Kết quả tích cực này giúp Hàn Quốc xem xét nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng sau, cùng lúc nỗ lực ngăn chặn đà tăng các ca nhiễm mới hằng ngày.
Hàn Quốc đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch và đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ tư, khi số ca mắc mới trong ngày trung bình khoảng 300 ca. Mặc dù vậy, đây đã là sự cải thiện đáng kể so với con số khoảng 700 ca mỗi ngày hồi đầu tháng 5. Việc đạt mục tiêu tiêm chủng sớm hơn nửa tháng so với dự kiến khiến giới chuyên gia lạc quan Hàn Quốc sẽ vượt qua được đợt dịch lần này tương tự như 3 lần trước.
Trên thực tế, qua các đợt bùng phát, Hàn Quốc vẫn được đánh giá là khá thành công trong công tác chống dịch khi tình hình vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ mà không phải gánh chịu hậu quả nặng nề như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Hàn Quốc ứng phó hiệu quả với các đợt bùng phát dịch COVID-19 là nhờ nước này rút ra những bài học từ dịch MERS (Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông) năm 2015.
Bài học đầu tiên là chiến lược xét nghiệm trên toàn quốc. Năm 2015, dịch MERS bùng phát tại Hàn Quốc. Đây là đợt dịch lớn nhất bên ngoài Trung Đông với 186 người mắc và 38 người tử vong. Thất bại này đã bộc lộ rõ những điểm yếu của Hàn Quốc trong công tác đối phó với những dịch bệnh mới. Sau dịch MERS, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua nhiều cải cách, tất cả đều hướng tới mục tiêu chuẩn bị tốt hơn cho các dịch bệnh sau này, mà nổi bật nhất là xây dựng một quy trình 3 bước: xét nghiệm, truy vết và cách ly.
Liên quan tới lĩnh vực xét nghiệm, Hàn Quốc đã có hai thay đổi quan trọng. Đầu tiên, nhiều cơ quan của Chính phủ - gồm Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hiệp hội Xét nghiệm y khoa Hàn Quốc, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, Hiệp hội ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm Hàn Quốc - đã xây dựng các quy trình phản ứng nhanh trong trường hợp xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm. Điểm đặc biệt trong quy trình này là chương trình cho phép sử dụng khẩn cấp (EUA), nhanh chóng cấp phép cho một số sản phẩm nhất định để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, được chính thức thiết lập thông qua việc sửa đổi Đạo luật thiết bị y tế vào năm 2016.
Chương trình EUA ở Hàn Quốc được mô phỏng theo hệ thống của Mỹ, cho phép tạm thời sản xuất, bán và sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm trong giai đoạn xảy ra đại dịch, khi thị trường nội địa chưa có các sản phẩm đã được cấp phép. Thứ hai, Chính phủ Hàn Quốc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất các bộ xét nghiệm thương mại, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.
Về hệ thống truy vết tiếp xúc, ban đầu, trong dịch MERS, các nhân viên y tế chỉ nói chuyện với người bệnh để lập ra danh sách những người mà họ đã tiếp xúc gần đây, sau đó yêu cầu những người này phải xét nghiệm và cách ly. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ hiệu quả khi bệnh nhân khai báo thành thật. Trong dịch MERS, một người đàn ông được cho là đã khai man với nhân viên y tế về việc ông đã tham dự một hội nghị có trên 1.000 người. Chính điều này đã khiến nhà chức trách nhận ra rằng việc theo dõi vị trí phải được thực hiện trên cơ sở bắt buộc.
Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nhiều quy định sửa đổi nhằm cho phép các cơ quan chính phủ truy cập thông tin về các giao dịch thẻ tín dụng, dữ liệu vị trí điện thoại di động, thậm chí là cả dữ liệu của các camera giám sát nếu cần. Số lượng nhân viên phụ trách công tác kiểm soát dịch và làm việc trong các cơ sở cách ly cũng tăng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng có thay đổi về văn hóa làm việc. Các nhân viên y tế định kỳ tiến hành tập dượt mô phỏng trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Bài học thứ hai là can thiệp sớm. Trong giai đoàn đầu của đại dịch COVID-19, nhờ kinh nghiệm, sự chuẩn bị và phản ứng kịp thời, Hàn Quốc về cơ bản luôn kiểm soát được tình hình.
Tháng 2/2020, khi thế giới mới chỉ bắt đầu nhận ra mối đe dọa của một đại dịch mới, tình hình tại Daegu (Hàn Quốc) đã trở nên khá nghiêm trọng. Một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, sau này được biết đến là “bệnh nhân số 31”, đã có kết quả dương tính với COVID-19. Kể từ đó, số ca mắc mới hằng ngày tại Hàn Quốc tăng lên nhanh chóng và đạt đỉnh 909 ca/ngày 29/2. Các quan chức ngành y tế phát hiện ra rằng bệnh nhân này là thành viên của một phong trào tôn giáo bí mật, đã tham gia một buổi hành lễ nhiều ngày trước khi được chẩn đoán mắc bệnh và có khả năng bà đã khiến hơn 1.000 người bị phơi nhiễm.
Ngay lập tức, các quan chức Hàn Quốc đã hành động với phương châm xét nghiệm cho càng nhiều người càng tốt, càng nhanh càng tốt để xác định dịch bệnh đã lây lan tới mức độ nào; sau đó tìm kiếm những người đã tiếp xúc với người mắc bệnh để cách ly. Quy trình 3 bước xét nghiệm, truy vết và cách ly đã mang lại hiệu quả. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi bệnh nhân số 31 được phát hiện, Hàn Quốc đã tiến hành một chiến dịch xét nghiệm COVID-19 lớn nhất trên thế giới; thực hiện chương trình truy vết tiếp xúc tỉ mỉ và công phu; thiết lập các cơ sở cách ly để cách ly hàng nghìn người.
Trong các đợt bùng phát dịch sau đó, Hàn Quốc vẫn tiếp tục vận hành theo cơ chế này cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội có chọn lọc và linh hoạt. Nhờ đó, Hàn Quốc nhanh chóng vượt qua các đợt bùng phát và đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường ở một mức độ nào đó.
Bài học thứ ba chính là từ công tác ứng phó với các đợt dịch COVID-19. Chiến lược chống dịch của Hàn Quốc đem lại thành công trong ngăn chặn lây nhiễm và có thể kiềm chế dịch bệnh trong ngắn hạn, song khi virus liên tục biến đổi với những biến thể có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn, Seoul đã phải tính đến giải pháp lâu dài là tiêm chủng đại trà.
Ban đầu, có thể nói Hàn Quốc chậm trễ đáng kể trong việc triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nước này chỉ mới bắt đầu tiêm chủng từ ngày 26/2/2021, trong khi tại thời điểm đó, Mỹ có 41 triệu người và Anh có 16 triệu người đã được nhận ít nhất một liều vaccine. Sự khởi đầu chậm trễ này có thể do Hàn Quốc đã kiểm soát được 2 đợt bùng phát dịch và cho rằng có thể tránh được việc phải nhập khẩu vaccine hoàn toàn. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, đợt bùng phát dịch thứ ba với số ca nhiễm mới tăng vọt, trên 1.000 ca/ngày buộc nước này phải tăng tốc chương trình tiêm chủng.
Để chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng trên diện rộng, Chính phủ Hàn Quốc đã ký hợp đồng với các nhà cung cấp để mua số lượng vaccine COVID-19 đủ cho 56 triệu người, mặc dù dân số nước này chỉ khoảng 52,3 triệu. Tuy nhiên, do một số vaccine Hàn Quốc đặt mua vẫn chưa chứng minh đủ hiệu quả và một số nhà sản xuất có thể không giao đúng hạn do gặp vấn đề sản xuất, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, Seoul đã đàm phán mua bổ sung 20 triệu liều vaccine Novavax và 3 triệu liều vaccine Pfizer, nâng tổng nguồn cung vaccine COVID-19 của Hàn Quốc lên 79 triệu liều. Hiện tại, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mua vaccine với AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson&Johnson và Janssen (Bỉ).
Nhờ đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Hàn Quốc tăng nhanh chóng. Chỉ riêng trong ngày 7/6, Hàn Quốc đã tiêm được 857.000 liều vaccine - mức kỷ lục kể từ khi chương trình tiêm chủng được triển khai. Với việc khoảng 25% dân số đã được tiêm 1 mũi vaccine và gần 7% tiêm đủ 2 mũi, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trong quý III và đạt được miễn dịch cộng đồng trước tháng 11 năm nay. Những bài học phòng chống dịch bệnh mà Hàn Quốc đúc rút được sẽ là chìa khóa để nước này sớm kiểm soát được đại dịch và đưa cuộc sống bình thường của người dân trở lại.