác nhận Mỹ đang tăng cường cấp vũ khí cho quân nổi dậy ở Syria hoặc mô tả các chính sách hiện nay đối với quốc gia Trung Đông này đang thất bại.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson mới đây cũng cho rằng cuộc xung đột tại Syria đã trở thành quan ngại an ninh nội địa của Mỹ. Trong bài diễn văn quan trọng đầu tiên trước Trung tâm Wilson kể từ khi đảm nhiệm cương vị bộ trưởng từ hồi tháng 12 năm ngoái, ông Johnson nói: "Syria là chủ đề số 1 trong cuộc đối thoại của chúng tôi. Dựa trên kết quả làm việc của chúng tôi và các đối tác quốc tế, chúng tôi biết những cá nhân từ Mỹ, Canada và châu Âu đang lui tới Syria để tham chiến cuộc xung đột tại quốc gia này".
Ông lưu ý thêm "các phần tử cực đoan đang chủ động nỗ lực tuyển mộ những người châu Âu, thuyết giáo họ và giúp họ quay trở lại quê hương với một nhiệm vụ cực đoan". Ông cho rằng đây chính là vấn đề của nền an ninh nội địa Mỹ.
Các chuyên gia phân tích nhận định rằng các phiến quân ở Syria đang đặt ra những mối đe dọa trực tiếp với Mỹ. "Bây giờ, họ (các quan chức Mỹ) đang nói về việc các phiến quân tham chiến ở Syria đang được huấn luyện để trở về Mỹ. Chúng ta không thể giả vờ rằng điều này không ảnh hưởng đến những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”, ông Hamid nói.
Noah Bonsey, một chuyên gia phân tích cao cấp tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Beirut cũng đồng tình với quan điểm trên và bình luận thêm về những báo cáo trên của ông Kerry là “một sự thừa nhận về các sự kiện” trong khi các phiến quân có liên hệ với al-Qeada đang phá hủy tính pháp lý quốc tế của phe đối lập Syria và chính phủ nước này đang ngày càng tự tin hơn với sự trợ giúp của Nga và Iran.
"Geneva cho thấy một điều rất rõ rằng chế độ của Tổng thống Assad không sẵn sàng thỏa hiệp về bất cứ điều gì. Họ tin rằng mình sẽ chiến thắng và không có áp lực nào cả”, ông Bonsey cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại về các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria.
Steven Cook, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho rằng các mối đe dọa đối với nước Mỹ từ những tay súng đang tham chiến ở Syria ngày càng tăng và đề xuất việc đầu tiên chính quyền Mỹ cần làm là có phương pháp tiếp cận thống nhất về Syria với các đồng minh trong khu vực như Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia đang hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy khác nhau ở Syria. “Cách tốt nhất với Mỹ trong việc đối phó với sự gia tăng của các phiến quân Syria là thông qua các đồng minh của mình trong khu vực, không phải là hành động trực tiếp của Washington.
Các chuyên gia còn nói thêm rằng chỉ có một kịch bản có thể thay đổi lập trường của Washington: phiến quân Syria bằng cách nào đó thực hiện một cuộc tấn công nước Mỹ. Cho đến khi điều đó xảy ra, không có mức độ tàn sát ở Syria, Ai Cập, hay Trung Đông có thể thay đổi tính toán chính trị của Washington.
CT (Theo D.O)