Hàn Quốc đang trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 ở quy mô lớn nhất mà một quốc gia thuộc thế giới phát triển từng phải đối mặt. Tính theo số ca nhiễm trong ngày trên tổng dân số, tỉ lệ nhiễm tại Hàn Quốc hiện cao gấp ba lần so với ở Mỹ và Anh thời kỳ COVID-19 lên đỉnh.
Tuy nhiên, chính quyền Seoul đã từ bỏ nỗ lực chặn virus lây lan. Giới chức y tế Hàn Quốc gần đây thậm chí gọi bùng phát lây nhiễm quy mô lớn này là cần thiết. Nó được xem là bài kiểm định đối với hệ thống y tế và dân số nước này, để tiến đến một mục tiêu mới: Hạ cấp, không coi COVID-19 là căn bệnh lây nhiễm ở cấp độ nguy hiểm nhất.
Là nước đi đầu tại châu Á trong kiềm chế, giữ số ca nhiễm ở mức thấp trong phần lớn thời gian COVID-19 lây lan, nhưng giờ Hàn Quốc chọn cách tiếp cận mới, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao kỉ lục, nhưng số ca nhập viện, tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao.
Singapore, nước từng áp dụng những biện pháp phòng chống đại dịch mạnh tay, triệt để nhất, cũng đang dỡ bỏ quy định hạn chế dù số ca nhiễm lên mức kỉ lục. Với 92% dân số hoàn tất tiêm chủng, Singapre hiện không yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tham gia hoạt động ngoài trời, loại bỏ quy định cách ly với khách du lịch đã tiêm đủ liều. “Cuộc chiến chống COVID-19 của chúng ta đã đi tới điểm bước ngoặt lớn. Chúng ta sẽ có bước dịch chuyển quyết định tiến tới sống chung với COVID-19”, Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu hồi tuần trước.
Từng đóng cửa biên giới trong quãng thời gian rất dài để ngăn chặn dịch bệnh, Australia giờ đây cũng tiến hành mở cửa, bỏ quy định yêu cầu du khách phải làm xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh. Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ những quy định hạn chế còn vào tuần trước, khi sóng lây nhiễm COVID-19 suy yếu.
Nhưng giới chuyên gia y tế toàn cầu nhận định Hàn Quốc mới là quốc gia đầu tiên sẽ quyết định hạ cấp nguy hiểm của COVID-19, loại bỏ quyền lực khẩn cấp từng được áp dụng để kiểm soát lây nhiễm. “Hàn Quốc có thể là nước đầu tiên dịch chuyển tới điểm coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Hàn Quốc thuộc nhóm có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất ở người trưởng thành, có hệ thống y tế độ tin cậy cao và có công cụ phù hợp để thoát khỏi đại dịch”, Monica Gandhi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và là giáo sư y khoa tại Đại học California (Mỹ), nhận định.
Bức tường vaccine giúp Hàn Quốc ngăn chặn tác động của Omicron. Với 96% người trưởng thành đã tiêm đủ liều, Hàn Quốc là một trong những nước có độ che phủ vaccine cao nhất thế giới, đồng thời cũng lại là nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất, chỉ bằng 1/10 so với tỉ lệ tại Mỹ và Anh. Tỉ lệ tử vong trong sóng lây nhiễm Omicron tại Hàn Quốc là 0,18%, riêng với người dưới 60 tuổi tỉ lệ gần như là 0%, trong khi tỉ lệ tử vong của cúm mùa là dao động trong khoảng từ 0,05-0,1%, ông Son Young-rae, quan chức y tế cấp cao nước này cho biết.
Giới chức y tế Hàn Quốc ngày càng tự tin hơn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, khi các loại thuốc kháng virus giúp ngăn chặn nguy cơ tử vong ở người lớn tuổi được đưa ra thị trường nhiều hơn. Hàn Quốc cũng sẽ chủ động hơn về nguồn vaccine, khi mẫu vaccine nội địa dự kiến đưa vào lưu thông trong cuối năm nay. “Trải qua một làn sóng lây nhiễm quy mô lớn là điều cần thiết trong tiến trình đi tới điểm coi COVID-19 là bệnh lưu hành”, ông Son nói.
Quyết định hạ cấp độ nguy hiểm của COVID-19 có thể sẽ được chính phủ Hàn Quốc đưa ra trong một vài tháng tới, khi làn sóng lây nhiễm hiện hành lắng dịu. Quốc gia Đông Á này liệt nguy cơ bệnh truyền nhiễm theo bốn cấp độ, từ cấp 1 (cao nhất) đến cấp 4. COVID-19 được đưa vào cảnh báo cao nhất vào tháng 2/2020 và đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đưa một bệnh truyền nhiễm vào thang này, sau thời điểm liệt cúm gia cầm H1N1 vào danh sách hồi năm 2009.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế trong nước cảnh báo việc hạ cấp độ này là vội vàng. Giới cựu cố vấn cho chính phủ nhìn nhận còn quá sớm để Hàn Quốc giảm cấp cảnh giác dịch bệnh, khi nước này vẫn đang ở trong đợt bùng phát dịch lớn nhất. Hơn thế, Hàn Quốc chưa bao giờ hạ cấp độ nguy hiểm đối với một chủng virus mà trước đó từng được liệt vào cấp độ 1, trong đó có dịch Ebola, cúm H1N1.
Trong điều kiện cảnh báo cấp 1, ca nhiễm sẽ được báo cáo trực tiếp tới chính phủ. Chính quyền Seoul sử dụng quyền lực được giao theo thẩm quyền ở cấp độ cao nhất để từ đó ra quy định hạn chế trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tạm thời đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người.
Nhiều nước cũng đưa ra những quy định tương tự đối với các bệnh truyền nhiễm được phân loại ở cấp nguy hiểm nhất. Đơn cử, Nhật Bản coi COVID-19 thuộc nhóm bệnh cùng cấp với lao, SARS. Luật quy định người nhiễm những bệnh này phải được cách ly, cơ quan y tế có trách nhiệm thống kê, rà soát ca nhiễm và truy vết. Thủ tướng Fumio Kishida tỏ ra thận trọng trước khả năng thay đổi cấp độ nguy hiểm với COVID-19, khi nói rằng đây là điều chưa thực tế, bởi vẫn còn lo ngại về nguy cơ các làn sóng lây nhiễm mới sẽ xuất hiện.