Nước cờ táo bạo của ông Macron

Quyết định thành lập nội các của ông Macron có sự khác biệt đáng kể so với các tổng thống tiền nhiệm và được nhìn nhận là bước đi táo bạo và khôn ngoan trong bối cảnh nước Pháp còn nhiều chia rẽ.

Với một nội các đặc biệt chưa từng có, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có hành động cụ thể đầu tiên cho cam kết đưa nước Pháp vượt qua sự rạn nứt trong xã hội và lấy lại lòng tin của người dân. 

Tân Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Nội các của vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp sẽ được nhắc tới như một chính phủ của những điểm "đầu tiên". Lần đầu tiên, Pháp có một chính phủ hỗn hợp gồm đầy đủ các chính trị gia theo xu hướng tả, hữu và trung dung, chấm dứt một giai đoạn dài cánh tả hoặc cánh hữu thay nhau nắm quyền.

Lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ ngũ Cộng hòa, một nửa số thành viên chính phủ đến từ xã hội dân sự, phần còn lại xuất thân từ đảng Xã hội cánh tả, đảng Những người Cộng hòa (LR) cánh hữu và các đảng trung dung, chứ không chỉ là người của phong trào Nền Cộng hòa Tiến bước do Tổng thống Macron sáng lập. Cũng lần đầu tiên, một nửa trong số 22 thành viên nội các là nữ, với 2 người gốc nước ngoài, trong đó một người chỉ vừa nhập quốc tịch Pháp năm 2016. Ngoài các quan chức có kinh nghiệm, nhiều nhân vật đang lên có tuổi đời trẻ hơn cả vị tổng thống 39 tuổi.

Điều dễ nhận thấy là sự chia rẽ trong xã hội Pháp đang ở mức cao hơn bao giờ hết, phản ánh qua cuộc bầu cử tổng thống vòng hai khi chỉ có 1/3 số cử tri bỏ phiếu cho ông Macron, 1/3 bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, và 1/3 số ý kiến không hẳn ủng hộ ông Macron mà do lo ngại sự nổi lên của lực lượng cực hữu ở Pháp đã dồn phiếu cho ứng cử viên tổng thống theo xu hướng trung dung này.

Một thành phần nội các đa đảng phái rõ ràng sẽ đáp ứng được yêu cầu thay đổi hiện nay, trong đó các lực lượng chính trị khác nhau sẽ phải "chung sống hòa bình" và cùng phải có trách nhiệm phối hợp tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chân dung các Bộ trưởng trong nội các mới của Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Với việc lựa chọn một nhân vật theo đường lối bảo thủ, ông Edouard Philippe, thành viên đảng LR cánh hữu, làm thủ tướng, rõ ràng Tổng thống Macron muốn nhắm tới nhiều đích: xây dựng một liên minh rộng rãi, hướng tới chương trình tái lập đời sống chính trị ở Pháp như ông mong muốn trong chiến dịch vận động tranh cử, đồng thời thu hút hơn nữa sự ủng hộ của đảng LR và phe cánh hữu.

Bên cạnh đó, sự tham gia của một đại diện cánh hữu trên cương vị người đứng đầu chính phủ được xem là cách để khiến phe này trở nên trung dung hơn, nhất là khi LR đã thất bại nặng nề trong vòng một cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Đó cũng là lý do tân Tổng thống Macron chọn gương mặt cánh hữu Bruno Le Maire cho vị trí Bộ trưởng Kinh tế và ông Gerald Darmanin thành viên LR làm Bộ trưởng Tài chính công.

Bên cạnh mục tiêu hàn gắn sự chia rẽ trong xã hội, bước đi trên còn giúp phong trào Nền Cộng hòa Tiến bước còn non trẻ của ông Macron thu hút sự ủng hộ của cử tri các phái tả và hữu, để có thể giành đa số trong cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 11/6 tới, qua đó giúp vị tân tổng thống có thể dễ dàng thực hiện các chương trình cải cách tham vọng của mình. Với danh sách nội các cân bằng và hỗn hợp giữa các phe phái, ông Macron muốn tạo ra một lực lượng trung dung mới trong đời sống chính trị Pháp.


Ngoài ra, bước đi khá khôn ngoan của tân Tổng thống Macron cũng có thể làm suy yếu sức mạnh của cả phe tả lẫn phe hữu trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện. Việc bổ nhiệm một nhân vật thuộc cánh hữu làm thủ tướng đang gây xáo trộn trong hàng ngũ LR, thậm chí được coi là "làm chao đảo và chia rẽ LR”, bởi ngay trong nội bộ đảng này cũng có ý kiến chỉ trích những  thành viên của đảng tham gia chính phủ của Tổng thống Macron.


Điều này rõ ràng mang lại lợi thế nhất định cho phong trào Nền Cộng hòa Tiến bước bởi tỷ lệ ủng hộ phong trào này đã gia tăng đáng kể trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện. Kết quả  khảo sát của Viện thăm dò Harris Interactive cho thấy phong trào trung dung của ông Macron được 32% ủng hộ, tăng 6% so với thời điểm ông đắc cử tổng thống. Tỷ lệ này cũng cao hơn 14% so với hai đảng đứng thứ nhì là LR và đảng cánh hữu "Mặt trận Quốc gia", hiện ở mức 19%.

Một chính phủ khác biệt hoàn toàn so với các chính phủ trước đây về cả hình thức lẫn nội dung đang mang lại hy vọng về một bầu không khí chính trị mới của nước Pháp: trẻ trung, đa sắc màu và đầy sức sống. Nước cờ táo bạo này của Tổng thống Macron là một mũi tên trúng hai đích, vừa có thể nhanh chóng hàn gắn những rạn nứt trong xã hội Pháp, vừa giành được sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới để củng cố thêm sức mạnh của mình.
                            
Mạnh Hùng (TTXVN)
Tân Tổng thống Pháp chỉ định ông Edouard Philippe làm Thủ tướng
Tân Tổng thống Pháp chỉ định ông Edouard Philippe làm Thủ tướng

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15/5 đã chỉ định ông Edouard Philippe theo đường lối bảo thủ làm Thủ tướng mới của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN