Cuộc bầu cử lần này được coi là phép thử cho chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Donald Trump sau gần 2 năm tỷ phú bất động sản trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.
Tình hình nước Mỹ trước bầu cử dường như đang mang lại một số lợi thế cho đảng Cộng hòa. Nền kinh tế Mỹ phát triển khá tốt dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Trump. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 quý gần đây nhất tăng trưởng ở mức 4,2% và 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp công bố ngày 15/10 giảm còn 3,7% (thấp nhất từ tháng 12/1969), 3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi ông Trump lên cầm quyền, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong 18 năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục, Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất dựa trên các đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ...
Các chính sách của ông Trump như cắt giảm thuế và nới lỏng các quy chế giám sát, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự, đã thực sự phát huy tác dụng theo hướng tích cực, tạo ra một cú sốc nguồn cung đối với nền kinh tế vốn dĩ ảm đạm trước đó. Các kết quả kinh tế tích cực cùng với các chính sách thương mại cứng rắn với mục tiêu giảm thâm hụt và đưa nền sản xuất quay lại nước Mỹ đã củng cố hy vọng của đảng này trong cuộc chiến nhằm giữ vững quyền kiểm soát hai viện Quốc hội.
Bên cạnh đó cũng có những yếu tố bất lợi cho đảng cầm quyền. Các nghị sĩ của đảng này đã chọn nghỉ hưu với số lượng cao bất thường, trong số đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Mặc dù phe Cộng hòa kiểm soát cả Nhà Trắng và Đồi Capital, nhưng quốc hội hiện tại đã chứng kiến nhiều kịch tính, với nhiều lần bỏ phiếu sít sao một cách bất ngờ. Các sáng kiến lập pháp lớn, chẳng hạn như dự luật cải cách y tế, đã thất bại; thậm chí một biện pháp cắt giảm thuế cũng chỉ được thông qua nhờ chênh lệch một vài phiếu bầu, chính quyền và quốc hội nhiều lần phải thỏa hiệp vào phút chót trong vấn đề ngân sách để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Chỉ vài ngày trước bầu cử, nước Mỹ đã bị chấn động khi hàng loạt bom thư gửi đến các nhân vật nổi tiếng của đảng Dân chủ, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong một nhà thờ Do Thái làm 11 người thiệt mạng. Dư luận cho rằng cuộc bầu cử giữa kỳ lần này đang khiến nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc chưa từng có khi chính phong cách của Tổng thống Trump đã góp phần khơi dậy bạo lực chính trị.
Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số mong manh với 51 ghế so với 49 ghế của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, trong số 35 ghế Thượng viện được bầu lại có 24 ghế do đảng Dân chủ nắm giữ và 2 ghế của đồng minh đảng nay, 10 trong số 26 ghế trên lại đại diện cho các bang đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016. Đảng Dân chủ phải bảo vệ toàn bộ 26 ghế của mình và giành thêm 2 ghế của đảng Cộng hòa nếu muốn chiếm thế đa số. Giới quan sát cho rằng việc này sẽ rất khó khăn, trong khi đảng Cộng hòa chỉ cần giành 9 ghế để tiếp tục nắm đa số. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ cần có thêm ít nhất 23 ghế để cán mốc 218 ghế, qua đó lấy lại quyền kiểm soát mà họ đã để rơi vào tay đảng Cộng hòa từ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010.
