Một người phụ nữ mua hàng hóa tại siêu thị ở St. Petersburg. Ảnh: EPA/TTXVN |
Cho đến nay, giới lãnh đạo và báo chí Nga đều tránh bàn luận về Brexit. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Nga không quan tâm đến hệ quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh.
Theo ông Andrey Sushentsov, Chủ tịch Nhóm nghiên cứu chính trị Valdai, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, trong trường hợp Anh ra khỏi EU, kinh tế Nga sẽ bị thiệt hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực.
Trước hết, do đầu tư của Nga tập trung chủ yếu ở nước Anh và gắn chặt với khối EU. Trong nhiều thập niên qua, EU là bạn hàng chính của Nga trên thế giới.
Năm 2015, Nga xuất khẩu sang EU 249 tỷ USD hàng hoá (chiếm 46% ngoại thương của Nga). Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện lên đến 360 tỷ USD, với phần lớn (80%) trong đó số đó gửi tại các ngân hàng nước ngoài và hơn 40% trong số đó là bằng đồng euro.
Một trận “động đất” kinh tế tại châu Âu sẽ gây tác hại vừa trực tiếp lẫn gián tiếp cho Nga. Khi Anh ra đi khỏi EU, hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Cyprus. Brexit có thể gây ra cuộc chiến thương mại giữa Vương quốc Anh và EU với hệ quả là làm "tiêu tan" tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này.
Nga trước đây đã phải chi 2,5 tỷ USD “cứu” đảo Cyprus trong cuộc khủng hoảng tài chính 2010 để bảo vệ tài sản của mình tại đây.
Ông Andrey cũng cho rằng trong trường hợp Anh rời khỏi EU, London khó có thể đánh mất tính hấp dẫn của một trung tâm tài chính thế giới nhưng cũng cần dự phòng trong trường hợp tình hình thay đổi.
Các tập đoàn lớn của Nga như Gazprom, Rosneft, Lukoil, Tatneft, Megafon, Rusagro đã bán nhiều cổ phần trên sàn giao dịch London và có xu hướng tìm về châu Á.