Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút quân khỏi một số vị trí then chốt dọc biên giới miền Bắc Syria đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Syria, song lại đang gây bất đồng trên chính trường Mỹ và khiến dư luận lo ngại vấn đề Syria có thể vượt tầm kiểm soát.
Khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền Bắc Syria, nơi tập trung lực lượng người Kurd, càng hiện hữu rõ hơn bao giờ hết khi Ankara ngày 9/10 đã hoàn tất việc triển khai quân và vũ khí tới sát biên giới. Thậm chí, một số nguồn tin còn cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến vào lãnh thổ Syria.
Tuyên bố của Tổng thống Trump lực lượng Mỹ khỏi Đông Bắc Syria, dù khá bất ngờ, song vẫn được hiểu là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông năm 2016, rằng sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh sa lầy trong những cuộc chiến hao người tốn của.
Bởi vậy, tuyên bố rút quân này có thể cũng để "dọn đường" cho tiến trình của Tổng thống Trump hướng tới cuộc bầu cử năm 2020. Sau khi tuyên bố đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, Mỹ đã từng bước điều chỉnh chính sách quân sự tại Syria theo hướng giảm hiện diện quân sự của Washington.
Hồi tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria, một động thái được cho là dẫn tới sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khi đó là ông John Bolton.
Khi đưa ra quyết định đầy tính toán cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng chỉ khẳng định rằng Mỹ đã thất bại tại Trung Đông, nơi Washington đã chi đến 2.000 tỉ USD, 7.000 lính đặc nhiệm thiệt mạng và hơn 300.000 nạn nhân là thường dân.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Bắc Syria lâu nay vốn được coi như "rào chắn" ngăn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd, đồng minh quan trọng của Mỹ song bị Ankara coi như khủng bố.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tranh cãi về số phận các tay súng người Kurd, song trước đây Washington luôn bảo vệ họ bởi Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được coi là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược Đông Bắc Syria.
Trên thực tế, quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Đông Bắc Syria đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự vào Syria, như Ankara vẫn cảnh báo. Chuyên gia Will Todman thuộc Chương trình Trung Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định quyết định của Tổng thống Trump vì lý do đó được xem là hành động "bỏ rơi" đồng minh, đi ngược lại với những khuyến nghị của các cố vấn cấp cao của ông tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ về việc duy trì sự hiện hiện của một nhóm nhỏ quân đội Mỹ tại Đông Bắc Syria nhằm tiếp tục các chiến dịch chống IS.
Nhiều ý kiến lo ngại việc Mỹ rút quân trong thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo mở chiến dịch tấn công trên bộ và trên không ở miền Bắc Syria sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường, mà trước hết cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị suy yếu, các lực lượng khủng bố cực đoan có cơ hội tập hợp lực lượng và IS có thể hồi sinh.
Lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, một khi đơn độc đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ không còn rảnh tay chiến đấu chống tàn quân IS và phải thả 10.000 chiến binh IS đang bị giam giữ ở các địa điểm do người Kurd kiểm soát, đây đúng là "cơn ác mộng", đặc biệt đối với châu Âu.
Về phía nội bộ Mỹ, nhiều nghị sĩ coi việc rút quân khỏi Đông Bắc Syria không chỉ là sự nhân nhượng thái quá đối với Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn đánh dấu một "bước lùi" khiến Mỹ trở nên yếu thế hơn Nga hay Iran ở khu vực Trung Đông. Giới chức quân sự Mỹ lâu nay vẫn cho rằng việc giữ lực lượng Mỹ ở Syria nói chung và miền Bắc nói riêng có thể tạo đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của Syria như Nga và Iran.
Ở khía cạnh khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lo ngại rằng sự rối loạn trong tuyên bố của Washington, vừa rút quân khỏi miền Bắc Syria vừa đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, có thể "kích động" toàn khu vực này. Giao tranh nếu xảy ra ở khu vực miền Bắc Syria sẽ gây ra thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trước hết ảnh hưởng trực tiếp tới dân thường.
Bên cạnh đó, sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria như vậy có thể đe dọa an ninh và sự ổn định toàn khu vực. Hành động đưa quân vào nước láng giềng Syria mà chưa được sự cho phép của chính quyền Damacus, tương tự như chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” hồi năm 2016, đang có nguy cơ tái diễn với nhiều hệ lụy nguy hiểm. Syria chắc chắn sẽ coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.
Ngày 9/10, chính quyền Damascus cũng đã tuyên bố lên án "những tuyên bố chủ chiến, những ý định thù địch ... và tăng cường quân đội" của Ankara ở dọc biên giới với Syria, đồng thời khẳng định sẽ "đáp trả kế hoạch xâm lược" của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Đông Bắc Syria.
Một hành động can thiệp quân sự đơn phương không chỉ làm cho tình hình Syria thêm căng thẳng mà còn khiến nước này tiếp tục rơi vào tình trạng bất ổn, thậm chí cản trở tiến trình hòa bình ở Syria mà nhóm bộ ba đàm phán Astana gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thiết lập.
Đất nước Syria có thể lại bị đẩy vào vòng xoáy xung đột mới khi mà tình trạng bất ổn và chia rẽ trong nội bộ vẫn chưa thể giải quyết. Dù kịch bản nào xảy ra, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những động thái can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trở nên phức tạp và diễn biến khó lường hơn trong thời gian tới.