Theo Bloomberg, Malaysia – quốc gia sản xuất 65% nguồn cung găng tay cao su của thế giới – giờ đếm được ít nhất bốn tỷ phú mới xuất hiện trong ngành, trong đó chỉ năm nay đã có hai tỷ phú.
Ông Thai Kim Sim của tập đoàn Supermax là người mới nhất gia nhập câu lạc bộ tỷ phú găng tay cao su. Tài sản ròng của ông ước tính trị giá 1 tỷ USD khi giá cổ phiếu ở mức cao đầu tháng 6.
Nhu cầu găng tay cao su tăng vọt do dịch bệnh COVID-19 đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty sản xuất thiết bị bảo hộ tăng vọt, đột nhiên biến Malaysia thành điểm nóng trong sản sinh ra các cá nhân siêu giàu trong ngành.
Tập đoàn Top Glove, nhà sản xuất găng tay cao su lớn nhất thế giới, cùng hai công ty Hartalega Holdings Bhd. và Kossan Rubber Industries Bhd. cũng đều hưởng lợi. Nhưng với mức tăng doanh thu gấp 5 lần, sự trỗi dậy của Supermax đặc biệt đáng lưu ý.
Ông Walter Aw, nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu CGS-CIMB, nhận định: “Đeo găng tay với nhiều mục đích đã trở thành điều bình thường mới, đặc biệt là trong ngành bán lẻ và y tế. Nhu cầu sử dụng cao sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất về lâu dài. Supermax là một câu chuyện rất thú vị. Công ty này tự sản xuất sản phẩm, còn các công ty khác chủ yếu là nhà cung cấp”.
Ông Thai Kim Sim đã thành lập Supermax cùng vợ năm 1987, bắt đầu từ một doanh nghiệp bán găng tay cao su rồi chuyển sang sản xuất năm 1989. Supermax trở thành nhà sản xuất đầu tiên có nhãn hiệu găng tay riêng là Supermax để hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ trong tạo thương hiệu cho sản phẩm của Malaysia. Công ty này giờ xuất khẩu sang hơn 160 quốc gia và đáp ứng 12% nhu cầu toàn cầu về găng tay cao su. Ông Thái Kim Sim và thành viên gia đình sở hữu 38% công ty Supermax.
Tương tự kiểm tra thân nhiệt và giãn cách xã hội, sử dụng thiết bị bảo hộ đã trở thành điều bình thường khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới. Nhu cầu toàn cầu với găng tay cao su có thể tăng 11% lên 330 tỷ chiếc trong năm nay, trong đó 2/3 số lượng có thể có nguồn gốc từ Malaysia.
Malaysia đã trở thành cường quốc găng tay trong những năm 1980 khi nhu cầu bắt đầu gia tăng khi có dịch bệnh AIDS. Nhờ chi phí lao động thấp, các doanh nhân khởi nghiệp Malaysia có thể kinh doanh thuận lợi. Các đồn điền cao su ở Malaysia và ngành dầu lớn mạnh đã giúp các nhà sản xuất trong nước có nguồn cung để sản xuất thiết bị bảo hộ.
Top Glove tăng trưởng hơn ba lần trong năm 2020, nâng tài sản ròng của nhà sáng lập Lim Wee Chai lên 2,5 tỷ USD. Công ty này tăng 366% thu nhập ròng lên con số kỷ lục 81 triệu USD trong vòng ba tháng tính tới hết tháng 5 và doanh thu đạt mức cao mọi thời đại. Giám đốc điều hành Top Glove cho rằng thời kỳ tốt nhất vẫn chưa đến và dự báo tăng trưởng ngoạn mục hơn trong các quý sau.
Giá cổ phiếu của các đối thủ trong nước như Hartalega và Kossan Rubber cũng tăng gấp đôi năm 2020. Nhờ đó, giá trị cổ phần trong Hartalega mà sáng lập viên Kuan Kam Hon và gia đình nắm giữ đã tăng lên 4,8 tỷ USD. Còn ông Lim Kuang Sia của Kossan Rubber có tài sản ròng trị giá 1,1 tỷ USD và vừa trở thành tỷ phú mới năm nay.
Tuy nhiên, khi giá trị cổ phiếu tăng 394% trong năm 2020 tính tới 15/6, sự trỗi dậy của Supermax mới là không ai sánh kịp. Công ty này tăng doanh thu 24%, lên 447 triệu ringgit trong ba tháng tới hết tháng ba, một phần là nhờ nhu cầu tăng theo cấp số nhân đối với găng tay cao su do đại dịch.
Công ty này sản xuất 24 tỷ găng tay mỗi năm và đang cân nhắc tăng lên 44 tỷ chiếc tới năm 2024. Công ty đã mua thêm đất và tăng công suất sản xuất trong tháng này.
Dù vậy, việc ông Thai Kim Sim trở thành tỷ phú cũng không phải là không có tranh cãi. Ông này đã kháng cáo phán quyết năm 2017 nói rằng ông giao dịch nội gián năm 2007. Ông bị kết án 5 năm tù và bị phạt 5 triệu ringgit vì cung cấp thông tin không được công khai về APL Industries Bhd., một công ty mà Supermax giành quyền kiểm soát năm 2005.
Mặc dù phần lớn nhà phân tích đều đánh giá tích cực về Supermax và không ai khuyên bán cổ phiếu công ty này, nhưng một số người cho rằng các nhà sản xuất găng tay Malaysia có thể gặp rủi ro nếu các nước như Trung Quốc tăng cường sản xuất mặt hàng này. Dự báo trên của Ngân hàng Đầu tư Maybank tuần trước đã khiến cổ phiếu Supermax giảm 13% giá trị, mức suy giảm lớn nhất từ tháng 8/2018. Sau đó, cổ phiếu Supermax lại tăng 7,4% giá trị.
Hiện giờ, Supermax vẫn là một cái tên được nhà đầu tư yêu thích. Việc công ty tự sản xuất găng tay mang thương hiệu riêng có nghĩa là công ty có thể bán trực tiếp cho khách hàng sử dụng với giá cao hơn. Chuyên gia Aw cho rằng bùng nổ trong ngành sản xuất găng tay cao su có thể kéo dài kể cả khi đại dịch COVID-19 không còn hoành hành mạnh.
Ông Raymand Choo Ping Khoon thuộc công ty nghiên cứu Kenanga cũng cho rằng Supermax sẽ có những ngày tháng làm ăn tốt đẹp phía trước, không chỉ vì mức cầu bất thường và nguồn cung hạn hẹp, mà còn vì công ty thực hiện các kế hoạch mở rộng thận trọng. Việc mua thêm đất gần đây cho thấy công ty quyết tâm hướng tới tăng trưởng tương lai.