Thực tế 3 năm thực thi EVFTA cho thấy thương hiệu Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều trên thị trường EU. Tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của EU hiện chỉ chiếm khoảng 2%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như rau quả, hải sản, gạo dù tăng trưởng tốt song chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU. Thậm chí, có mặt hàng còn chưa có dấu hiệu tăng trưởng sau khi EVFTA có hiệu lực, như giấy, các sản phẩm từ giấy và hạt điều.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các đại diện thương vụ Việt Nam đều lưu ý EU là một thị trường khó tính, khách hàng đặt ra những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, trong đó có nhiều quy định bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng cùng nhiều hàng rào kỹ thuật. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, nhấn mạnh: “EU ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, tính bền vững, tính xã hội, môi trường, vòng đời của sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm..., hướng đến giá trị tốt hơn cho môi trường và xã hội”.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được các quy định khắt khe của châu Âu, trong đó có chứng nhận xuất xứ, vấn đề môi trường. Chẳng hạn, EU đã đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mặt hàng gạo nhập khẩu, vì vậy, từng có một số lô hàng gạo của Việt Nam vào EU phải thu hồi do vượt ngưỡng dư lượng bảo vệ thực vật. Ngay cả khi sản phẩm đã lên kệ, phía EU vẫn thường xuyên kiểm tra. Trong trường hợp sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn, sẽ bị rút khỏi kệ, ảnh hưởng rất nhiều tới kinh doanh, đặc biệt là uy tín của hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, nêu bật thực trạng hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Cùng chung nhận định trên, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Pháp, nêu rõ: “hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu rất cao và phức tạp về kỹ thuật cũng như quy tắc xuất xứ. Các yếu tố này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào cho tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa”.
EU còn là một trong những đối tác thương mại sử dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Do đó, nếu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng nhờ lợi thế cắt giảm thuế quan mà EVFTA mang lại, thì nguy cơ các ngành sản xuất nội địa EU khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tăng lên.
Như đánh giá của bà Đỗ Việt Hà, đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu theo cơ chế ưu đãi thuế quan EVFTA phải đối mặt với thêm một nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại do các nhà sản xuất nội địa EU được sử dụng thêm một biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung - biện pháp tự vệ song phương trong giai đoạn 2020 - 2030, nếu các biện pháp ưu đãi thuế theo EVFTA dẫn tới tình huống nhập khẩu ồ ạt một loại hàng hóa từ Việt Nam vào EU, đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho họ.
Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều rào cản mang tính khách quan như rào cản ngôn ngữ, hạn chế liên quan đến logistics. Do khoảng cách địa lý giữa EU và Việt Nam khá xa, chưa có đường bay thẳng kết nối Việt Nam với một số nước thành viên EU, cũng như chưa có hợp tác về cảng biển và cảng hàng không, nên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nhiều khi phải đi đường vòng, gây tốn kém về chi phí và thời gian.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK) chỉ ra thực trạng mặc dù Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các quy định về thủ tục, song các công ty Đức và châu Âu vẫn vướng mắc trong khâu giải quyết thủ tục hành chính và thủ tục cấp phép phức tạp, gây chậm trễ cho việc triển khai. Ngoài ra, một số công ty châu Âu gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ các khía cạnh kỹ thuật của EVFTA, khiến họ bỏ lỡ đi những cơ hội quý giá mà thỏa thuận mang lại.
Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả EVFTA, ông Walde cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU, tận dụng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ của EU và Đức để cải thiện liên kết chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia các nền tảng, mạng lưới kết nối và hỗ trợ kỹ thuật - vốn được các cơ quan châu Âu, trong đó có AHK, thiết lập nhằm chia sẻ những thông tin đáng tin cậy để khẳng định mình là đối tác thương mại hướng tới tương lai và có ý thức về môi trường.
Nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, các đại sứ quán và thương vụ Việt Nam ở các nước EU đã và đang nỗ lực thúc đẩy vai trò cầu nối giao thương, một mặt tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt tình hình thực tế, cập nhật các quy định, đưa ra cảnh báo nếu có, mặt khác luôn chủ động quảng bá hình ảnh và hàng hóa Việt, để các nhà nhập khẩu nhận ra lợi ích của EVFTA, chuyển sang nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quân cho biết trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã liên tục cập nhật và thường xuyên phổ biến cho các doanh nghiệp về các quy định của EU, trong đó có cả những quy định đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực trong từ 3 đến 5 năm.
Trong bối cảnh số vụ lừa đảo thương mại tăng lên trong thời gian gần đây, các thương vụ cũng tích cực cảnh báo và hỗ trợ các doanh nghiệp khi cần thiết. Theo bà Dương Phương Thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã tích cực, chủ động giải quyết gần 10 vụ việc kể từ đầu năm đến nay, trong đó đáng chú ý có việc hỗ trợ và giúp công ty Galaxy Stone Việt Nam không bị thiệt hại tài chính, liên quan đến ký hợp đồng với công ty Italy TC Marm SLRS, có dấu hiệu lừa đảo.
Để tự mình vượt qua các rào cản đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, nghiên cứu kỹ càng, chú trọng đến việc đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường, các yêu cầu bổ sung của nhà nhập khẩu, bởi các nhà nhập khẩu phần lớn dựa vào nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp.
Như chia sẻ của ông Vũ Anh Sơn, muốn đáp ứng yếu tố kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hoá, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư phát triển từ nguyên phụ liệu đầu vào cho tới các khâu thiết kế, sản xuất hàng hóa, cũng như đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuyển đổi dần từ việc sản xuất nhiều theo số lượng để đáp ứng với mức độ, mức giá vừa phải sang những mặt hàng xuất khẩu ít hơn nhưng gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng, giá trị bền vững để đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn của EU.
Đại diện các thương vụ Việt Nam tại EU cũng kiến nghị chính phủ xây dựng chiến lược tổng thể để đưa ra những định hướng, kế hoạch, lộ trình cho các bộ, ngành, và địa phương nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các cam kết của EVFTA, giúp hiện thực hóa lợi ích của hiệp định cho người dân và doanh nghiệp; xây dựng những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; cũng như xây dựng những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện sự đoàn kết, xây dựng được cộng đồng chia sẻ thông tin rộng để cùng nhau phát triển và “bọc lót” lẫn nhau. Với sự tương trợ, đồng hành của chính phủ, các đại sứ quán, thương vụ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những bước đi phù hợp để có thể vượt qua rào cản, tận dụng tối đa hiệu quả của EVFTA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.