Những lý do khiến Mỹ đấu dịu với Ai Cập

Mới đây, trong một cuộc gặp Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rằng tháng 11/2014 Mỹ sẽ cung cấp cho Ai Cập 10 máy bay lên thẳng Apache trong một thương vụ đã bị ngừng từ hơn một năm nay.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Cairo ngày 13/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo tờ "Chính trị thế giới", thực ra Ai Cập không phải bỏ ra đồng nào trong vụ này, vì số máy bay lên thẳng đó nằm trong khoản viện trợ 1,5 tỷ USD của Mỹ dành cho Ai Cập hàng năm, trong đó khoảng 1,3 tỷ USD là viện trợ quân sự. Thế nhưng, Mỹ đã ngừng tạm thời cung cấp viện trợ quân sự cho Ai Cập, nhất là việc cung cấp 10 máy bay lên thẳng Apache sau khi có những bất đồng với Cairo về vụ phế truất Tổng thống Mohamad Morsi hồi đầu tháng 7 năm ngoái. Trong chuyến thăm Cairo hồi cuối tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Kerry đã thông báo sẽ cung cấp 572 triệu USD viện trợ quân sự cho quốc gia này, nhưng vẫn từ chối cung cấp máy bay lên thẳng.

Vậy tại sao quyết định chuyển giao số máy bay lên thẳng trên lại diễn ra vào lúc này? Trước hết, người ta nhìn nhận đây như một cử chỉ hòa dịu của người Mỹ đối với Ai Cập, và nó nằm trong sự trao đổi lợi ích giữa Ai Cập và Mỹ. Mọi việc đã bắt đầu cách đây chưa lâu với cuộc họp ở Jeddah, Saudi Arabia, được tổ chức theo lời đề nghị của Mỹ, để xem xét các phương tiện hành động nhằm đối phó với tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Khi đó, và cả bây giờ cũng thế, Mỹ rất cần Ai Cập trong một liên minh chống IS cho dù sự tham gia của Ai Cập thậm chí chỉ mang tính biểu tượng. Mỹ cần sự có mặt của Ai Cập trong liên minh này vì đây là quốc gia Hồi giáo dòng Sunni lớn nhất trong khu vực Trung Đông.

Ngược lại, sự có mặt trong liên minh này của Ai Cập để chống lại IS cũng không phải là không mang lại gì cho Cairo. Ngay sau khi đồng ý tham gia, việc đầu tiên Ai Cập làm là yêu cầu các biện pháp chặt chẽ được thực hiện chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo ở Qatar tương tự như chống IS. Ngoài ra, Ai Cập yêu cầu “đánh đổi” sự tham gia của mình với việc Mỹ phải cung cấp máy bay lên thẳng Apache mà nước này rất cần trong cuộc chiến chống khủng bố ở bán đảo Sinai.

Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa hai Tổng thống Barack Obama và Abdel-Fattah Al-Sisi hồi tháng trước bên lề phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 đã chính thức thông qua những gì hai bên đã thỏa thuận trước đó tại Jeddah. Theo thỏa thuận này, Ai Cập tham gia liên minh chống IS để đổi lấy việc cung cấp máy bay lên thẳng cũng như việc Mỹ và các nước phương Tây tìm cách gây khó dễ với Qatar trong việc chống lưng cho tổ chức Anh em Hồi giáo, kẻ thù của chính quyền hiện nay ở Ai Cập.

Không chỉ có thế, nhiều người cho rằng ngoài việc tập trung chống IS, những sự cân nhắc khác cũng được tính đến trong việc trao đổi lợi ích giữa hai nước, trong đó, rất có thể là Ai Cập đã yêu cầu Mỹ thay đổi thái độ đối với Libya. Có tin nói Mỹ đang chủ trương mở một cuộc đối thoại với tất cả các phe phái Libya, kể cả phe Hồi giáo để tìm cách giải tỏa nỗi lo của Ai Cập, sợ rằng Libya rơi vào tay của một chính quyền Hồi giáo. Ai Cập muốn bảo vệ biên giới phía Tây của mình, nơi thời gian qua liên tục diễn ra các cuộc tấn công chống quân đội chính phủ. Như vậy, Mỹ có thể nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc tấn công phòng ngừa của quân đội Ai Cập nhằm ngăn chặn bọn khủng bố từ Libya vào lãnh thổ Ai Cập. Đổi lại, Ai Cập có thể hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực trao đổi thông tin và tin tức tình báo về Libya.

Một nhân tố khác đằng sau việc cung cấp máy bay lên thẳng này là sự xích lại gần nhau giữa Ai Cập và Nga khiến Mỹ lo ngại, và chính mối lo này đã thúc đẩy Washington xúc tiến ngay việc cung cấp máy bay trên. Trước đó, do Mỹ ngừng cung cấp viện trợ quân sự, Ai Cập đã hướng tới Nga và ký với Nga các thỏa thuận về mua bán vũ khí với tổng giá trị 3,5 tỷ USD hồi tháng 9 vừa qua.

Mỹ không muốn Ai Cập rơi vào vòng tay của Nga, càng không muốn bị mất một đồng minh chiến lược như Ai Cập, và đấy là một trong những lý do quan trọng nhất khiến Washington thay đổi thái độ theo hướng "hết sức hòa dịu" với Cairo.


Phạm Phú Phúc

Mỹ sẽ chuyển giao 10 trực thăng Apache cho Ai Cập
Mỹ sẽ chuyển giao 10 trực thăng Apache cho Ai Cập

Mỹ có kế hoạch chuyển giao 10 máy bay trực thăng Apache cho Ai Cập để trợ giúp Cairo trong nỗ lực chống khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN