Mạng tin "Citywire" (Anh) ngày 25/2 có bài phân tích cho rằng tình hình bất ổn chính trị ở Trung Đông hiện nay có thể so sánh với cuộc khủng hoảng dầu mỏ cũng ở khu vực này trong thập niên 80, đẩy giá vàng thế giới lên mức cao kỷ lục.
Giá vàng tuần này đã vượt mức 1.400 USD/ounce cùng với diễn biến ngày càng nóng ở Libi. Sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi cam kết tiếp tục lãnh đạo đất nước, nhiều người lo sợ làn sóng biểu tình sẽ lan rộng ra toàn bộ Bắc Phi, dường như giá vàng chỉ còn lại một kịch bản tăng giá trong tương lai gần.
Trở lại thời kỳ năm 1980, giá vàng từng tăng vọt lên 850 USD/ounce (tương đương 2.400 USD/ounce hiện nay nếu tính trượt giá) khi bất ổn chính trị bùng phát tại Trung Đông. Thế giới phát sốt cùng với cuộc tấn công của Liên Xô vào Ápganixtan, cuộc cách mạng ở Iran và sau đó là cuộc chiến tranh Iran-Irắc.
Cuộc bạo động tại Libi hiện đã đẩy giá dầu mỏ lên 120 USD/thùng và ngân hàng Nomura cảnh báo giá có thể lên tới 220 USD/thùng nếu Libi và Angiêri ngừng khai thác dầu. Nếu kịch bản này diễn ra nó sẽ có một tác động cực lớn tới lạm phát và đẩy giá vàng cao hơn nữa. Rất dễ để thấy cú sốc giá dầu mỏ là một nhân tố chủ yếu thúc đẩy giá vàng. Tuy nhiên, tại thời điểm này khả năng giá dầu vượt ngưỡng 220 USD/thùng vẫn còn khá xa.
Theo công ty tư vấn Capital Economics, có một điểm khác biệt lớn giữa hai cuộc khủng hoảng năm 1980 và hiện nay đó là yếu tố lạm phát. Lần trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt 15% ở Mỹ và 22% ở Anh. Lần này chỉ số CPI hiện đang là 3% ở Mỹ và 5% ở Anh sẽ không tăng đến mức như lần trước.
Một điểm khác biệt lớn nữa đó là trong lần khủng hoảng trước sản lượng vàng thế giới tập trung vào Nam Phi – nước chiếm tới 70% sản lượng toàn cầu, trong khi các quốc gia khác như Ôxtrâylia, Pêru và Udơbêkixtan không một nước nào chiếm quá 10%.
Tuy nhiên, nếu xét một số yếu tố kinh tế khác, trong cuộc khủng hoảng hiện nay tình hình có thể còn thuận lợi hơn cho giá vàng. Nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rất khó khăn để thoát khỏi suy thoái. Thu nhập của người dân còn kém xa so với thời điểm trước khi xảy ra suy thoái. Có thể các nước sẽ phải tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần để chống lạm phát, nhưng mức tăng sẽ không lớn.
Chuyên gia Julian Jessop của công ty Capital Economics nhấn mạnh tới yếu tố này: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường nghi ngờ nghiêm trọng về uy tín của chính phủ và các tổ chức tài chính đối với các giấy tờ vay nợ của họ. Ít nhất, lãi suất chắc chắn sẽ thấp ở các nền kinh tế phát triển, tức chi phí cơ hội để nắm giữ các tài sản không đẻ lãi suất như vàng là rất thấp.
Ngoài ra, các đợt nới lỏng tín dụng của chính phủ sẽ chưa thể sớm dừng lại, càng củng cố địa vị của vàng như một loại tài sản lưu động chính. Xu hướng này càng được khẳng định bởi thực tế các ngân hàng trung ương đã trở thành đối tác mua ròng trên thị trường vàng lần đầu tiên trong 21 năm qua, cộng thêm nhu cầu vàng tăng nhanh ở các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông trôi qua nhanh chóng, khả năng sẽ có nhiều cú sốc tài chính khác có thể đẩy giá vàng lên cao. Có thể kể tên bao gồm nguy cơ bùng nổ khủng hoảng tài chính công ở Nhật Bản, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tình hình khu vực đồng euro vẫn chưa sáng sủa. Nếu lần này lạm phát không tăng vọt, giảm phát sẽ xuất hiện và để lại một hậu quả tàn phá không kém đối với giá vàng.
Có thể lạm phát yếu sẽ ngăn chặn giá vàng không tăng lên mức kỷ lục của thời kỳ 1980, nhưng có thể chạm rất sát. Chuyên gia Jessop cho rằng giá vàng sẽ đạt 1.600 USD/ounce vào cuối năm nay và có thể lên đến 2.000 USD vào năm 2012.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)