Doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc

Thời gian qua đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ “trở về quê hương” sau một thời gian dài tiến hành sản xuất tại Trung Quốc. Về mặt ngắn hạn, giá nhân công tại Trung Quốc được cho là một nguyên nhân, nhưng nếu nhìn sâu xa thì đây là một động thái bảo vệ việc làm của chính phủ và doanh nghiệp hai nước. Việc quay trở lại đầu tư tại quê hương không những cho thấy quyết tâm đẩy mạnh quá trình tự động hóa sản xuất và cải thiện năng suất nhằm thu hẹp khoảng cách chi phí sản xuất giữa trong nước và nước ngoài mà còn là một chính sách thể hiện vai trò của nước lớn.

Công ty Shenzhen Kyowa do Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc. ảnh: Internet


Chú trọng việc làm trong nước


“Công ty các bạn không chỉ dừng lại ở việc chú trọng cải thiện công ăn việc làm trong nước mà còn bán các sản phẩm Made in USA sang thị trường Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ Barrack Obama trong chuyến đi thị sát hồi tháng 2/2012 đã khen ngợi hãng sản xuất khóa hàng đầu Mỹ là Master Lock chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc về thành phố Milwaukee (bang Wisconsin). Với mục tiêu tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới sẽ diễn ra vào tháng 11/2012, ông Obama đã thúc giục các doanh nghiệp sản xuất, có vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế, quay trở lại Mỹ với các chính sách ưu đãi về thuế. Lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ đưa ra các dự thảo cải cách thuế doanh nghiệp, như có thể cho phép hạ mức thuế của doanh nghiệp nhiều nhất lên tới 28%.


Nhằm hưởng ứng các dấu hiệu tích cực từ chính phủ, hãng sản xuất điện tử Element Electronics (có trụ sở tại thành phố Detroit, bang Michigan) lần đầu tiên sau 17 năm đã quay trở lại sản xuất tivi tại thành phố này. Caterpillar Inc, tập đoàn sản xuất máy xây dựng lớn nhất thế giới, cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại bang Texas.


Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên được cho là do giá nhân công tại Trung Quốc - nơi được coi là công xưởng của thế giới - ngày càng tăng cao. Trong vài năm trở lại đây, thu nhập trung bình của một công nhân ngành chế tạo tại Trung Quốc đã tăng 2 con số, và tăng gấp nhiều lần trong vòng 5 năm qua. Nhận định về điều này, nghiên cứu viên Howard Weil thuộc Viện nghiên cứu Brooklyn (Mỹ) cho rằng nguyên nhân mà ai cũng có thể thấy rõ là giá nhân công hiện nay đã tăng lên quá cao, và việc nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi thế cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, một điều cũng hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ là giá nhân công tại nước này cũng rẻ hơn nếu so sánh với Nhật Bản hay châu Âu. Nhóm tư vấn Boston (BCG) cũng đã đưa ra con số tính toán rằng nước Mỹ sẽ tăng thêm được 800.000 việc làm nếu các doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc và trở về quê hương sản xuất.


Điểm nhấn từ các hãng máy tính


“Rời bỏ Trung Quốc” đang là xu hướng không còn lạ đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các hãng sản xuất máy tính. Một quan chức phụ trách hãng máy tính Fujitsu cho biết: “Giá nhân công tại Trung Quốc đã tăng cao khiến cho sự chênh lệch về chi phí sản xuất so với Nhật Bản ngày càng thu hẹp. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi mở rộng xuất khẩu các sản phẩm Made in Japan ra thị trường thế giới”. Hãng này đặt mục tiêu đưa doanh số xuất khẩu từ Nhật Bản sang thị trường Đông Nam Á và Trung Đông lên khoảng 2,2 triệu chiếc trong năm tài khóa 2013, gấp 3 lần so với năm tài khóa 2011. Hiện nay, Fujitsu đã tiến hành sản xuất tự động hoàn toàn bằng việc sử dụng robot trong một số dây chuyền tại 3 nhà máy ở tỉnh Shimane. Sắp tới, Fujitsu sẽ mở rộng các nhà máy khác, tăng cường năng suất và giảm triệt để chi phí sản xuất.


“Made in Tokyo” là một thương hiệu mới được hãng HP Nhật Bản tung ra thị trường. Kể từ tháng 8/2011, HP đã đưa bộ phận sản xuất máy tính xách tay từ Trung Quốc về nhà máy tại ngoại ô thành phố Tôkyô. Canon cũng có kế hoạch hoàn toàn sản xuất bằng robot mặt hàng ống kính máy ảnh tại thành phố Utsunomiya kể từ năm 2013. Fuji Xerox đang nghiên cứu khả năng rời khỏi Trung Quốc và chuyển bộ phận sản xuất máy in điện tử ngay trong tài khóa 2012 tới. Ngay cả hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc cũng đang định chuyển đổi địa điểm sản xuất máy tính cho các doanh nghiệp sang Nhật Bản nhằm rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao danh tiếng thương hiệu.


Hỗ trợ bằng các gói chính sách đồng bộ


Tuy nhiên, nếu so với Mỹ, xu hướng “trở về quê hương” của các doanh nghiệp Nhật Bản mới chỉ dừng lại ở một số ngành nghề hạn chế và chưa đủ quyết liệt. Cắt giảm chi phí năng lượng, lợi thế đồng đôla xuống thấp và các chính sách phục hồi xuất khẩu là những thế mạnh mà doanh nghiệp Mỹ đang được hưởng nhưng điều này chưa xảy ra với các doanh nghiệp Nhật Bản.


Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang được chào đón khi trở về quê hương đầu tư sản xuất. Vấn đề đặt ra là hiện có nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư thiết bị máy móc tại Nhật Bản do đã đầu tư lớn ở nước ngoài và gặp nhiều thua lỗ trong thời gian qua. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Yoshiyuki Fukuda thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Toray (Nhật Bản), thì Nhật Bản cần thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra việc làm hơn là mở rộng các ngành sản xuất trong nước. Nhật Bản cần nhắm vào tầng lớp trung lưu tại các nước có nền kinh tế mới nổi và nhu cầu tiêu dùng cao, cần mang đến cho họ những sản phẩm có thương hiệu mạnh và cần nuôi dưỡng ngành công nghiệp xuất khẩu. Để hỗ trợ quá trình này, Nhật Bản cần thực thi các gói chính sách đồng bộ như cải cách thuế và quy chuẩn, ký kết hiệp định liên kết kinh tế (EPA) với nhiều đối tác. Và rõ ràng đây là những chính sách mà chính phủ Nhật Bản cần sớm thực hiện, chứ không phải chỉ dành mọi ưu tiên cho công cuộc tái thiết tại vùng Đông Bắc.


Hồng Hà (P/v TTXVN tại Nhật Bản)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN