Phép thử từ sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc

Tinh thần lạc quan dấy lên bởi việc đưa vào sử dụng Đường ống Baltic hôm 27/9 vừa qua đã bị phủ bóng đen bởi sự cố rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào cùng ngày. Kết luận sơ bộ về sự cố này khiến lo lắng về an ninh năng lượng ở châu Âu càng tăng lên và quan trọng hơn đã cho thấy sự rạn nứt cả trong nội khối lẫn trong thế giới phương Tây.

Chú thích ảnh
Một trong các vị trí xảy ra tình trạng rò rỉ khí đốt tại đường ống Dòng chảy phương Bắc trên biển Baltic ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Niềm vui sớm bị phủ bóng đen

Hôm 27/9, trang web của Uỷ ban châu Âu (EC) loan tin cùng ngày, lễ khai trương Đường ống Baltic đã được tổ chức tại Goleniów (Ba Lan), đánh dấu sự hoàn thành của tuyến dẫn khí đốt từ Na Uy qua Đan Mạnh tới Ba Lan và các nước láng giềng. Đường ống Baltic bắt đầu hoạt động từ ngày 1/10/2022, có thể cho phép EU nhập khẩu tới 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Theo Uỷ viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Kadri Simson, Đường ống Baltic là một dự án quan trọng nhằm đảm bảo an ninh nguồn cung của khu vực và là kết quả của chính sách đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt của EU. Đường ống Baltic sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Trên thực tế, tinh thần lạc quan đã dấy lên cùng với tiến độ hoàn thành dự án Đường ống Baltic. Nhưng cũng trong ngày khai trương Đường ống Baltic, sự cố rò rỉ đối với Đường ống phương Bắc (Nord Stream 1) và Đường ống phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đã xảy ra tại 4 điểm. Các nhà địa chấn học đã ghi lại những gì họ cho rằng là các vụ nổ trước khi khí đốt bắt đầu tràn ra khỏi Đường ống phương Bắc 1 và 2. Trong những phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen gọi đó là "các hành động có chủ ý" còn người đồng cấp phía Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng đây là "một hành động phá hoại". Về phần mình Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhất trí rằng vụ rò rỉ là do phá hoại và cảnh báo về "phản ứng mạnh nhất có thể".

Chú thích ảnh
Tàu của hải quân Đức tham gia điều tra các sự cố đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc trên biển Baltic. Ảnh: tagesschau.de/TTXVN

Ngày 10/10, Văn phòng Công tố Liên bang Đức cho biết đã phối hợp với các đối tác châu Âu để mở cuộc điều tra về sự cố rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 do nghi ngờ có hành động “cố ý gây ra vụ nổ” và có hành vi “phá hoại”. Trước đó, Đức, Thuỵ Điển và Đan Mạch đã thành lập đơn vị diều tra chung để làm rõ nguyên nhân của sự cố cũng như xác định thủ phạm, động cơ phá hoại. Qua kiểm tra, giới chức Thuỵ Điển cho biết nghi ngờ sự cố do hành vi phá hoại càng được củng cố.

Về phía Nga, Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin ngày 12/10 đã gọi đây là hành động khủng bố quốc tế nhằm cắt đứt nguồn năng lượng giá rẻ tới châu Âu và phá hoại an ninh năng lượng của châu Âu. Để góp phần làm rõ vấn đề, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi thư cho Chính phủ Thuỵ Điển đề nghị cho phép giới chức Nga và Tập đoàn Gazprom được tham gia điều tra sự cố, nhưng phía Thuỵ Điển đã từ chối, đồng thời tuyên bố không chia sẻ kết quả điều tra với phía Nga. Vì lẽ đó, Bộ Ngoại giao Nga mới đây đã triệu Đại sứ Đức, Đan Mạch và Thụy Điển tới cảnh báo Moskva sẽ không công nhận kết quả điều tra nếu như chuyên gia Nga không được mời tham gia.

Nhưng cho dù kết luận điều tra như thế nào, sự bất an về an ninh năng lượng của châu Âu sẽ càng lớn. Theo The New York Times, sau khi thông tin về các vụ rò rỉ loan đi, giá khí đốt tương lai của châu Âu đã tăng vọt lên lên 191 USD/MWh, gấp 5 lần mức giá của 1 năm trước. Còn về khối lượng, năm 2021, Nga xuất khẩu sang châu Âu 155 tỷ mét khối khí đốt, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU. Sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, nguồn cung khí đốt từ Nga giảm dần và hiện chỉ còn dưới 10% nhu cầu tiêu thụ của EU.

Trong khi đó, Dòng chảy phương Bắc 1 gồm hai đường ống chạy song song với công suất mỗi bên là 27,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, đến Đức qua biển Baltic. Ngày 2/9 vừa qua, Nga đã đóng van vô thời hạn đường ống này. Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành vào cuối năm 2021, nằm gần như song song với Dòng chảy phương Bắc 1, giúp tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Nhưng tới nay chưa đưa vào sử dụng vì 2 ngày trước khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Đức đã hoãn vô thời hạn việc cấp giấy phép cho đường ống dẫn khí này.

Chú thích ảnh
Sơ đồ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 cùng vị trí rò rỉ. Ảnh: AFP

Giờ đây, với vụ rò rỉ đường ống, việc mở van cho Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 dù muốn cũng là điều không thể. Theo Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Duma quốc gia Nga Pavel Zavalny, rủi ro đối với đường ống đã được lên phương án khi thiết kế, cho nên, khả năng sửa chữa đã được tính đến. Về kĩ thuật, sự cố có thể được khắc phục, nhưng có thể sẽ rất lâu, không phải 1 – 2 tháng mà ít nhất là 1 năm. Đó là chưa nói tới việc các tàu sửa chữa đường ống dẫn khí có thể đang bị trừng phạt, sẽ không được phép sử dụng để phục vụ cho việc sửa chữa sự cố rò rỉ ở đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2.

Không chỉ vậy, sự cố rò rỉ ở đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 còn cho thấy tất cả các cơ sở hạ tầng dưới biển đều dễ bị tổn thương, kể cả hàng nghìn km dây cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển. Cao uỷ phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ này. Phần Lan cũng ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ đảm bảo sẵn sàng và tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ các cơ sở hạ tầng khác nhau, gồm mạng lưới điện và nguồn cung cấp nước.

Thực tế cho thấy sau Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đã xuất hiện âm mưu tấn công Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream). Đường ống dẫn khí đốt này hoàn thành vào năm 2020, có công suất 33 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, chạy từ Nga, qua Biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ, gồm hai nhánh, một nhánh cung cấp khí đốt cho khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ và nhánh còn lại đưa năng lượng đến các nước ở Nam và Đông Nam Âu. Ngày 13/10 vừa qua, Điện Kremli cho biết họ đã bắt giữ một số đối tượng tình nghi tấn công Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Tàu chở khí hoá lỏng cập cảng. Ảnh: AFP

Thử thách với tình đoàn kết

Châu Âu đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng. Để bù đắp sự thiếu hụt từ sự đứt gẫy nguồn cung khí đốt của Nga, châu Âu đã chuyển hướng sang mua khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Mỹ. Theo hãng tin Reuters, vào tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ cung cấp nhiều khí đốt tự nhiên cho EU hơn so với Nga. Hiện nay, tỷ lệ cung cấp của Mỹ trong tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu đã tăng lên 48% từ mức 21% của năm 2021. Trong khi đó, Na Uy đang là nhà cung cấp năng lượng hoá thạch lớn nhất của EU.

Theo nghị sĩ Nghị viện châu Âu Michael Bloss, EU đang ở cùng một con thuyền với Mỹ và Na Uy trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Do vậy, các bên nên hỗ trợ lẫn nhau thay vì khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Một Nghị sĩ Nghị viện châu Âu khác là ông Nicolae Ștefănuță cũng cho rằng các giải pháp xử lý khủng hoảng năng lượng cần đưa ra trên tinh thần đoàn kết.

Nhưng thực tế là nguồn cung năng lượng từ Mỹ hay Na Uy đều có mức giá cao. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peslov hôm 9/10, Mỹ đang bán khí đốt cho châu Âu với giá cao hơn “ba, thậm chí là bốn lần” so với Nga. Trả lời phỏng vấn tờ NOZ mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc một số quốc gia, kể cả những quốc gia thân thiện, đôi khi áp mức giá cao ngất ngưởng (đối với khí đốt của họ). Việc này sẽ giúp các nhà xuất khẩu khí đốt ngoài Nga đang thu lợi từ hệ luỵ gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng với châu Âu, theo ông Robert Habeck, lại đang “có nguy cơ rơi vào một cuộc phi công nghiệp hóa khổng lồ”.

Chú thích ảnh
Lễ khánh thành Đường ống Baltic ngày 27/9/2022. Ảnh: Twitter

Ngoài ra, theo Tổng cục Năng lượng EU, khoảng 25% năng lượng tiêu thụ của EU là từ khí đốt tự nhiên. Cho nên, thiếu nguồn cung khí đốt từ Nga còn làm gia tăng nguy cơ thiếu điện ở châu Âu. Trong khi đó, hiện nay, nhiều nước châu Âu không có đủ hệ thống dự phòng để đối phó với tình trạng cắt điện trên diện rộng, khiến hoạt động bình thường của các mạng di động bị đe doạ. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm cả việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt lẫn giá khí đốt tăng cao dẫn tới rất nhiều hệ luỵ khôn lường.

Có lẽ vì vậy, phát biểu trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nhóm G7 ngày 12/10 tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi Washington nỗ lực nhiều hơn để có chính sách dài hạn về LNG với giá rẻ hơn. Nhưng các chuyên gia cơ bản không tin tưởng vào sự thành công của các cuộc đàm phán giảm giá nhập khẩu năng lượng cho EU. Quả thực, châu Âu khó có thể dựa vào nhập khẩu LNG giá rẻ từ Mỹ khi nước này cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng còn Hiến pháp Na Uy lại quy định chính phủ phải tối đa hóa nguồn lợi từ hydrocacbon.

Khi hi vọng vào bên ngoài không cao, các quốc gia thành viên EU chỉ còn cách nương tựa vào nhau, nhất là khi mùa Đông giá lạnh đang tới gần. Ngày 12/10 vừa qua, các bộ trưởng năng lượng EU đã đạt được thoả thuận lịch sử về việc mua chung khí đốt trước mùa Hè 2023. Họ kỳ vọng khi mua năng lượng với số lượng lớn sẽ được mua với giá rẻ hơn. Một hôm sau, Pháp lần đầu tiên trong lịch sử đã chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức. Nguồn cung từ Pháp sẽ cho phép Đức sản xuất thêm điện năng. Đổi lại, sản lượng điện này có thể được cung cấp vào mạng lưới điện của Pháp trong giờ cao điểm.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, cũng có quốc gia châu Âu đã tìm con đường khác. Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự báo cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể kéo dài tới năm 2030. Trong khi đó, Hungary lại phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng năng lượng của Hungary khiến việc ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga là không thể. Cho nên, giới chức nước này thường xuyên chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Nga vì cho rằng chúng phản tác dụng khiến giá năng lượng tăng cao.

Ngoài Hungary còn có Bulgaria. Một nửa nguồn cung dầu của Bulgaria đến từ Nga. Do đó, vào đầu tháng 9/2022, Bộ trưởng Tài chính Bulgaria Rositsa Velkova đã đề xuất EU cho phép nước này tiếp tục mua nhiên liệu từ Nga cho đến ít nhất là cuối năm 2024. Nếu không được miễn trừ trừng phạt, các phương tiện ở Bulgaria sẽ ngừng phạt động vì không có nhiên liệu. Sau đó, vào ngày 5/10, Nội các Bulgaria đã quyết định sẽ tạm thời ngừng thực thi các lệnh trừng phạt của EU đối với nhiên liệu của Nga để đảm bảo hoạt động bình thường.

Châu Âu đã chứng kiến sự chia rẽ giữa Bắc và Nam Âu suốt từ cuộc khủng hoảng nợ công cách đây 1 thập kỷ. Với khả năng suy thoái có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc thậm chí là suy thoái kèm lạm phát mà một trong những nguyên nhân đến từ việc giá năng lượng tăng cao không chỉ có thể đặt châu Âu trước nguy cơ thất bại trong trừng phạt Nga, mà còn trở thành phép thử đối với EU trong nỗ lực hành động như một “sức mạnh thống nhất”.

 

Hà Ngọc/Báo Tin tức
Pháp lần đầu tiên trong lịch sử chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức
Pháp lần đầu tiên trong lịch sử chuyển trực tiếp khí đốt sang Đức

Ngày 13/10, công ty GRTgaz điều hành mạng lưới đường ống dẫn ống khí đốt của Pháp thông báo đã bắt đầu chuyển khí đốt sang Đức. Đây là một trong những cam kết của Pháp nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng năng lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN