Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) ngày 14/12, Tổng thống Joe Biden đã là người ủng hộ Israel mạnh mẽ trong những ngày kinh hoàng sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10.
Nhưng hơn 2 tháng, sau những ngày Israel thực hiện cuộc tấn công vào Gaza khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, căng thẳng chưa từng có đang gia tăng giữa Nhà Trắng và chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ví dụ, Tổng thống Biden đã cáo buộc Israel thực hiện vụ đánh bom “bừa bãi” trong một sự kiện chính trị không được công bố trên truyền thông trong tuần này.
Ông Biden đã sử dụng ngôn ngữ cực kỳ thẳng thắn, điều này thường gây ra phản ứng từ các nhà lãnh đạo Israel, những người khẳng định họ tìm cách bảo đảm cho dân thường nhưng cáo buộc Hamas sử dụng người Palestine vô tội làm lá chắn.
Câu hỏi địa chính trị lớn tiếp theo về cuộc chiến ở Gaza không phải là liệu nó có cô lập Israel trên trường quốc tế hay không – điều đó đã xảy ra rồi. Vấn đề là liệu sự hỗ trợ vững chắc của Nhà Trắng cho hoạt động này có khiến Mỹ bị xa lánh bởi các nước bạn bè và đối tác theo cách có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các mục tiêu an ninh quốc gia rộng lớn hơn hay không.
Và thương vong không ngừng đối với người Palestine cũng đang làm tăng cái giá chính trị mà ông Biden phải chịu ở trong nước cho việc ủng hộ Israel - đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tiếp thêm sinh lực cho liên minh chính trị của ông trước cuộc bầu cử năm 2024.
Đây là bối cảnh nhạy cảm trong chuyến đi tới Israel vào ngày 14/12 của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người sẽ gặp ông Netanyahu và các quan chức chủ chốt khác của Israel sau những lời chỉ trích trực tiếp đáng chú ý đối với Tel Aviv từ Tổng thống Biden.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết ông Sullivan có kế hoạch giải quyết vấn đề viện trợ vào Gaza và “giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự”. Quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Nhà Trắng cũng sẽ thảo luận với phía Israel về những nỗ lực nhằm giảm thiểu thương vong với dân thường.
“Đó là mục tiêu của chúng tôi. Israel cũng nói rằng đó là mục đích của họ. Nhưng kết quả mới là điều quan trọng”, ông Kirby nói.
Chuyến đi của ông Sullivan cho thấy Washington tin rằng Israel đã không tính đến đầy đủ những cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau khi thỏa thuận dừng bắn hồi đầu tháng này hết hiệu lực, rằng các hoạt động tiếp tục của Israel cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ dân thường so với giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Gaza mà Israel đã tiến hành.
Bối cảnh xung quanh chuyến đi của ông Sullivan cũng sẽ tương phản với chuyến thăm Israel của Tổng thống Biden vào tháng 10, khi nhà lãnh đạo Mỹ nói với Israel rằng ông hiểu nỗi đau, cú sốc và “cơn thịnh nộ tột cùng” của họ.
Tuy nhiên, ông Biden cũng cảnh báo Israel không nên mắc phải những sai lầm tương tự như Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, đồng thời nói với các phóng viên trên đường về Mỹ rằng nếu Israel không thực hiện các bước để giảm bớt thương vong của người Palestine ở Gaza, nước này sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt. Theo cơ qua Y tế do Hamas điều hành ở Gaza, Hơn 18.400 người Palestine đã thiệt mạng tính đến ngày 12/12.
Lời chỉ trích mới của Tổng thống Biden cho thấy sự kiên nhẫn ngày càng giảm sút của ông với Israel. Trong buổi gây quỹ không được truyền hình, ông Biden cảnh báo rằng Israel đang mất đi sự ủng hộ của quốc tế vì “các vụ đánh bom bừa bãi đang diễn ra”. Tiếp tục thẳng thắn đến mức đáng kinh ngạc trong những sự kiện như vậy, Tổng thống Biden cũng nói rằng chính phủ liên minh cánh hữu của Israel đang “làm cho mọi việc trở nên rất khó khăn”, đồng thời lưu ý: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng ông Netanyahu hiểu rằng Israel phải thực hiện một số động thái”.
Bên cạnh đó, sự khác biệt rõ ràng đang nổi lên giữa Mỹ và Israel về những gì xảy ra với Gaza ngay sau xung đột kết thúc. Trong khi Mỹ có xu hướng ủng hộ giải pháp hai nhà nước, Israel cho rằng họ muốn triển khai một vùng đệm để có thể đảm bảo an ninh cho chính mình.
Xung đột Israel - Hamas đã gây ra thiệt hại khủng khiếp về người. Nhưng nó cũng gây ra những ảnh hưởng chính trị không lường trước được ở Mỹ. Nó gây ra một làn sóng mới của chủ nghĩa bài Do Thái và phơi bày sự mập mờ về sự phân biệt đối xử đối với người Do Thái, bao gồm cả một số người cấp tiến và trong các trường đại học tự do của Mỹ. Đã có sự tức giận trước sự thương vong khủng khiếp ở Gaza giữa các cử tri người Mỹ gốc Arab, một nhóm quan trọng đối với Đảng Dân chủ ở một số bang chiến địa quan trọng như Michigan, nơi số phiếu bầu của ông Biden đang bị ảnh hưởng.
Và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ hiện có nguy cơ bị ảnh hưởng vì sự hỗ trợ của nước này dành cho Israel. Trong một động thái cực kỳ mang tính biểu tượng hôm 12/12, ba đồng minh thân cận nhất của Mỹ – Canada, Australia và New Zealand – đã đoạn tuyệt với Washington để hối thúc những nỗ lực khẩn cấp nhằm đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Các thủ tướng của ba nước cho biết: “Cái giá để đánh bại Hamas không thể là sự đau khổ liên tục của tất cả người dân Palestine”.
Vấn đề này hiện đã gây ra sự chia rẽ hiếm hoi trong liên minh chia sẻ thông tin tình báo "Five Eyes", bao gồm cả Mỹ và Anh. Và ngay cả Anh, quốc gia đảm bảo chính sách đối ngoại của mình hầu như luôn đứng về phía Mỹ, cũng đang phòng ngừa các tổn hại của mình, sau khi bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn mà Mỹ phủ quyết.
Những động thái ngoại giao kịch tính này dường như đã thu hút được sự chú ý của Nhà Trắng. “Tổng thống (Biden) ngày hôm qua đã phản ánh thực tế của dư luận toàn cầu, điều này cũng quan trọng. Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Israel không hề suy giảm. Nhưng chúng tôi có những lo ngại. Và chúng tôi đã bày tỏ những lo ngại về chiến dịch quân sự này, ngay cả khi thừa nhận rằng chính Hamas đã khơi mào cuộc xung đột", ông Kirby nêu rõ.