Nhật Bản tìm thế đối trọng với Trung Quốc qua ASEAN

Ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.

 

Tổng thống Myanmar Thein Sein (thứ 3 trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (hàng đầu bên phải) hội đàm ngày 15/12. AFP/TTXVN


Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của các nhà lãnh đạo khu vực kể từ khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) gây nhiều tranh cãi, bao trùm cả không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước mà Tokyo đang kiểm soát.


Trong thông cáo báo chí, các nhà lãnh đạo khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực, tích cực thúc đẩy an ninh tự do và an toàn hàng hải cũng như giải quyết các tranh cãi bằng con đường hòa bình".


Nhiều người cho rằng đây là lời cảnh báo và chỉ trích khá "nhẹ nhàng" đối với Trung Quốc, quốc gia hiện đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và bốn quốc gia thành viên ASEAN, và gần đây liên tục có các hành động khiêu khích và mang tính áp đặt.


Hội nghị lần này cũng là cơ hội để Thủ tướng Abe tìm cách đẩy mạnh mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự nhằm kiềm chế tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thông cáo báo chí của hội nghị đánh giá đây là biện pháp "mang tính chủ động nhằm góp phần củng cố hòa bình khu vực". Tuyên bố có đoạn: "Các nhà lãnh đạo ASEAN hy vọng Nhật Bản sẽ tích cực và nỗ lực hơn nữa nhằm đóng góp cho hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực".


Trung Quốc và Hàn Quốc thường nhấn mạnh các ký ức và kinh nghiệm đau thương trong những cuộc chiến từ thế kỷ trước nhằm cảnh báo về việc Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Tokyo và các quốc gia Đông Nam Á - phần lớn đều đã từng bị Nhật Bản xâm lược - không mấy khi bị ảnh hưởng bởi các vấn đề lịch sử. Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Tokyo đã cam kết viện trợ cho ASEAN 2.000 tỷ yen trong 5 năm.


Đây cũng là dịp kỷ niệm 40 năm hai bên thiết lập quan hệ. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/12, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: "Nhật Bản và ASEAN là các đối tác thực sự và chân thành, hai bên đều mong muốn hướng tới một nền thịnh vượng chung. Để đạt được điều này, chúng ta phải duy trì hòa bình, nhất là bảo vệ tự do hàng hải và hàng không... Tôi muốn (chúng ta) cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tôn trọng nền văn hóa của mọi quốc gia thành viên, đồng thời kiến tạo một hệ thống kinh tế không bị chi phối bởi vũ lực mà sẽ vận hành dựa trên các nguyên tắc cụ thể đã được nhất trí cũng như nỗ lực của tất cả các bên".


Corey Wallace, chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản hiện đang làm việc tại Đại học Auckland, cho rằng các hỗ trợ tài chính mà Tokyo dành cho khu vực có thể giúp (Nhật Bản) tạo ra thế đối trọng với sức mạnh của Trung Quốc. Theo ông nếu Nhật Bản giúp ASEAN thúc đẩy các mục tiêu khu vực, thì không chỉ Nhật Bản sẽ nhận được nhiều lợi ích với tư cách là một nước dẫn đầu, mà bản thân các nước ASEAN cũng sẽ có điều kiện để trở nên độc lập hơn trong tương lai. Đây là viễn cảnh đối lập với một ASEAN phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực thương mại và đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc.


Điều đặc biệt quan trọng là Nhật Bản cần có những biện pháp để đảm bảo chắc chắn rằng các quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng trong ASEAN không dễ dàng khuất phục trước sức ép về mặt ngoại giao, kinh tế hay quân sự chỉ vì có sự lệ thuộc nhất định về mặt kinh tế với Trung Quốc.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN