Những lãnh đạo cứng rắn nhất với Joe Biden nếu ông lên làm Tổng thống Mỹ

Lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức lên tiếng chúc mừng ông Biden - người được báo chí, truyền thông Mỹ xác định là “người thắng cử” trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua. Đây cũng là những nhà lãnh đạo được đánh giá là “cứng rắn” nhất đối với ông Biden nếu ông lên nắm quyền.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo nhiều nước trên khắp thế giới đã gửi lời chúc mừng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà nguyên thủ chưa lên tiếng và sự im lặng của họ cho đến thời điểm này báo hiệu đây chính là những đối thủ “khó nhằn” ông Biden phải đối mặt một khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng.

1. Trung Quốc: Năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình sớm gửi lời chúc mừng đến ông Trump. Nhưng năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như né tránh kích động tổng thống đương nhiệm Mỹ, người vẫn đang đấu tranh, chưa chịu chấp nhận kết cục bầu cử.

Các trang mạng truyền thông bằng tiếng Anh tại đại lục phát đi thông điệp, giọng điệu kỳ vọng. Nhưng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung được dự đoán sẽ còn tiếp diễn dưới thời ông Biden. Giới cố vấn cho chính phủ Trung Quốc nhận định, chính quyền Biden sẽ tìm cách ngăn chặn bước đi quyết liệt của Bắc Kinh. 

Nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden có thể sẽ tiếp tục theo đuổi thắt chặt quan hệ với Đài Loan/Trung Quốc, xem đây là vấn đề song phương nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

2. Triều Tiên: 

Kết nối cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đã góp phần thay đổi tiến trình quan hệ song phương, từ chỗ chỉ trích, xúc phạm nhau chuyển sang một kiểu quan hệ mới lạ được đặc trưng bằng những cái bắt tay và những lá thư nồng ấm. 

Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục im lặng trước kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây cũng không phải là điều quá bất ngờ. Từ năm 1996 đến nay, Bình Nhưỡng chưa bao giờ đề cập đến người chiến thắng trong bầu cử ở Mỹ sau khi kết thúc kiểm phiếu. 

3. Nga: Ông Putin có lẽ là nhà lãnh đạo có vai trò tác động, ảnh hưởng nhiều nhất tới thời gian nắm quyền của ông Trump. Đương kim Tổng thống Mỹ liên tục phải đối mặt với cáo buộc đội tranh cử của ông năm 2016 thông đồng với Nga, thắng cử nhờ vào chiến dịch truyền thông sai lệch của Nga cũng như trợ giúp của tình báo Nga. 

Việc ông Trump từ chối lên án ông Putin khiến ông chủ Nhà Trắng vấp phải búa rìu chỉ trích ngay trong nước Mỹ.

 Giờ đây, Nga có thể sẽ phải quay trở lại xu hướng đối đầu mạnh hơn từ Mỹ dưới thời Joe Biden. 

4. Thổ Nhĩ Kỳ: Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là người được hưởng lợi lớn từ cách tiếp cận phi truyền thống của Trump đối với Trung Đông và cuộc chiến tại Syria. 

Tính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền lãnh đạo của ông Erdogan vẫn né được trừng phạt của Mỹ trước thương vụ Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Ông cũng thuyết phục được người đồng cấp Donald Trump rút quân Mỹ khỏi những khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria và thay vào đó là lực lượng thân Ankara, một động thái khiến giới quan sát quân sự bất ngờ. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Donald Trump tại một cuộc gặp đối mặt. Ảnh: Getty Images

Năm 2019, ông Trump từng nhận xét về nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ như sau: “Tổng thống Erdogan là người cứng rắn, nhưng tôi vẫn duy trì được quan hệ tốt với ông ấy”.  Ngược lại, ông Biden, người trước đó từng kêu gọi Mỹ cần ủng hộ đảng phái đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ theo đuổi thực thi cấm vận chống ông Erdogan. 

5. Brazil: Tổng thống theo đường lối dân túy Jair Bolsonaro, người được xem là một bản sao của Donald Trump, lâu nay bày tỏ hy vọng đương kim Tổng thống Mỹ sẽ tái đắc cử. Ngay sau khi ông Biden có bài phát biểu hôm 7/11 đề cập đến chiến thắng, ông Bolsonaro có bình luận ngắn về tình hình Mỹ và chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng không đề cập gì tới chiến thắng của ông Biden. 

“Chúng tôi quan tâm đến chính sách đối ngoại, chúng tôi có những ưu tiên của mình và những gì xảy ra ở bên ngoài đều có ảnh hưởng đến mỗi người dân tại Brazil. Tôi không phải là người quan trọng nhất ở Brazil, cũng như ông Trump không phải là người quan trọng nhất trên thế giới – như lời ông ấy từng nói”, ông Bolsonaro nêu quan điểm. 

6. Mexico: Phát biểu trước báo giới ngày 7/11, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông không muốn bị lố trong việc chúc mừng ông Biden và “muốn chờ đến khi tiến trình bầu cử tại Mỹ kết thúc” mới đưa ra phản ứng chính thức. 

Bất chấp ông Trump mở chiến dịch xây dựng tường biên giới ở phía nam cũng như quy trách nhiệm cho chính quyền Mexico để người di cư các nước Trung Mỹ tự do tràn tới khu vực biên giới Mỹ-Mexico, đương kim Tổng thống Mỹ mô tả quan hệ giữa ông với người đồng cấp Obrador là “thật tuyệt vời”. 

Hai nhà lãnh đạo dường như cũng hài lòng trước quan hệ cá nhân thân thiện được củng cố bởi việc Mexico nỗ lực chặn người di cư Trung Mỹ và sẵn sàng tái đàm phán về Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông Obrador cũng là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo thế giới tới Washington D.C giữa thời điểm đại dịch COVID-19 lây lan mạnh và có cuộc gặp trực tiếp với ông Trump. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)
Các mốc thời gian quan trọng sau ngày bầu cử Mỹ
Các mốc thời gian quan trọng sau ngày bầu cử Mỹ

Truyền thông Mỹ đã tuyên bố ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này. Tuy nhiên, đương kim Tổng thống Donal Trump cáo buộc “có gian lận bầu cử” và cam kết theo đuổi cuộc chiến pháp lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN