Nếu mọi việc diễn ra đúng như dự kiến, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2021 (nếu tính theo giá trị đồng USD hiện nay, trên thực tế có thể sớm hơn). Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ gần đạt mức của những nước có thu nhập cao hiện nay. Nhưng bất chấp đà tiến bộ này, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ ngày càng tăng trong thập kỷ tới.
Giá bất động sản ở Trung Quốc có chiều hướng giảm do những chính sách điều tiết của chính phủ. Ảnh: Internet |
Theo mạng tin "Project syndicate", nguy cơ trước mắt là sự tiếp tục đình đốn hoặc suy thoái tại châu Âu. Trong thập kỷ vừa qua, sự tăng trưởng xuất khẩu đã chiếm tới gần 1/3 mức tăng trưởng kinh tế chung của Trung Quốc, và khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc được đưa sang Liên minh châu Âu (EU). Nếu tình hình tại châu Âu tiếp tục xấu đi, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm sút.
Việc siết chặt quá mức các chính sách kinh tế vĩ mô trong nước, nhất là những chính sách nhằm vào thị trường bất động sản, có thể làm tăng nguy cơ suy giảm, với giá nhà hiện đang giảm trên toàn quốc do những biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ. Tình hình hiện nay khá giống với trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong vài năm trước khủng hoảng, Trung Quốc đã phải đấu tranh chống lạm phát và dường như đang hướng đến một sự hạ cánh nhẹ nhàng. Nhưng sự kết hợp giữa khủng hoảng và các chính sách khắc khổ đã khiến Trung Quốc bị giảm phát vài năm và làm giảm đáng kể tăng trưởng.
Hiện nay, khi Trung Quốc đang hướng về trung hạn, chính phủ phải đối mặt với những khó khăn do vai trò của họ trong nền kinh tế tạo ra. Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra việc thiếu cải cách các doanh nghiệp nhà nước là trở ngại quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Nhưng đó chỉ là triệu chứng của một vấn đề sâu xa hơn: Vai trò chi phối của chính phủ trong các vấn đề kinh tế. Ngoài việc kiểm soát trực tiếp 25 - 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chính phủ cũng nắm cổ phần lớn trong các nguồn lực tài chính. Trong những năm gần đây, hơn 1/3 tổng lượng tiền cho vay của các ngân hàng được đổ vào cơ sở hạ tầng, chủ yếu do các thể chế chính phủ xây dựng. Do nhận thức được sự đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng, mới đây, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ một số dự án đường sắt cao tốc. Nhưng sự đầu tư quá mức của chính phủ vẫn thể hiện rõ trong nhiều khu công nghiệp và công nghệ cao.
Cơn sốt đầu tư của Trung Quốc nhắc nhiều người nhớ tới Nhật Bản những năm 1980, khi hệ thống đường sắt cao tốc được mở rộng, vươn tới những nơi xa xôi nhất tại Nhật Bản, chủ yếu nhờ trợ cấp của chính phủ. Mặc dù các khoản trợ cấp này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong một số lĩnh vực, song chúng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống khi làm giảm tiêu dùng trong nước. Việc giảm tiêu thụ sẽ bóp chết sự phát triển tương lai, và phần tiêu thụ của các hộ gia đình Trung Quốc trong GDP đã giảm từ mức 67% hồi giữa năm 1990, xuống dưới 50% trong những năm gần đây.
Trung Quốc tập trung phát triển sản xuất; mặt tốt là góp phần nâng cao mức tăng trưởng GDP nhưng cũng có mặt xấu là làm gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập. Từ bất bình đẳng về thu nhập dẫn đến bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục. Trong khi giáo dục ở thành thị được cải thiện đáng kể, thì chất lượng giáo dục ở nông thôn lại giảm sút, do phần lớn giáo viên giỏi đều tìm đường về thành phố. Hậu quả là đa số trẻ em nông thôn sẽ gia nhập lực lượng lao động trình độ thấp.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)