Nguyên nhân phương Tây tranh cãi về viện trợ xe tăng hiện đại cho Ukraine

Khi mùa đông ngày càng trở nên lạnh giá khiến mặt đất bị đóng băng, điều cần ưu tiên là xe tăng chiến đấu hạng nặng thay vì các phương tiện chiến đấu bộ binh do phương Tây sản xuất.

Chú thích ảnh
Việc viện trợ xe tăng hiện đại của phương Tây có thể sẽ tạo ra "cú hích" cho Ukraine. Ảnh: Politico

Trong nhiều tháng, Đức và các nước phương Tây khác đã tranh luận về việc có nên cung cấp xe tăng cho Ukraine hay không. Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tranh luận về vấn đề này đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Với các sự kiện diễn ra đầu năm nay, có một điều rõ ràng: Cả Nga, Ukraine và các nước phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài.

Giờ đây, Ukraine có khả năng sẽ nhận được bộ ba phương tiện chiến đấu bọc thép: Marder của Đức, Bradley do Mỹ sản xuất và AMX-10 RC của Pháp, mà các chuyên gia quân sự cho rằng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc giao tranh với Nga.  

Bên cạnh đó, Berlin cũng sẽ cùng Washington chuyển cho Kiev một hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự nhận thấy những quyết định này (của phương Tây) là nửa vời. Khi mùa đông ngày càng trở nên lạnh giá khiến mặt đất bị đóng băng, điều cần ưu tiên là xe tăng chiến đấu hạng nặng thay vì các phương tiện chiến đấu bộ binh do phương Tây sản xuất như đã cam kết.

Trong khi đó, gói hỗ trợ mới nhất cho Kiev vẫn chưa có xe tăng Abram do Mỹ sản xuất và xe tăng Leopard do Đức sản xuất, những trang thiết bị mà Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây cung cấp.

Tuy nhiên, đợt viện trợ mới nhất từ ba quốc gia, vốn rất khó khăn trong quá trình sản xuất, dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài khó có hồi kết.

Trong nhiều tuần, một số tranh luận đã xuất hiện, đặc biệt là trong giới chính sách ở Berlin, về lý do tại sao Ukraine không nên có Marder (xe chiến đấu bộ binh) và chắc chắn không thể nhận Leopard (xe tăng chiến đấu).

Một lập luận cho rằng Đức không muốn hành động một mình, điều mà giờ đây đã được giải quyết với sự tham gia của Paris và Washington.

Một lý do khác là việc chuyển giao các xe tăng hạng nặng, hiện đại sẽ làm leo thang xung đột, khiến người châu Âu tham gia vào cuộc giao tranh, khiến Nga khó chịu hơn nữa và có thể có nguy cơ leo thang hạt nhân.

Một lập luận tiếp theo là do thời gian huấn luyện dài cho binh lính Ukraine sử dụng các phương tiện hiện đại như vậy. Nhưng các quan chức quốc phòng đã chỉ ra rằng cuộc xung đột có thể sẽ kéo dài hơn những khóa huấn luyện vốn chỉ cần vài tuần.

Theo các quan chức quân sự phương Tây, các cuộc thảo luận ở Anh đã tiến triển hơn nhiều về kế hoạch hỗ trợ quân đội Ukraine các xe tăng chiến đấu hiện đại của phương Tây như Challenger 2.

Một cuộc thảo luận về diễn biến cuộc xung đột và hỗ trợ thêm cho các lực lượng vũ trang của Ukraine dự kiến sẽ diễn ra trong cuộc họp của cái gọi là Định dạng Ramstein, Nhóm Liên lạc về Quốc phòng Ukraine, vào ngày 20/1 tới, nơi tập hợp những người đứng đầu quốc phòng từ 50 quốc gia.

Nhưng có một thực tế là, quyết định gửi các thiết bị quân sự nói trên đã dỡ bỏ một điều cấm kỵ khác của phương Tây sau việc chuyển giao các hệ thống phòng không hiện đại cho Kiev trong những tháng gần đây.

Đối với các chuyên gia quân sự, sẽ là một tiến triển hợp lý khi cuộc tranh luận khó có thể dừng lại ở xe tăng. Về lâu dài, điều này sẽ mở ra cuộc thảo luận về việc cung cấp khác, chẳng hạn như máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Trong khi việc chuyển giao máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất được coi là một "giới hạn đỏ", NATO có thể sớm cung cấp MiG-29 cho Ukraine sau lời đề nghị của Slovakia vào tháng 12/2022.

Rõ ràng là sẽ tiếp tục có sự do dự của các nước phương Tây, một phần là do lo sợ leo thang với Moskva, khi Tổng thống Nga Putin đã đặc biệt cảnh báo về việc cung cấp hỗ trợ trên không.

Tuy nhiên, vì Kiev đã vận hành loại máy bay này nên MiG-29 của Slovakia có thể không vi phạm giới hạn đó, theo các chuyên gia quân sự.

Nhưng cuối cùng, câu hỏi lớn về hỗ trợ quân sự có thể không phải là nếu, mà là làm thế nào để cung cấp theo cách có thể chấp nhận được và được coi là đủ "an toàn" cho mọi người.

Công Thuận/Báo Tin tức (Euractiv)
Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh nhận định về sự ‘rung chuyển’ chỉ huy quân đội Nga ở Ukraine
Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh nhận định về sự ‘rung chuyển’ chỉ huy quân đội Nga ở Ukraine

Theo Bộ Quốc phòng hai nước Mỹ và Anh, đó có thể là kết quả của những rắc rối dai dẳng và dấu hiệu cho thấy tình hình ngày một nghiêm trọng mà Nga đang phải đối mặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN