Nhật Bản lại kích thích kinh tế: Nỗi lo ở phía trước

Không ngoài dự kiến, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra gói kích thích kinh tế mới. Với 20.200 tỉ yên (gần 227 tỉ USD) được bơm ra, Nội các của ông Abe hi vọng gói kích thích kinh tế mới sẽ giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP thêm 2% và tạo ra khoảng 600.000 việc làm. Nhưng về lâu dài, nhiều nhà kinh tế lo ngại gói kích thích mới có thể sẽ đi theo “vết xe đổ".


 

Thủ tướng Abe trong buổi họp báo công bố gói kích thích kinh tế 227 tỉ USD tại văn phòng ở thủ đô Tôkyô ngày 11/1.

 

Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 11/1, trong số 20.200 tỷ yên được chi sẽ có 10.300 tỷ yên do chính quyền trung ương cấp. Phần còn lại do chính quyền các địa phương và khu vực kinh tế tư nhân góp sức. Đây là gói chi tiêu lớn nhất của chính phủ nước này từ năm 2009 đến nay nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của các công ty Nhật Bản cũng như để thực hiện những dự án công cộng quy mô lớn thúc đẩy chương trình tái thiết sau thảm họa động đất sóng thần vào tháng 3/2011.


Dự kiến, gói kích thích mới này sẽ giúp Nhật Bản nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP thêm 2% và tạo ra khoảng 600.000 việc làm. Phản ứng trước thông tin trên, thị trường chứng khoán Nhật Bản ngày 11/1/2013 đã chứng kiến tâm lý hứng khởi khi các nhà đầu tư liên tục đưa ra các lệnh mua vào ở mức lớn. Đóng cửa phiên 11/1, Chỉ số Nikkei 225 tăng 1,4%, Chỉ số TPX tăng gần 1,1%. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư có cái nhìn khá lạc quan đối với tác dụng của gói kích thích kinh tế mới này.


Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Akira Amari đảm bảo những biện pháp kích thích mới đủ hiệu lực để giúp chính quyền mới đạt được mục đích tái sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Nhà kinh tế cao cấp của Morgan Stanley ở Tokyo Masamichi Adach cho rằng quy mô của gói kích thích cho thấy chính phủ của tân Thủ tướng Abe đã nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề kích thích kinh tế. Về ngắn hạn, gói kích thích kinh tế này sẽ giúp kinh tế Nhật Bản nâng cao tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, về trung và dài hạn vẫn tồn tại một vấn đề, đó là hiệu quả của khoản chi tiêu này.


Liệu có theo "vết xe đổ"?


Trong những năm gần đây, việc tung ra các gói kích thích kinh tế lớn không phải là chuyện hiếm ở Nhật Bản. Bản thân ông Abe trong nhiệm kỳ nắm quyền đầu tiên vào năm 2009 cũng đưa ra một gói kích thích tương tự nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính. Nhưng sau những phản ứng tích cực ban đầu, các gói kích thích đó đã không giúp Nhật Bản trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định, sau “thập kỉ mất mát”. Theo số liệu công bố mới nhất, sau khi giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2011 ở quý 2/2012, tăng trưởng GDP quý 3/2012 của Nhật Bản đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2011.


Do vậy, một số nhà phân tích lo ngại gói kích thích mới sẽ không có hiệu quả lớn hơn những chương trình kích thích kinh tế trước đây. Một trong những nguyên nhân là gói kích thích mới chủ yếu tập trung vào việc xây dựng những công trình công cộng có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với cải cách cơ cấu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế ổn định lâu dài. Bởi việc tập trung xây dựng các công trình công cộng sẽ khiến lao động đổ vào lĩnh vực có sức sản xuất thấp như ngành xây dựng, dẫn tới sự thiếu hụt về lao động ở các lĩnh vực cần thêm nhiều lao động hiện nay như y tế, cuối cùng ảnh hưởng chung tới nền kinh tế.


Bên cạnh đó, gói kích thích mới còn làm dấy lên những lo ngại về tình hình "sức khỏe" tài khóa của Nhật Bản, vốn đã trong tình trạng thâm hụt nặng nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Hiện tỷ lệ nợ công của nước này đã vượt hơn 2 lần GDP. Ngoài ra, việc Nhật Bản trong những năm gần đây rơi vào tình trạng “Thủ tướng nắm quyền trong một năm” cũng là một nhân tố khiến chính sách kinh tế của nước này phải đối mặt với rủi ro vì không được thực hiện một cách liên tục.


Trên bình diện thế giới, động thái nêu trên của chính phủ Nhật Bản đã góp phần vào làn sóng của các gói kích thích kinh tế mới, vốn chủ yếu là ở các cường quốc kinh tế như Mỹ, châu Âu… Vấn đề nằm ở chỗ những nước khác bị tác động bởi các gói kích thích này sẽ có biện pháp tự vệ, như thực hiện giảm giá đồng nội tệ. Ngoài việc giúp các nhà sản xuất trong nước hưởng lợi từ hàng hóa xuất khẩu, giải pháp này còn làm tái diễn lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ như hồi năm 2010. Không chỉ có vậy, nó còn dẫn đến hệ quả là lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại, đẩy giá dầu, vàng và lương thực tăng theo.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN