Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron (phải) tại cuộc họp báo ở cung điện Versailles, ngoại ô Paris ngày 29/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ chỗ bất đồng sâu sắc trong vấn đề Syria khiến Tổng thống Nga quyết định hủy chuyến thăm Pháp được lên kế hoạch trước hồi tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo Nga - Pháp đã nhất trí nỗ lực cải thiện quan hệ song phương cũng như tiếp tục đối thoại cởi mở để tìm được tiếng nói chung về nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng.
Có thể thấy cả Tổng thống Nga và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã chủ động dẹp bỏ những bất đồng vốn là rào cản quan hệ hai nước nhiều năm qua, để thẳng thắn và cởi mở đối thoại với nhau. Gần 3 giờ hội đàm tại cung điện Versailles, ngoại ô thủ đô Paris, lãnh đạo hai nước đã đề cập các vấn đề sâu rộng liên quan đến cả thực trạng quan hệ song phương, cũng như hàng loạt vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng, như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Syria…
Không phải vấn đề nào hai bên cũng hoàn toàn tìm được tiếng nói chung, nhất là những chủ đề gai góc vốn lâu nay khiến quan hệ Nga-Pháp và quan hệ Nga-phương Tây luôn căng thẳng, song ít nhiều cuộc trao đổi ý kiến trực tiếp cũng giúp 2 nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn quan điểm của nhau. Đó là cần đối thoại và hợp tác để tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ song phương, thay vì đối đầu và thù địch.
Sau cuộc hội đàm, cả hai nhà lãnh đạo đều gửi đi những thông điệp thiện chí khi ông Emmanuel một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng thúc đẩy quan hệ Pháp-Nga phát triển trên mọi lĩnh vực, còn Tổng thống Putin tin tưởng rằng Moskva và Paris có thể vượt qua những bất đồng đang tồn tại để thúc đẩy quan hệ hai nước tiến lên phía trước. Rõ ràng, việc cải thiện quan hệ song phương mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.
Đối với giới doanh nghiệp Pháp, Nga là thị trường đầy triển vọng và tiềm năng. Pháp luôn đứng trong nhóm dẫn đầu các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Nga. Bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt chống Nga kể từ giữa năm 2014, hơn 1.200 doanh nghiệp Pháp vẫn đang hoạt động trên thị trường Nga. Kim ngạch thương mại song phương trước thời điểm Nga bị phương Tây trừng phạt đạt mức 22 tỷ USD (năm 2016 giảm gần một nửa, chỉ còn 13 tỷ USD).
Hơn nữa, hợp tác chặt chẽ với Nga sẽ giúp Pháp và châu Âu đối phó hiệu quả hơn với nhiều mối đe dọa và thách thức an ninh, trong đó có chủ nghĩa khủng bố quốc tế và làn sóng di cư bất hợp pháp, vốn đang làm chao đảo “Lục địa già”. Trong khi đó, Pháp không chỉ là thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại hàng đầu của Nga, mà còn đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế nước này.
Các công ty của Pháp đang tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người Nga. Con số này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Nga vẫn đang phải chống chọi với sự bao vây, cô lập từ phương Tây. Bên cạnh đó, Pháp cũng là thị trường đầy tiềm năng đối với một số ngành mà Nga có thế mạnh như năng lượng hạt nhân, hàng không, vũ trụ…
Pháp là thành viên trong “Bộ tứ Normandy”, cơ chế được coi hiệu quả nhất tính đến thời điểm hiện nay về giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bởi vậy việc Nga và Pháp cải thiện quan hệ có thể tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của nhóm “Bộ tứ Normandy” và tác động tích cực đối với vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine, vốn là nguyên cớ khiến phương Tây áp đặt trừng phạt Nga từ 3 năm nay.
Điều quan trọng nhất là bế tắc trong quan hệ với Pháp được khai thông sẽ góp phần không nhỏ “phá băng” trong quan hệ với các nước ở châu Âu, lục địa mà Nga luôn coi mình là bộ phận không thể tách rời.
Ngoài ra, việc tân Tổng thống Pháp Macron chủ động “làm lành” với Moskva cũng phù hợp với xu hướng muốn cải thiện quan hệ với Nga đang nổi lên ở châu Âu. Nhiều nước khu vực này đã nhận thấy rõ việc đối đầu với Nga chẳng những đang gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho tất cả các bên, mà còn không có lợi đối với an ninh châu Âu trong bối cảnh “lục địa già” đang phải đương đầu với hàng loạt thách thức, từ khủng bố tới khủng hoảng di cư hay chia rẽ xã hội.
Cuộc gặp mang tính “phá băng” với người đồng cấp Putin không chỉ giúp ông Macron “ghi điểm” trong mắt một bộ phận không nhỏ cử tri trước thềm cuộc bầu cử quốc hội quan trọng ở Pháp vào tháng tới, mà còn tạo được lợi thế nhất định cho vị tổng thống mới lên nắm quyền được nửa tháng trong việc củng cố vị thế và uy tín của nước Pháp, trước hết là trong EU. Động thái mang tính tiên phong của Tổng thống Pháp Macron, mời Tổng thống Nga Putin thăm Pháp và đối thoại về các vấn đề bất đồng, có thể đem lại hiệu ứng tích cực, giúp ông tạo được “dấu ấn” trên trường quốc tế.
Khó có thể kỳ vọng quan hệ Nga – Pháp sẽ ngay lập tức “sang trang mới”, quay trở lại quỹ đạo hợp tác và phát triển bình thường sau cuộc hội đàm giữa hai tổng thống. Tuy nhiên, cả hai đã có bước đi đầu tiên vượt qua rào cản để xích lại gần nhau hơn, khi Pháp và Nga có thể thiết lập đối thoại, nỗ lực kìm hãm bất đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ trong những lĩnh vực mà hai bên có cùng lợi ích, trước hết là lĩnh vực kinh tế và an ninh. Từ thế đối đầu căng thẳng chuyển sang đẩy mạnh đối thoại và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong bất đồng, Nga và Pháp đã có một sự khởi đầu suôn sẻ và tích cực.