Nguyên nhân khiến hệ thống phòng không S-400 của quân đội Nga giảm mạnh hiệu quả

Lực lượng tên lửa Ukraine được cho là đã tấn công và vô hiệu hóa một thành phần quan trọng, khiến hiệu quả của hệ thống phòng không S-400 của Liên bang Nga bị giảm mạnh.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng không S-400 Triumf trong cuộc diễn tập của một đơn vị phòng không ở Elektrostal, ngoại ô Moskva, Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tài khoản Facebook của Bộ Tổng Tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine ngày 17/1 cho biết vào hôm trước, các đơn vị tên lửa của quân đội nước này phối hợp các các lực lượng khác đã tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự của Liên bang Nga ở Belgorod.

Mục tiêu của cuộc tấn công là radar điều khiển hỏa lực 92N6, một bộ phận quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng không S-400. Radar này, vốn có nhiệm vụ phối hợp các vụ phóng tên lửa và các hoạt động phòng không, hiện đã ngừng hoạt động sau cuộc tấn công, đánh dấu một chiến thắng chiến thuật quan trọng cho Ukraine.

Bộ Tổng Tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine xác nhận rằng cuộc tấn công này được thực hiện với độ chính xác cao, nhằm vào vị trí do Trung đoàn Tên lửa Phòng không số 568 của Liên bang Nga kiểm soát. Trong một nỗ lực phối hợp với các đơn vị quân sự khác, các lực lượng của Ukraine đã tấn công radar này với sức mạnh đủ để khiến nó không thể hoạt động, thể hiện khả năng ngày càng tăng của họ trong việc phá vỡ hạ tầng phòng không của Liên bang Nga.

Sự kiện này nối tiếp chuỗi thành công của Ukraine trong việc tấn công các tài sản phòng không giá trị cao của Liên bang Nga, bao gồm các cuộc tấn công tương tự nhằm vào mục tiêu ở Crimea và Donbass, nơi Ukraine sử dụng các hệ thống tên lửa tiên tiến như ATACMS để vô hiệu hóa radar và hệ thống tên lửa của Liên bang Nga.

Mặc dù hệ thống tên lửa cụ thể được sử dụng trong cuộc tấn công mới nhất này chưa được làm rõ, nhưng các lực lượng của Ukraine được biết đến với việc sở hữu nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Liên bang Nga.

Hệ thống phòng không S-400, dù được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, đã bộc lộ điểm yếu trong việc đánh chặn các tên lửa tiên tiến như ATACMS. Với việc mất một radar quan trọng có thể buộc quân đội Liên bang Nga phải tạm thời điều chỉnh thế phòng thủ của mình và có khả năng để lại các lỗ hổng trong việc bảo vệ các khu vực trọng yếu.

Chú thích ảnh
Tên lửa được phóng từ Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Các báo cáo thêm từ truyền thông Ukraine, như trên tờ Ukrainska Pravda, cũng đề cập đến các cuộc tấn công vào các vị trí do Trung đoàn Kỹ thuật Vô tuyến số 336 của Liên bang Nga kiểm soát, nhấn mạnh việc Ukraine tiếp tục tập trung vào việc làm suy yếu mạng lưới phòng không của Liên bang Nga.

Hệ thống phòng không S-400, với hơn 50 đơn vị được triển khai trên khắp Liên bang Nga và các vùng lãnh thổ ở Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Moskva (Moscow), cung cấp một lá chắn phòng thủ đáng gờm.

Tuy nhiên, ngay cả việc mất một vài radar cũng mang lại hậu quả chiến lược đáng kể, vì điều này có thể cản trở khả năng của Liên bang Nga trong việc phản ứng với các mối đe dọa trên không, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm như Moskva, nơi ưu tiên hàng đầu là phòng không.

Cuộc tấn công nhấn mạnh sự thay đổi trong xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, đó là khi Ukraine cải thiện khả năng nhắm mục tiêu và năng lực tên lửa thì hệ thống phòng không từng được coi là đáng sợ của Liên bang Nga bắt đầu bộc lộ những điểm yếu.

Tính phức tạp trong vận hành của hệ thống phòng không S-400 và sự phụ thuộc vào các radar như 92N6 khiến nó dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công chính xác, làm nổi bật sự thay đổi trong động lực của chiến tranh hiện đại.

Vào tháng 11/2024, các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công đáng kể vào hệ thống phòng không S-400 của Liên bang Nga, phá hủy hai tổ hợp công nghệ cao này chỉ trong vòng một tuần. Ngày 29/11, các lực lượng của Ukraine đã nhắm mục tiêu vào một hệ thống phòng không S-400 tại Simferopol, Crimea.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hai hố bom, mảnh vỡ rải rác và năm phương tiện bị hư hỏng, xác nhận việc phá hủy các thành phần của hệ thống.

Đây là cuộc tấn công thành công thứ hai vào một hệ thống phòng không S-400 trong tuần cuối cùng của tháng 11/2024, sau cuộc tấn công trước đó vào ngày 23/11 tại tỉnh Kursk.

Ngoài ra, vào ngày 10/6/2024, Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo về một cuộc tấn công thành công vào một sư đoàn tên lửa phòng không S-400 của Liên bang Nga ở khu vực Dzhankoy, Crimea. Hai sư đoàn tên lửa phòng không S-300 gần Chornomorske và Yevpatoria cũng bị phá hủy.

Theo các báo cáo, không có tên lửa nào được Ukraine phóng ra bị hệ thống phòng không Liên bang Nga đánh chặn, và sau các cuộc tấn công, radar của cả hai hệ thống phòng không S-300 và S-400 đều bị vô hiệu hóa ngay lập tức.

Những cuộc tấn công này làm nổi bật khả năng ngày càng tăng của Ukraine trong việc thực hiện các đòn tấn công chính xác và hiệu quả vào các thành phần quan trọng của mạng lưới phòng không Liên bang Nga, làm giảm đáng kể hiệu quả hoạt động của các hệ thống phòng không S-400 và S-300 trong khu vực.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 Triumph của Liên bang Nga tại lễ diễu binh nhân kỉ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva ngày 9/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống S-400 Triumf

Hệ thống phòng không S-400 Triumf, mã định danh của NATO là SA-21 Growler, được phát triển bởi tập đoàn Almaz-Antey của Liên bang Nga, là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến và đáng gờm nhất thế giới. Được thiết kế để cung cấp khả năng phòng không đa tầng, hệ thống S-400 có thể đối phó với nhiều loại mối đe dọa trên không, từ máy bay, tên lửa hành trình đến tên lửa đạn đạo và thậm chí cả các mục tiêu có tốc độ siêu vượt âm.

Hệ thống này chủ yếu được thiết kế để bảo vệ các địa điểm chiến lược như căn cứ quân sự, sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công bằng đường không và tên lửa, mang lại lợi thế lớn cho Liên bang Nga về khả năng phòng không. S-400 được ca ngợi là một hệ thống đa năng, có khả năng nhắm vào nhiều mục tiêu cùng lúc ở khoảng cách xa.

Hệ thống S-400 được trang bị nhiều loại radar, trung tâm chỉ huy và bệ phóng tên lửa để đảm bảo hiệu quả trong các tình huống chiến đấu đa dạng. Các radar của hệ thống được thiết kế để theo dõi và nhắm mục tiêu vào máy bay, tên lửa, và thậm chí cả các vật thể bay thấp như thiết bị bay không người lái (UAV). Một trong những radar cốt lõi là 92N6E - radar điều khiển hỏa lực - đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đường cho các tên lửa của hệ thống tới mục tiêu. Radar này có khả năng theo dõi đồng thời 300 mục tiêu và dẫn đường cho 6 tên lửa cùng lúc, khiến hệ thống S-400 trở thành một giải pháp phòng không hiệu quả và nhạy bén.

Khả năng phát hiện của S-400 được tăng cường nhờ radar 96L6, loại radar theo dõi mọi độ cao, được thiết kế để phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa và độ cao lớn. Radar này đặc biệt hữu ích trong việc đánh chặn các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có tốc độ cao.

Hệ thống cũng tích hợp trung tâm chỉ huy 55K6E, hoạt động như trung tâm điều hành của toàn bộ tổ hợp S-400, điều phối thông tin từ các radar và bệ phóng tên lửa. Trung tâm chỉ huy này cho phép các sỹ quan điều hành nhanh chóng đánh giá mối đe dọa, ưu tiên mục tiêu và triển khai các biện pháp đối phó khi cần thiết.

Các loại tên lửa của S-400

S-400 sử dụng nhiều loại tên lửa, mỗi loại được tối ưu hóa cho các loại mục tiêu khác nhau:

- Tên lửa 40N6: Là tên lửa đất đối không tầm xa, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km. Tên lửa này được thiết kế để đánh chặn các máy bay bay cao và tên lửa đạn đạo.

- Tên lửa 48N6: Có tầm bắn lên tới 250 km, thường được sử dụng để nhắm vào các mối đe dọa ở độ cao trung bình đến cao, như máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình.

- Tên lửa 9M96 và 9M96E2: Là các tên lửa đánh chặn tầm ngắn hơn, với tầm bắn tối đa 120 km, được tối ưu hóa để tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, linh hoạt như thiết bị bay không người lái hoặc máy bay bay thấp.

Xem video hệ thống phòng không S-400 của Liên bang Nga khai hỏa. Nguồn: Sputnik

Khả năng cơ động

Hệ thống S-400 có thể gắn trên nhiều nền tảng di động, đảm bảo khả năng triển khai và tái bố trí nhanh chóng. Hệ thống có thể được thiết lập trong thời gian ngắn, với radar và bệ phóng được vận chuyển trên các phương tiện bánh lốp hoặc bánh xích. Tính cơ động này cho phép S-400 được chuyển đến các vị trí khác nhau trên chiến trường, khiến đối thủ khó xác định và vô hiệu hóa.

Ngoài ra, hệ thống này được thiết kế để hoạt động trong môi trường kết nối mạng, cho phép nó giao tiếp và chia sẻ thông tin với các hệ thống phòng không khác, nâng cao nhận thức tình huống và khả năng phối hợp trong một mạng lưới phòng thủ lớn hơn.

Điểm yếu của S-400

Mặc dù có khả năng ấn tượng, nhưng S-400 không tránh khỏi các điểm yếu. Việc phụ thuộc vào các radar như 92N6E và 96L6 khiến hệ thống dễ bị tấn công bởi chiến tranh điện tử và tên lửa chống radar, những yếu tố có thể làm gián đoạn hoặc vô hiệu hóa chức năng của radar.

Dù được biết đến với khả năng đối phó với nhiều loại mục tiêu, S-400 có thể gặp khó khăn trước các mối đe dọa có khả năng cơ động cao hoặc khó phát hiện, chẳng hạn như máy bay tàng hình hoặc tên lửa siêu vượt âm, đặc biệt nếu các vũ khí này được phóng từ những hướng bất ngờ hoặc ở độ cao thấp.

Tầm quan trọng chiến lược

Dù vậy, S-400 vẫn là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện nay, cung cấp cho Liên bang Nga một lá chắn mạnh mẽ chống lại nhiều mối đe dọa trên không.

Tầm quan trọng của hệ thống này không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Liên bang Nga, mà còn mở rộng ra toàn cầu, khi một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hoặc bày tỏ sự quan tâm đến việc sở hữu S-400. Việc triển khai S-400 trên trường quốc tế đã gây ra lo ngại trong NATO, đặc biệt là Mỹ, quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định mua hệ thống này.

Hiệu suất của S-400 trong các tình huống chiến đấu thực tế, chẳng hạn như trong xung đột đang diễn ra tại Ukraine, sẽ định hình danh tiếng của nó và ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán trong tương lai.

Khi chiến tranh hiện đại ngày càng tích hợp các công nghệ tiên tiến, S-400 vẫn là một nhân tố quan trọng trong chiến lược phòng thủ lãnh thổ Liên bang Nga và là một phần thiết yếu trong năng lực quân sự của nước này.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary/RT)
Sĩ quan quân đội Ukraine tiết lộ khả năng thực hiện nhiệm vụ của robot trên chiến trường
Sĩ quan quân đội Ukraine tiết lộ khả năng thực hiện nhiệm vụ của robot trên chiến trường

Trong các hoạt động của Lực lượng Phòng thủ, 70% nhiệm vụ có thể được thực hiện bởi các thiết bị bay không người lái (UAV) và các nền tảng mặt đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN