Bất chấp còn khá nhiều tranh cãi, 27 quốc gia thành viên EU cuối cùng đã đồng ý thêm một lần nữa hoãn Brexit. Quyết định gia hạn lần thứ ba này là một hành động khẩn cấp của EU, chỉ 3 ngày trước thời hạn Brexit ngày 31/10. Quyết định trên sẽ được chính thức hóa thông qua một thủ tục bằng văn bản vào chiều 29/10 hoặc ngày 30/10 nếu tất cả các nước thành viên EU không có ý kiến phản đối.
EU đưa ra một phương án gia hạn "linh hoạt", theo đó ấn định thời hạn được trì hoãn đến 31/1 năm tới, nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng Vương quốc Anh có thể "ra đi" ngay trong năm nay, vào ngày 30/11 hoặc 31/12 trong trường hợp thỏa thuận được quốc hội nước này phê chuẩn.
Pháp, về phần mình, cũng bảo lưu điều kiện cho việc gia hạn, là EU sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán lại nào về thỏa thuận đã đạt được với Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng thời Paris kêu gọi London đề cử ra một Ủy viên châu Âu.
Kết quả đạt được tại cuộc họp các đại sứ EU diễn ra sau hai ngày cuối tuần tham vấn căng thẳng, nhất là sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/10. Có vẻ với quyết định gia hạn Brexit lần thứ ba này, EU đang cố ngăn chặn một cuộc chia ly không thỏa thuận chắc chắn làm đảo lộn tình hình kinh tế của liên minh cũng như của Anh.
Nước Pháp đã rất miễn cưỡng đồng ý với khả năng trì hoãn lần thứ ba, khi phía Anh không đưa ra sự đảm bảo rằng khoảng thời gian này sẽ được sử dụng "một cách hữu ích" - ví dụ như để tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sớm.
Một quyết định gia hạn đáng lẽ phải được đưa ra từ ngày 25/10 tại Brussels, nhưng phía Pháp đã yêu cầu chờ kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh tối 28/10 về khả năng tổ chức một cuộc bầu cử sớm, dự kiến vào ngày 12/12.
Bằng cách sử dụng quyền phủ quyết, nước Pháp muốn tránh cho EU khỏi rơi vào tình trạng bị động, mà theo Paris, quyết định trên để "giữ gìn sự thống nhất" của 27 nước EU. Người châu Âu đã dành gần một năm rưỡi để đàm phán thỏa thuận đầu tiên với cựu Thủ tướng Anh Theresa May.
Nhưng cuối cùng EU cũng phải chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán với người kế nhiệm của bà May là ông Boris Johnson, trong đó hai bên mặc cả chủ yếu là trên vấn đề Bắc Ireland. Tuy nhiên, có vẻ sự kiên nhẫn của lãnh đạo và các nhà ngoại giao tại Brussels cũng như tại thủ đô các nước EU, cũng đã dần cạn kiệt.
Liệu quyết định gia hạn của 27 nước EU còn lại có giúp người Anh thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị sâu sắc mà họ đang bị mắc kẹt hay không? Phản hồi đầu tiên là cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh đối với ý tưởng tổng tuyển cử sớm vào tháng 12, cuộc bầu cử được cho có thể giúp khôi phục thế đa số cho đảng Bảo thủ cầm quyền và trao cho Thủ tướng Johnson thêm tầm ảnh hưởng ở quốc hội, từ đó ông có thể tập hợp được đa số để thông qua thỏa thuận Brexit mới.
Các nghị sĩ Anh tiếp tục bác bỏ đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Như dự đoán, ý tưởng này rất khó để được thông qua vì cần phải có được tối thiểu 2/3 số nghị sĩ (434 phiếu) đồng ý. Và thực tế những nỗ lực lần thứ ba của Thủ tướng Johnson khi kêu gọi một cuộc bầu cử như vậy chỉ thu được vẻn vẹn 299 phiếu.
Sau thất bại tại cuộc bỏ phiếu hôm 28/10, Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ một lần nữa đưa yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm ra trước hạ viện và lần này thì sẽ chỉ cần đạt được đa số thông thường, tức là tối thiểu 320 phiếu ủng hộ.
Như vậy là thời điểm Vương quốc Anh rời khỏi EU ngày 31/10 gần như chắc chắn sẽ bị hoãn lại, và Brexit vẫn đang trong thế giằng co khó đoán. Các nghị sĩ Anh chấp thuận nguyên tắc thỏa thuận Brexit của ông Boris Johnson, nhưng họ từ chối thời gian biểu bắt buộc mà ông muốn áp đặt, làm giảm hy vọng thực hiện lời hứa của ông về Brexit vào ngày 31/10.
Thủ tướng Johnson, người đã lớn tiếng hứa sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU bằng mọi giá vào ngày 31/10, đã liên tục yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử sớm để chấm dứt thế bế tắc chính trị đang khiến người dân ngày càng mất lòng tin, và ông đã lại thua trong cuộc cá cược mới nhất.
Một chính phủ “tê liệt”, không có được đa số tại quốc hội, với một thỏa thuận trong tình trạng lơ lửng tại Hạ viện Anh và cũng chưa thể tìm thấy lối thoát khẩn cấp thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu thỏa thuận Brexit không quả được “ải” quốc hội, ông Johnson có thể tiếp tục trì hoãn Brexit, và một Brexit “cứng” hoàn toàn không tránh khỏi.
Trong ba năm rưỡi, Brexit đã tạo ra vô số khúc quanh bất ngờ. Cuộc "ly dị" giữa Vương quốc Anh với EU đã nếm trải những chao lắc trên mọi cung bậc. Tới thời điểm này, Thủ tướng Anh Johnson, người vẫn tỏ ra bất lực trong việc hóa giải những bất đồng sâu sắc với quốc hội, khẳng định không thể thoát ra khỏi cuộc xung đột chính trị đang làm tê liệt đất nước.
Chính trường Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 vẫn chia rẽ, các chính trị gia Anh liên tục tranh cãi về việc làm thế nào và khi nào "ly hôn", hoặc thậm chí liệu có nên "ly hôn" hay không, còn EU thì dường như quá mệt mỏi với những tính toán và lựa chọn, vốn ban đầu được cho có thể giúp tháo gỡ bế tắc, song cuối cùng chưa đi tới đâu.
Hơn 3 năm trước, việc một thành viên gạo cội như Anh muốn "dứt áo ra đi" đã từng là một đòn giáng mạnh vào uy tín của EU, song "mớ bùng nhùng" mà Brexit tạo ra kể từ đó có lẽ mới thực sự là "cơn ác mộng" của EU, và đương nhiên, của cả nước Anh.