Ông Trump liệu có làm Bắc Kinh "sôi máu"

Dưới thời ông Trump, Mỹ thậm chí có thể thuyết phục thành công Nhật Bản tuần tra chung trên biển và trên không tại Biển Đông, động thái sẽ làm Trung Quốc "sôi máu".

Biển Đông sẽ căng thẳng dưới thời nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump?

Theo chuyên gia Adam Bartley thuộc Đại học RMIT ở Melbourne (Australia), tình hình Biển Đông dưới thời nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ rất hỗn độn.

Khẩu hiệu tranh cử "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump có thể đồng nghĩa với cách tiếp cận chính sách ngoại giao "hòa bình thông qua sức mạnh" như dưới thời Tổng thống Reagan. Thực thi chính sách này ở Đông Nam Á sẽ bao gồm những tuyên bố mạnh mẽ và sự phô trương lực lượng cũng như "chính sách ngoại giao pháo hạm" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Quân đội Mỹ, đặc biệt là Không quân và Hải quân, bị kiềm chế phần nào dưới thời Tổng thống Barack Obama, có thể được thỏa sức thực hiện hoạt động tình báo, do thám và trinh sát, cũng như tự do di chuyển trên biển dưới thời Donald Trump. Mỹ thậm chí có thể thuyết phục thành công Nhật Bản tuần tra chung trên biển và trên không tại Biển Đông, động thái sẽ làm Trung Quốc "sôi máu".

Phản ứng của Trung Quốc sẽ định hướng cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực trong tương lai. Bắc Kinh sẽ khó có thể bị hăm dọa mà rút lại "móng vuốt", thậm chí sẽ đáp trả tương xứng các mối đe dọa và hành động khiêu khích của Washington. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc không làm hài lòng lực lượng dân tộc chủ nghĩa trong nước thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất ảnh hưởng và kiểm soát nội địa. Viễn cảnh này đồng nghĩa với việc các sự vụ đối đầu quân sự sẽ xuất hiện nhiều hơn. Dưới thời Trump, các vụ việc này có thể nghiêm trọng hơn và dẫn tới xung đột ở cấp độ cao hơn.

Tuy vậy, chính sách ưa chuộng chủ nghĩa biệt lập và "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump, trong đó có sự hờ hững với các liên minh, có thể là đối trọng hoặc thậm chí gạt bỏ sức ép từ các quan chức do ông bổ nhiệm về việc phô trương quân sự tại Biển Đông. Ông Trump không hứng thú với việc tiêu tốn tiền của và cả máu của người Mỹ để bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản, Philippines và Đài Loan.

Trong khi đó, các nước ASEAN không muốn khu vực bị phân cực về quân sự và chính trị, hay phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Một số quốc gia thậm chí đã ngả sang Trung Quốc, quốc gia đang dùng quyền lực mềm và "từng bước" thống trị Đông Nam Á và Biển Đông. Bắc Kinh cũng tận dụng mối quan hệ công chúng đang trên đà đi xuống của Washington sau cuộc bầu cử tổng thống. Nếu điều này xảy ra, chính quyền Trump có thể sẽ không còn quan tâm đến hình ảnh tại châu Á nữa, miễn là Trung Quốc không can thiệp vào thương mại và chuyện kiếm tiền của các công ty Mỹ.

Dù khả năng nào xảy ra, quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là tại Biển Đông, sẽ không thể yên ả trong những năm tới.

TTXVN/Tin Tức
Lãnh đạo Nhật Bản, Malaysia nhất trí quan điểm về Biển Đông
Lãnh đạo Nhật Bản, Malaysia nhất trí quan điểm về Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản và người đồng cấp Malaysia đã có cuộc hội đàm trong đó khẳng định lập trường chung đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN