Công nhận Liên minh Dân tộc Xyri mới được thành lập là đại diện duy nhất của người dân Xyri, Tổng thống Pháp Francois Hollande một mặt muốn bảo toàn những lợi ích dài hạn của Pháp tại khu vực, mặt khác muốn gia tăng uy tín chính trị của chính ông. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, Pari có nguy cơ bị cô lập bởi hầu như không có đồng minh nào cùng chia sẻ quyết định này của họ.
Trong bối cảnh dư luận trong nước và quốc tế đang quan tâm sát sao tới các chính sách kinh tế của Pháp, thái độ ngập ngừng của Tổng thống Hollande đối với cuộc xung đột tại Xyri trước khi quyết định trên được đưa ra đã bị đem ra so sánh với thái độ quyết đoán của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy, khi ông này dẫn đầu các nỗ lực của phương Tây trong cuộc không kích tại Libi và lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi hồi năm 2011.
"Qua mặt" các đồng minh và Liên đoàn Arập (AL), Tổng thống Hollande đã "noi gương" người tiền nhiệm Sarkozy khi công nhận Liên minh Dân tộc Xyri và ủng hộ việc liên minh này thay thế chính phủ của Tổng thống Bashar al - Assad. Ông cho biết Pháp thậm chí sẽ cân nhắc việc vũ trang cho phe đối lập Xyri. Tổng thống Hollande hy vọng rằng, động thái này sẽ giúp Pari có được vai trò quyết đoán hơn trong việc định hình tương lai cho Xyri và giúp cải thiện uy tín của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo quyết đoán.
Denis Bauchard, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Đông của Bộ Ngoại giao Pháp những năm 1990, nói: "Có ý kiến cho rằng Tổng thống Hollande không (quyết đoán) bằng người tiền nhiệm Sarkozy, bởi vậy ông ấy muốn thể hiện rằng mình là người đủ năng lực để thực hiện các chính sách đối ngoại năng động. Chúng tôi (Pháp) nỗ lực thúc đẩy một chính phủ dân chủ ổn định (tại Xyri), dư luận tại Arập cho rằng khu vực này là một vấn đề ưu tiên đối với chúng tôi và Pháp muốn đóng một vai trò then chốt".
Các nỗ lực trước đây để đoàn kết phe đối lập Xyri dưới "trướng" của Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) cuối cùng đã thất bại sau khi có nhiều chỉ trích cho rằng SNC hầu như không có ảnh hưởng tại Xyri và bị tổ chức Anh em Hồi giáo chi phối. Pari lo ngại rằng trong khi cánh cửa dẫn tới việc đoàn kết lực lượng đối lập Xyri dần khép lại, thì những rạn nứt lâu dài tại quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành "thời cơ" để các nhóm cực đoan như Jihad và Al Qaeda trong hàng ngũ phe nổi dậy chiếm được ưu thế.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Tổng thống Hollande đang phải đối mặt với nguy cơ liên minh đối lập mới ở Xyri cuối cùng vẫn không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và đi đến "kết cục" giống như của SNC. Quyết định của Tổng thống Hollande đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi Liên minh Dân tộc Xyri thậm chí còn chưa chính thức ra mắt. Các đồng minh của Pháp đang đặt ra câu hỏi rằng liên minh này sẽ đại diện cho người dân Xyri bằng cách nào và hoạt động vì mục tiêu gì.
Nhà phân tích người Xyri, Ahyam Kamel tại Cơ quan Cố vấn Eurasia nhận định: "Tổng thống Hollande đang 'nuôi' một tham vọng chính trị biến Xyri thành Libi của riêng mình bằng cách ủng hộ liên minh mới tại Xyri. Tuy nhiên, ngoài những lời tuyên bố, vị thế của Pháp vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, tôi cho rằng nó còn phản tác dụng. Pháp đang bị cô lập, bởi các đồng minh không chia sẻ quan điểm với họ trong vấn đề này".
Sau cuộc gặp tại Brúcxen (Bỉ) hôm 19/11, bộ trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu cho rằng, liên minh mới là "đại diện hợp pháp" của người dân Xyri, song chưa công nhận hoàn toàn vị thế của liên minh này như những gì mà Pháp vừa làm. Các quốc gia phương Tây tỏ ra không hài lòng với sự hiện diện của các nhân vật Hồi giáo cực đoan trong phe đối lập và những cáo buộc của các thanh sát viên LHQ về việc các tay súng nổi dậy phạm tội ác chiến tranh.
TTK (Theo Reuters)