Trước "giờ G", chiến dịch vận động tranh cử đã được tăng tốc với nỗ lực vào giờ chót của cả 2 đảng, xoáy vào những vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm hiện nay. Phe Cộng hòa tập trung nêu bật những thành tựu về kinh tế và việc làm kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, coi đây là “át chủ bài” tranh cử nếu so với thành tích kinh tế nghèo nàn của các chính quyền Dân chủ tiền nhiệm. Về phần mình, Tổng thống Trump đã tận dụng thông điệp chống nhập cư cứng rắn và thành tích kinh tế nổi bật để kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho đảng của mình. Dù tên ông không in trên lá phiếu, nhưng cuộc bầu cử thực sự là "hàn thử biểu" cho ảnh hưởng của phong trào đã góp phần đưa ông Trump lên nắm quyền, hướng tới giấc mơ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Bên kia chiến tuyến, đảng Dân chủ được hậu thuẫn bởi sự phản đối mạnh mẽ đối với nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, hy vọng có thể giành lại quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện. Hiện đảng này tập trung vào 3 chủ đề chính gắn với khẩu hiệu tranh cử “Vì người dân”, bao gồm cắt giảm chi phí y tế, tăng lương và chống tham nhũng-những vấn đề tranh cử đã mang lại chiến thắng cho đảng tại hạ viện năm 2006.
Trong bối cảnh cuộc đua diễn ra sít sao, số lượng cử tri đi bỏ phiếu được cho là đóng vai trò then chốt quyết định chiến thắng. Đảng Dân chủ đang đau đầu với việc tỷ lệ cử tri của đảng Cộng hòa tham gia bầu cử sớm tại một số bang chiến địa vượt trội rất nhiều so với số cử tri của đảng Dân chủ. Đảng này từng có bài học "xương máu" trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, khi nhiều cử tri ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton nhưng không đi bầu vì quá tin tưởng chiến thắng sẽ thuộc về bà.
Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa vẫn giữ đa số tại Thượng viện. Trang FiveThirtyEight tối 4/11 dự đoán đảng Dân chủ có 86% cơ hội chiến thắng tại Hạ viện, còn đảng Cộng hòa có 83,7% cơ hội duy trì quyền kiểm soát Thượng viện. Theo kết quả thăm dò của Washington Post - ABC News, tại cuộc bầu cử Hạ viện, tỷ lệ cử tri ủng hộ các ứng cử viên đảng Dân chủ cao hơn đảng Cộng hòa với tỷ lệ tương ứng là 50% - 43%. Một cuộc thăm dò khác do NBC và tờ Wall Street Journal công bố cùng ngày cho thấy đảng Dân chủ hiện chiếm ưu thế hơn so với đảng Cộng hòa với cách biệt 7%.
Phe Cộng hòa đã nhận ra những thách thức tại Hạ viện và cũng lường trước sự thất bại. Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm nếu đảng Cộng hòa mất Hạ viện vào tay phe Dân chủ và chuyển hướng nhấn mạnh cuộc đua vào Thượng viện. Theo giới phân tích, đảng Cộng hòa đang đặt mục tiêu đảm bảo một chiến thắng tại Thượng viện in đậm dấu ấn của Tổng thống Trump, tạo nền tảng thuận lợi cho kế hoạch tái tranh cử vào năm 2020.
Trong khi đó, đảng Dân chủ đang ngày càng tỏ ra tự tin vào một kết quả khả quan. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi ngày 30/10 khẳng định "đảng Dân chủ sẽ chiến thắng tại Hạ viện" và thậm chí dự báo về một chiến thắng của đảng này tại Thượng viện. Một kết quả như vậy cho phép đảng này mở các cuộc điều tra nhằm vào chính quyền Tổng thống Trump và cản trở chương trình nghị sự lập pháp của ông chủ Nhà Trắng nói riêng và đảng Cộng hòa nói chung, như cải cách di trú, cắt giảm thuế, đảo ngược đạo luật chăm sóc sức khỏe thời ông Obama…, thậm chí tiến hành luận tội tổng thống.
Lịch sử bầu cử giữa nhiệm kỳ cho thấy đảng của Tổng thống đương nhiệm thường mất ghế tại Hạ viện vào tay đảng đối thủ, nhưng chính trường Mỹ vốn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Mặc dù đảng Dân chủ hiện vẫn duy trì được lợi thế trước bầu cử, nhưng không loại trừ khả năng thành tích kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump, cũng như sự tập trung mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng vào những vấn đề như nhập cư và an ninh biên giới, sẽ giúp đảng Cộng hòa đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử quan trọng này.