Theo hãng tin AFP, 22% doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc muốn rút khỏi
quốc gia này, vì giá nhân công cao và hệ thống pháp luật bất ổn. Giá nhân công tăng là một trong ba nỗi lo chính của doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Điều tra của Phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc đối với 557 doanh nghiệp
thành viên đưa ra nhận định: “Trung Quốc là một thị trường mang tính chiến
lược, ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp châu Âu, nhưng lại
có một tỷ lệ lớn doanh nghiệp châu Âu muốn tái định hướng đầu tư và rời khỏi
Trung Quốc, nơi giá cả ngày càng đắt đỏ”, để chuyển sang các quốc gia đang trỗi
dậy khác.
Theo điều tra trên, ba nỗi lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp châu Âu tại
Trung Quốc là tốc độ phát triển chậm lại (nỗi lo của 65% doanh nghiệp), giá
nhân công tăng (nỗi lo của 63% doanh nghiệp) và kinh tế thế giới suy giảm (nỗi
lo của 62% doanh nghiệp).
Riêng về giá nhân công, 59% doanh nghiệp được hỏi tỏ ra
bi quan về tương lai trước mắt, tỷ lệ này lên đến 75% đối với các doanh nghiệp
tại vùng châu thổ sông Châu Giang (khu vực Quảng Đông-Hồng Công-Macao).
Ông Davide Cucino, Trưởng Phòng Thương mại Châu Âu ở Trung Quốc, phàn nàn là có
rất ít tiến bộ trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá nhân công tăng cao, các doanh
nghiệp hy vọng được hoạt động trong một môi trường pháp lý cải thiện để có được
sự công bằng trong cạnh tranh.
Tuy nhiên, cho đến nay, có tới 50% doanh nghiệp
châu Âu tại Trung Quốc bị bỏ lỡ cơ hội vì các rào cản pháp lý bất công.
Để tiếp tục tồn tại tại Trung Quốc, 52% số doanh nghiệp được điều tra dự kiến
sẽ đầu tư vào các khu vực mới, đặc biệt là các vùng sâu trong nội địa, nơi mức
lương trả cho nhân công thấp hơn và nơi mà các doanh nghiệp nước ngoài được
khuyến khích.
Tuy nhiên, trong số 78% doanh nghiệp có thái độ lạc quan về các
hoạt động của họ trong hai năm tới ở Trung Quốc, thì chỉ có 36% tin tưởng là họ
sẽ gặp được các điều kiện thuận lợi.
TTXVN/Tin Tức