Nhìn lại gần 5 năm cầm quyền của người đứng đầu nội các Nhật Bản, có thể thấy dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhất là mặt đối ngoại, nhưng chính quyền Abe vẫn còn nhiều việc dang dở phải hoàn thành.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với báo giới tại Tokyo ngày 28/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nhật báo Nikkei, cho biết sau khi lên nắm chính quyền lần 2 vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã đưa ra chính sách kinh tế "Abenomics" với mục tiêu lớn nhất là đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát, trong đó thi hành các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hạ giá đồng yên.
Sau một thời gian, Nhật Bản đã thành công trong việc làm cho đồng yên hạ giá và nâng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhờ đó, sức tiêu thụ đã tăng trở lại, lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật ngày càng tăng, thu nhập của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng nhanh chóng, giúp nền kinh tế Nhật Bản dần thoát khỏi khó khăn.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản (trừ các doanh nghiệp tài chính và bảo hiểm) trong tài khóa 2016 đạt mức 74 nghìn tỷ yên (khoảng 700 tỷ USD), tăng 60% so với 5 năm trước và là năm thứ 4 tăng liên tục.
Bên cạnh các chính sách tài chính, chính quyền Abe cũng nỗ lực bắt tay vào việc nới lỏng các quy chế để nâng mức tăng trưởng của nền kinh tế. Để thu hút lao động nước ngoài có kiến thức và tay nghề cao, Chính phủ Nhật Bản cho phép những người này khi ở Nhật Bản trên một năm sẽ có quyền nộp đơn xin ở lại cư trú. Đồng thời, dựa trên các đặc khu chiến lược quốc gia tại một số địa phương, Tokyo cũng thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, giải phóng gánh nặng cho các đô thị lớn, bãi bỏ lệnh cấm doanh nghiệp sở hữu đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế cao cấp Miyasaki Kosunari của Công ty chứng khoán SMBC Nikko, việc đồng yên hạ giá cũng khiến các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm, tăng giá nhanh và gây áp lực đến cuộc sống của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% từ tháng 4/2014 càng tạo ra gánh nặng cho người dân. Sau các cuộc đàm phán, tiền lương trả cho người lao động từ năm 2014 đã tăng lên khoảng 2%, tuy nhiên con số này vẫn không thể đuổi kịp tốc độ tăng của vật giá và khiến sức tiêu thụ trong nước dần giảm sút.
Về mặt đối ngoại, thành tựu lớn nhất của Thủ tướng Abe là đã thiết lập được mối quan hệ mật thiết với đồng minh Mỹ. Quan hệ quốc phòng, an ninh cũng tiếp tục được củng cố với việc sửa đổi phương châm hợp tác quốc phòng. Bên cạnh đó, Bộ luật an ninh mới tại Nhật Bản cũng cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này được mở rộng quyền hạn và thừa nhận quyền phòng thủ tập thể. Ngoài ra, việc ổn định chính quyền thời gian qua cũng mang lại nhiều thuận lợi cho thế trận ngoại giao của Tokyo.
Mặc dù vậy, quan hệ căng thẳng với Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư vào năm 2012. Quan hệ với Hàn Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề xung quanh tranh cãi về chủ quyền tại quần đảo Takeshima mà Seoul gọi là Dokdo cũng như vấn đề "phụ nữ mua vui".
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Mitoji Yabunaka, chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe rõ ràng đã tạo được những thành quả rất đáng chú ý. Vấn đề của chính quyền Abe trong thời gian tới là phải đồng thời tiếp tục củng cố quan hệ hữu hảo với Mỹ và các nước ASEAN, trong khi cũng phải cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc.