Ngày 22/6/2011, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố chính sách nới lỏng lượng hóa lần 2 (QE2) trị giá 600 tỉ USD kết thúc vào ngày 30/6, đúng theo kế hoạch ban đầu. Dù không đề cập tới việc khởi động một chính sách nới lỏng định lượng (bơm thêm tiền vào nền kinh tế) mới, trong tuyên bố của mình FOMC cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ và khi cần sẽ đưa ra biện pháp mới để kích thích kinh tế phục hồi. Theo các chuyên gia phân tích tài chính thì đây là một dấu hiệu mở đường cho việc FED đưa ra QE3. Sự việc bắt đầu dần trở nên sáng tỏ hơn vào ngày 11/8 vừa qua, khi người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng trong bối cảnh sự phục hồi của kinh tế Mỹ tồn tại nhân tố không xác định, việc kích thích tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ. Do vậy, ngày càng có nhiều người tin rằng FED sẽ nhanh chóng đưa ra QE3.
Kỳ 1: QE3 – tại sao không?
Về mặt lý thuyết, không gian chính sách cho việc đưa ra QE3 là rất hạn hẹp. Bất cứ chính sách giống nhau nào cũng khó có thể thoát khỏi quy luật giảm dần về tính hữu dụng. Trong thời gian thực thi, QE1 (bắt đầu năm 2008) kỳ thực đã phần nào giúp nền kinh tế Mỹ xoay chuyển được tình thế khó khăn gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Tác dụng này của QE2 (ra đời cuối năm 2010) đã bị giảm mạnh. Đặc biệt, vào thời kỳ cuối của QE2, kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu xấu đi ví dụ như tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ nhà bán được, giá trị đơn đặt hàng mới giảm xuống, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên. QE2 đã vậy, QE3 sẽ phát huy tác dụng ra sao rõ ràng là vấn đề khiến mọi người càng phải hoài nghi. Đó là chưa nói đến việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã mua vào một lượng lớn trái phiếu của Italia, Tây Ban Nha, tuyên bố sẽ tiếp tục mua và còn yêu cầu Đức và Pháp cùng tham gia vào hoạt động này, càng khiến không gian thực thi QE3 trở nên hạn hẹp hơn.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ xem xét kinh tế Mỹ không đơn thuần nhìn ở những con số. Kinh tế Mỹ luôn gắn với yếu tố chính trị và phục vụ cho chiến lược toàn cầu. Giới chức Mỹ nói họ ủng hộ chính sách đồng USD mạnh, nhưng trên thực tế lại bị dư luận cho là đang theo đuổi sách lược đồng USD yếu và QE chính là công cụ hữu hiệu khiến đồng USD bị giảm giá. QE3 ra đời, đồng USD tiếp tục yếu đi, Mỹ tiếp tục giành được lợi thế trong xuất khẩu từ đó tác động tích cực tới vấn đề việc làm. Trong khi đó, cùng với tăng trưởng kinh tế, vấn đề việc làm được cho là có ảnh hưởng quyết định đối với khả năng liên nhiệm của Tổng thống Barack Obama.
Ngoài ra, đồng USD yếu còn giúp giảm gánh nặng nợ nần của Mỹ. Ví dụ: 7 năm trước đây để mua một đồng USD nợ Mỹ, người Trung Quốc phải bỏ ra 8,11 đồng nhân dân tệ, nhưng với tỉ giá hiện nay, nếu bán một đồng USD nợ Mỹ họ chỉ thu về khoảng 6,4 đồng nhân dân tệ cộng thêm khoản lãi không đủ để bù đắp một phần trượt giá.
Khoảng 1.160 tỷ USD trong số khoảng 3.200 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện nay là bằng đồng USD, đủ cho thấy chỉ riêng trường hợp của Trung Quốc, người Mỹ đã thu được món lợi khổng lồ trong sách lược đồng USD yếu. Không những vậy, khi đồng USD yếu, dòng tiền sẽ tìm tới các loại kim loại quý để trú ẩn, trong đó chủ yếu là vàng, làm giá vàng tăng lên. Mỹ hiện là nước dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Giá vàng tăng đồng nghĩa với việc giá tài sản của Mỹ tăng lên và họ hoàn toàn có thể bán vàng ở mức giá cao để có thêm tiền bù đắp thâm hụt tài chính.
Trên phương diện quốc tế, sau khủng hoảng tài chính, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, đặc biệt là tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ... Mỹ đưa ra QE3 sẽ khiến thanh khoản dư thừa hay nói cách khác là gây ra cơn “sóng thần USD” và làm cho tình trạng lạm phát của thế giới trở nên trầm trọng hơn do giá hàng hóa cơ bản tăng cao.
Khi một số nền kinh tế mới nổi không chịu đựng được lạm phát, vai trò của nước Mỹ sẽ càng nổi bật, nhất là ở khía cạnh sở hữu đồng tiền phòng tránh rủi ro độc nhất thế giới và năng lực sáng tạo kinh tế. Nguồn tiền và tài nguyên của thế giới sẽ quay trở lại chảy vào Mỹ, giúp nền kinh tế Mỹ hồi sinh. Như vậy, thực chất của QE3, theo nhiều chuyên gia phân tích, là đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào tình trạng đổ vỡ để cứu lấy nền kinh tế Mỹ.
Tác hại của QE3 vì thế không thể nói là nhỏ và ở phạm vi hẹp. Vấn đề ở chỗ hiện nay không có một nước nào có thể thách thức được vai trò chính trị và kinh tế quốc tế của Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) vốn có thực lực nhất hiện nay lại đang bị bó buộc bởi vấn đề khủng hoảng nợ ngay trong lòng “lục địa già”.
Và họ cũng sẽ há miệng mắc quai vì hành động mua trái phiếu các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro nêu trên thực chất là nới lỏng định lượng. Trong khi đó, những nước tư bản già lại ít bị tác động bởi lạm phát do đồng USD giảm giá, hơn nữa còn có thể thu lợi trong sự đổ vỡ của các nền kinh tế mới nổi, cho nên, khả năng hợp tác với những nền kinh tế mới nổi đang chịu lạm phát cao để chống lại tác động của cơn “sóng thần USD” là vô cùng thấp. Thậm chí, ngay trong nội bộ các nền kinh tế mới nổi cũng có thể xuất hiện sự chia rẽ bởi những nước lớn về xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Nga và Braxin sẽ được lợi từ QE3, vì thế cũng rất khó để khẳng định là họ sẽ phối hợp đầy đủ với các nền kinh tế mới nổi theo mô hình sản xuất gia công như Trung Quốc, Ấn Độ để cùng chống lại tác động của việc Mỹ làm đồng USD suy yếu.
Nếu một nền kinh tế mới nổi nào đó chịu lạm phát cao, có kết cấu kinh tế mỏng yếu bị cơn “sóng thần USD” phá vỡ, khả năng gây ra phản ứng dây chuyền là khá cao, dẫn tới chấn động trên diện rộng ở các nền kinh tế mới nổi, thậm chí sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mới ở các nền kinh tế mới nổi. Đó là lúc QE3 “hoàn thành sứ mệnh”. Xuất phát từ nhu cầu phòng tránh rủi ro, dòng tiền trên toàn cầu sẽ ầm ầm đổ về Mỹ, cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ sẽ có được sự lắng dịu cơ bản. Đồng thời, sự đổ vỡ của hệ thống kinh tế dựa vào xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại, mang đến cơ hội lịch sử cho việc chấn hưng ngành kinh tế xuất khẩu của nước này.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)
Đón đọc kỳ 2: QE3 chưa ra, “QE2.5” đã xuất hiện