Cảng hàng hóa Long Beach, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thuế quan là một loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác. Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới, với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu lên tới 3,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Ông Trump coi thuế quan như một công cụ để thúc đẩy sản xuất nội địa, gây áp lực lên các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu Mỹ. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu có thể chuyển chi phí thuế quan cho người tiêu dùng, làm tăng giá hàng hóa.
Mức thuế 25% mà ông Trump đưa ra sẽ áp dụng cho tất cả thép và nhôm nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 4/3. Lệnh này sẽ chấm dứt các miễn trừ trước đó dành cho một số quốc gia và tăng thuế suất đối với cả hai loại kim loại này lên 25% (mức thuế đối với nhôm trước đây là 10%). Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ, đặc biệt là những quốc gia cung cấp lượng thép và nhôm lớn nhất.
Những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất
Nhôm được sản xuất tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét kỹ lưỡng yêu cầu từ Australia về việc miễn thuế thép, do quốc gia này có thâm hụt thương mại với Mỹ.
Khoảng 1/4 lượng thép sử dụng tại Mỹ được nhập khẩu. Trong đó, Canada, Brazil và Mexico là các nhà cung cấp chính, theo sau là Hàn Quốc và Việt Nam. Vào năm ngoái, Mexico và Canada chiếm khoảng 40% tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ.
Đồng thời, gần một nửa lượng nhôm sử dụng tại Mỹ là nhập khẩu. Canada là nhà cung cấp nhôm nguyên sinh lớn nhất cho Mỹ, chiếm tới 79% tổng nhập khẩu nhôm vào Mỹ tính đến tháng 11/2024. Mexico cũng là một nhà cung cấp lớn, chủ yếu cung cấp phế liệu nhôm và hợp kim nhôm.
Quyết định áp thuế của ông Trump đã gây lo ngại cho ngành công nghiệp thép tại Hàn Quốc, quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ tư vào Mỹ, sau Canada, Brazil và Mexico. Quyền Tổng thống Hàn Quốc, ông Choi Sang-mok, đã triệu tập các quan chức cấp cao trong tuần này để thảo luận về tác động tiềm tàng của động thái này đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, cũng như các phản ứng có thể có, theo thông tin từ hãng tin Yonhap.
Một quan chức từ Posco, nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc, cho biết công ty đang theo dõi sát sao tác động của thuế quan mới.
“Hàn Quốc đã tuân thủ hệ thống hạn ngạch nghiêm ngặt, vì vậy có khả năng mức thuế 25% mà Tổng thống Trump công bố sẽ chỉ áp dụng đối với các quốc gia không áp dụng hạn ngạch. Do chưa có quyết định cuối cùng, chúng tôi chỉ còn cách chờ đợi và đánh giá tình hình một cách cẩn thận”, quan chức này chia sẻ với tờ Korea Herald.
Ngành công nghiệp nhôm của Hàn Quốc cũng đang “nín thở”, khi xuất khẩu lá nhôm sang Mỹ chiếm gần 1/3 tổng lượng nhôm xuất khẩu của nước này.
Phản ứng từ các quốc gia đối tác
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Trong khi đó, tại Canada, Bộ trưởng Công nghiệp nước này, ông Francois-Philippe Champagne, chỉ trích quyết định thuế quan của Mỹ, cho rằng động thái này “hoàn toàn không hợp lý”. Ông nhấn mạnh rằng thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Mỹ, bao gồm quốc phòng, đóng tàu, năng lượng và ô tô.
“Điều này giúp Bắc Mỹ trở nên cạnh tranh và an toàn hơn. Chúng tôi đang tham khảo ý kiến của các đối tác quốc tế để xem xét các chi tiết. Phản ứng của chúng tôi sẽ rõ ràng và có cân nhắc”, ông Champagne cho hay.
Về phần mình, khi được hỏi về các mối đe dọa trả đũa từ các quốc gia khác đối với mức thuế quan mới, Tổng thống Trump trả lời: “Tôi không bận tâm”.
Thực tế, trước khi nhậm chức, ông Trump đã cảnh báo áp thuế đối với ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - Trung Quốc, Mexico và Canada. Sau khi áp dụng các mức thuế này vào tuần trước, ông Trump đã đồng ý hoãn mức thuế 25% đối với Mexico và Canada thêm một tháng, trong khi vẫn duy trì mức thuế 10% đối với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Vào ngày 10/2, ông Trump cho biết ông sẽ công bố kế hoạch áp thuế đáp trả các quốc gia đã áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ trong vòng hai ngày tới. Ông cũng đề cập đến khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối với ô tô, chip bán dẫn và dược phẩm từ các thị trường toàn cầu.
Mặc dù việc áp thuế có thể thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ, các nhà quan sát cho răng việc thực hiện chính sách này cần phải được cân nhắc thận trọng, với các biện pháp hỗ trợ kèm theo cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, Mỹ cần duy trì đối thoại với các đối tác thương mại quốc tế để tránh các phản ứng tiêu cực có thể làm xói mòn các mối quan hệ kinh tế quan trọng và gây tổn hại lâu dài đến các ngành công nghiệp.
Theo đó, động thái áp thuế mới của ông Trump có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn như Trung Quốc, Canada, Mexico và Liên minh Châu Âu. Việc áp thuế có thể khiến các quốc gia này trả đũa, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như ô tô, công nghệ, hoặc nông sản. Do đó, Mỹ cần phải chuẩn bị sẵn các biện pháp đối phó và giải quyết các tranh chấp thương mại qua các kênh đàm phán, thay vì chỉ dựa vào chính sách thuế quan.