'Nước Mỹ trước tiên' tác động tới xu hướng địa chính trị thế giới năm 2018

Với việc rút khỏi nhiều tổ chức đồng minh, nhiều hiệp ước và cam kết quốc tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của thế giới về những vai trò mà nước Mỹ đảm trách trên trường quốc tế từ trước tới nay.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khởi xướng chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Ảnh: AFP/TTXVN

Nước Mỹ trong hai năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống - Tỷ phú Trump giờ đây đã khác rất nhiều và đây chính là yếu tố tác động lớn đến xu hướng địa chính trị thế giới năm 2018. Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Elizabeth Economy , Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ quốc tế Mỹ. 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, Tiến sĩ Economy đánh giá tình hình địa chính trị năm 2018 khá biến động so với năm 2017, nếu nhìn vào thực tế các nước lớn có tầm ảnh hưởng. Tất cả các nước lớn đều đang trải qua nhiều biến động chứ không chỉ riêng nước Mỹ. Với Trung Quốc, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Với Pháp là các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng" phản đối chính phủ. Tại Anh, vấn đề Brexit trở nên rất nan giải. Ở nhiều nước khác, các nhà lãnh đạo cũng đang bối rối trong việc định hướng con đường phát triển đất nước trong tương lai. Khi đang phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ của mình, các nước này rất khó có thể đóng vai trò xây dựng đối với các vấn đề chung toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Economy, nhìn chung mối quan hệ Mỹ- Trung có tính chất định hình xu hướng địa chính trị năm nay. Sự gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tình hình địa chính trị, địa kinh tế toàn cầu, vì thực chất đây không chỉ là vấn đề xung đột giữa hai nước, mà ảnh hưởng rất nhiều đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến cách thức giải quyết các cuộc xung đột quốc tế. Bà Economy nhấn mạnh các chính sách đối ngoại của nước Mỹ trên trường quốc tế giờ đã khác. Trước đây, Mỹ luôn đi đầu, tham gia vào các thể chế đa phương và thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump hiện nay không theo đuổi cách thức và những giá trị của các chính quyền tiền nhiệm. Ông Trump cho rằng hệ thống quốc tế hiện tại đang kìm hãm sự phát triển của nước Mỹ, không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, và đi ngược lại đường hướng “Nước Mỹ trước tiên” do ông khởi xướng. Đây là lý do khiến Nhà Trắng từ bỏ vai trò đầu tàu trong rất nhiều cam kết quốc tế, qua đó tác động tới phần còn lại của thế giới. 

Khi Mỹ rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, trong giới chuyên gia quốc tế đã xuất hiện giả thuyết Trung Quốc có thể nắm lấy cơ hội và giành vị trí đầu tàu trên trường quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ đi tiên phong trong xu hướng toàn cầu hóa và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều rằng Trung Quốc khó có thể hiện thực hóa tham vọng này do điều kiện phát triển kinh tế khác biệt.

Tỏ ý hoài nghi về khả năng này của Trung Quốc, Tiến sĩ Economy cho rằng một cường quốc khác rất đáng quan tâm hiện nay là Nhật Bản. "Đất nước Mặt trời mọc" nhỏ hơn về diện tích nhưng lại là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và Thủ tướng Shinzo Abe là người có công lớn thúc đẩy các hiệp định hợp tác đa phương, trong đó phải kể tới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Hiện Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chưa có nước nào đủ sức và lực để đơn phương giải quyết các vấn đề lớn của thế giới như chống biến đổi khí hậu, vấn đề người tị nạn hay chống khủng bố và thay thế được vai trò nước Mỹ trước đây. 

Đánh giá về ảnh hưởng của tình hình địa chính trị trên, Tiến sĩ Economy cho rằng điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc nước nào sẽ đứng vào vị trí dẫn dắt thế giới. Nếu đó là Nhật Bản, Đức, hay Anh, thì hoàn toàn không có vấn đề gì với Mỹ, vì các nước này đều có nền tảng kinh tế và các giá trị về mặt chính trị tương đồng với Mỹ. Đánh giá tổng thể, Mỹ và các nước này cơ bản chia sẻ nhận thức chung, nền tảng giá trị chung và các mục tiêu chung đối với các mối quan tâm hay các vấn đề ưu tiên trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác nếu Trung Quốc hay Nga vươn lên và ở vị trí dẫn đầu thế giới. 

Bà Economy là tác giả của nhiều cuốn sách về quan hệ đối ngoại và cũng là cây viết bình luận cho nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Harvard Business Review, New York Times và Washington Post; và giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Đại học Columbia, Đại học Johns Hopkins và Đại học Washington.

Hải Vân- Hoài Thanh (TTXVN)
Ngoại trưởng Mike Pompeo bảo vệ chính sách 'Nước Mỹ trước tiên'
Ngoại trưởng Mike Pompeo bảo vệ chính sách 'Nước Mỹ trước tiên'

Ngày 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu trước các nhà ngoại giao châu Âu tại Brussels (Bỉ), trong đó ông lên tiếng bảo vệ chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cho rằng Washington đang xây dựng một trật tự thế giới mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN