Ngày 18/5, chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chuyến thăm đầu tiên tới Nhà Trắng và có kế hoạch tuyên bố về việc rút hết binh sĩ Pháp khỏi Ápganixtan vào cuối năm nay. Ông Hollande, với ít kinh nghiệm quốc tế, sẽ phải vận dụng mọi sự khôn khéo ngoại giao để giải quyết một loạt rắc rối chính trị mà ông gặp phải ở nước Mỹ.
Tổng thống Pháp Hollande và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng. Ảnh: Internet |
Thứ nhất, ông phải bảo vệ lợi ích của nước Pháp khi xây dựng mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama - nhân vật rất được ưa thích ở Pháp - nhưng dưới con mắt một số người trong chiến dịch tranh cử của ông Hollande thì ông Obama lại bị coi là quá thân thiết với người tiền nhiệm thuộc phái bảo thủ Nicolas Sarkozy.
Thứ hai, ông Hollande phải thuyết phục được các đối tác tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 diễn ra ở Trại David rằng thái độ cương quyết của ông trong việc xem xét lại hiệp ước ngân sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu sẽ không đẩy khu vực chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nợ.
Thứ ba, ông Hollande phải kiềm chế được sự tức giận có thể có tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Chicago (Mỹ) trước thông báo của ông về việc rút 3.300 quân Pháp khỏi Ápganixtan sớm hơn thời hạn 2 năm. Các nhà phân tích cho rằng việc này có thể tạo ra một tiền lệ xấu cho tân tổng tư lệnh Pháp và đặt ra các câu hỏi về việc liệu Pháp có sẵn lòng giữ đúng các cam kết với khối đồng minh hay không. Động thái của ông Hollande có nghĩa là Pháp sẽ rút quân sớm trước thời điểm đã được các nước đồng minh NATO thỏa thuận (2014), như vậy gánh nặng được chuyển sang cho các đồng minh khác và khiến họ có lý do để đẩy nhanh việc rút quân của mình.
Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp, yêu cầu giấu tên, cho biết Pháp đã không nhận được một phản hồi nghiêm túc nào từ các quan chức Mỹ về kế hoạch rút quân sớm của ông Hollande ngoại trừ việc họ nói không muốn Pari “tuyên truyền” ý tưởng rút quân nhanh của mình trong các nước đồng minh NATO ở Ápganixtan.
Một số nhà phân tích cho rằng, ông Hollande đang chơi không đúng luật khi tìm cách thương lượng lại những thỏa thuận mà Pháp đã cam kết dưới thời các đối thủ bảo thủ của ông. Nicholas Burns, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là giáo sư chính trị quốc tế và ngoại giao trường Kennedy, trực thuộc trường Đại học Harvard, nói: “Trong chính trị quốc tế, anh không chỉ đưa ra cam kết với tư cách một tổng thống hay một đảng phái chính trị mà là cam kết của một nước. Đó là những cam kết mà Pháp đã đưa ra.
Tôi cho rằng đây sẽ là một vấn đề gây chia rẽ, và nhiều người sẽ không hài lòng nếu ông ấy cứ tiếp tục với những cam kết trong chiến dịch tranh cử”. Theo ông Burns, việc quyết định thời điểm rút quân sớm là không phù hợp: Đúng vào lúc Mỹ đang cố gắng thương thuyết để kết thúc một cách hòa bình cuộc chiến giữa phe nổi dậy Taliban và chính quyền của Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai. Ông Burns, từng là đại sứ Mỹ ở NATO khi Mỹ bắt đầu sứ mệnh ở Ápganixtan năm 2003, nói: “Nếu Taliban tin rằng châu Âu đang vội vã rút quân trước năm 2014, có thể Taliban sẽ chờ chúng ta rút hết quân và không đàm phán một cách nghiêm túc bởi họ sẽ nghĩ rằng chúng ta sẽ rút hết khỏi đó. Cần phải có một nguyên tắc trong vấn đề này. Pháp là lãnh đạo trong NATO. Nếu đây là cách một trong những nước hùng mạnh nhất hành động thì nó sẽ ảnh hưởng tới cả khối một cách rất bất lợi”.
TTK