Nước Nga thời Putin trên đường trở lại vị thế cường quốc

Nước Nga dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin đã trải qua một năm được cho là thành công về mặt đối ngoại, giúp khẳng định vị thế của Moskva trên trường quốc tế. Nhưng con đường trở lại vị thế cường quốc không phải là hoàn toàn dễ dàng.

Một Putin lạnh lùng và quyết đoán

Một Putin lạnh lùng và quyết đoán. Ảnh: Getty Images


“Gấu Nga” đã trở lại - đó là thông điệp mà nhiều học giả và giới nghiên cứu phương Tây mô tả về bước chuyển mình của nước Nga trong năm 2013. Tổng thống Putin đã ở cương vị lãnh đạo nước Nga trong vòng 14 năm qua, nhưng 2013 được xem là một năm thành công nhất đối với ông. Người đứng đầu Điện Kremlin được cho là một "cao thủ” và chiến thắng các đối thủ phương Tây khác trong hầu hết mọi cuộc “so găng” địa chính trị trong năm.

Trên bình diện quốc tế, tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ đã bình chọn ông Putin là người quyền lực nhất thế giới năm 2013, vượt trên cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, với lý do người đứng đầu điện Kremlin đã tỏ ra “cao tay hơn” đồng cấp Nhà Trắng trong các biến cố liên quan đến xung đột ở Syria, vụ “kẻ đào tẩu” Edward Snowden, cuộc chiến tạo dựng ảnh hưởng tại Ukraine trước Liên minh châu Âu (EU). Ở trong nước, Quỹ Dư luận xã hội Nga (FOM) cũng bình chọn ông Putin là “nhân vật của năm”, với đánh giá ông là một chính trị gia, một nhà lãnh đạo tin cậy, giàu kinh nghiệm và luôn biết xác định các vấn đề ưu tiên.  Đa số người Nga đều có cái nhìn thiện cảm đối với người đứng đầu Điện Kremlin, tương tự như đánh giá của Đức Thượng phụ Kirill người đứng đầu Chính thống giáo ở Nga: “Chúng ta đều biết rằng, ông - hơn bất cứ ai từ cuối thể kỉ 20 cho đến nay, đang giúp nước Nga trở nên hùng cường hơn và đoạt lại được ví trí như từng có, một đất nước tôn trọng mình và được tất cả các nước khác tôn trọng”.

Đã có nhiều người bị ấn tượng bởi phong cách tự tin của Tổng thống Putin. Blogger nổi tiếng người Mỹ Matt Drudge từng gọi Putin là “Nhà lãnh đạo của thế giới tự do”. Người khác nhìn nhận, ông Putin là người theo đuổi phong cách lãnh đạo nước Nga hồi thế kỉ 19: Không cảm thấy buộc phải cam kết đi theo các mô hình chính trị châu Âu, với một khẩu hiệu rõ ràng và dứt khoát: “cái gì là của tôi thì không thể thuộc về các bạn”.

Thành công và thách thức

Nga đã lấy lại được vị thế trên trường quốc tế trong năm 2013. Ảnh: AP


Vài năm gần đây, tư bản phương Tây nhìn nhận Nga tuy ổn định, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí coi Moskva đã đánh mất tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Nhưng dường như họ đã nhầm, ít nhất là cách thức mà nước Nga phản ứng trước các chính biến ở Syria, Trung Đông và gần nhất là ở Ukraine.

Hồi tháng 9, Tổng thống Putin đã thuyết phục được Syria đặt kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, không để Mỹ có cớ phát động cuộc chiến quân sự nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước đó 2 tháng, bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ, Putin vẫn quyết định trao cho “kẻ đào tẩu” Edward Snowden quy chế tị nạn tạm thời ở Nga. Đến tháng 11, đàm phán hạt nhân Iran có bước đột phá - đó cũng lại là dấu ấn đậm nét của nước Nga. Tại Ukraine, với cam kết giành cho Ukraine gói hỗ trợ tài chính lên đến 15 tỉ USD, một lần nữa chiến thắng lại thuộc về nước Nga sau khi chính quyền Kiev tạm thời chưa ký kết hiệp định liên minh kinh tế với EU, chuyển hướng sang hội nhập với liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan.

Lẽ đường nhiên, con đường trở lại một cường quốc thực sự không chỉ trải toàn hoa hồng. Trên giấy tờ, triển vọng kinh tế của Nga là tương đối khả quan, với cán cân thanh toán được giữ ở mức cân đối trong nhiều năm liền, tỉ lệ nợ công trên GDP chỉ là 14% (so với mức 80% của Đức). Thế nhưng, phải còn mất một thời gian dài, nước Nga mới lấy lại được đà tăng trưởng 6%/năm, khi mà GDP năm nay chỉ ghi nhận mức tăng 1,3% - chưa đủ xung lực để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hiện đại hóa.

Việc quá phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu dầu, khí cũng là một điểm yếu đối với kinh tế Nga, khi đây là thị trường luôn có sự biến động thất thường. Trong thông điệp liên bang 2013, ông Putin cũng thẳng thắn thừa nhận những yếu kém trong nền chính trị Nga – đó là tình trạng quan liêu, tham nhũng tràn lan vốn được xem là lực cản cho quá trình đổi mới, phát triển doanh nghiệp. Trên lĩnh vực đối ngoại, đường lối “thừa quyết đoán, thiếu sự mềm mỏng” trong quan hệ với phương Tây, thế giới Arập mà Nga thể hiện trong thời gian qua sẽ buộc Nga phải tiến gần hơn nữa trong quan hệ với Trung Quốc - điều chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng đối với giới lãnh đạo Nga.


HT (Der Spiegel, aljazeera)

Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não
Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não

Năm 2013, cộng đồng quốc tế lại được chứng kiến một cuộc "so găng cân não" mới về nhiều vấn đề song phương và quốc tế nóng bỏng trong mối quan hệ vốn được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thế giới đa cực ngày nay.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN