Nguy cơ và hậu quả khi Israel thực hiện chiến dịch trên bộ ở Gaza

Nếu Israel tấn công Gaza trên bộ, nơi có mật độ dân cư đông nhất hành tinh, cái giá sẽ rất lớn.

Chú thích ảnh
Các tướng lĩnh hàng đầu của Israel đánh giá tình hình sau cuộc tấn công của Hamas. Ảnh: TimesofIsrael.com

Theo kênh france24.com (Pháp) ngày 13/10, một tuần sau khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, người Gaza đang đối mặt với một cuộc tấn công trên bộ khi Israel huy động lực lượng dự bị và triển khai trang thiết bị quân sự đến biên giới với khu vực này.

Nếu Israel tấn công Gaza trên bộ, nơi có mật độ dân cư đông nhất hành tinh, cái giá sẽ rất lớn.

Chỉ vài ngày sau khi Israel chứng kiến cuộc tấn công táo bạo và xâm nhập bất ngờ của nhóm Hamas khiến 1.300 người chết, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã tuyên bố với người dân Israel: “Những gì Hamas sắp trải qua sẽ đau đớn và khủng khiếp. Chúng ta sẽ thay đổi Trung Đông”.

Sau đó, “Chiến dịch Những thanh kiếm sắt” được phát động. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Youv Gallant cảnh báo cảnh “không điện, không nước, không khí đốt” ở Dải Gaza đang bị bao vây.

Theo một tuyên bố của quân đội Israel, đến ngày 12/10, họ đã bắn phá Gaza bằng khoảng 6.000 quả bom chứa tổng cộng 4.000 tấn chất nổ.

Cơ quan Y tế Gaza cùng ngày cho biết số người chết ở vùng đất này, nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine, đã tăng lên khoảng 1.500, với trên 6.000 người bị thương. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với Dải Gaza.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công từ Israel đã trở nên rõ ràng: các lực lượng vũ trang Israel đang chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ. Người phát ngôn quân đội Israel Richard Hecht nói với các phóng viên rằng trang thiết bị quân sự và xe bọc thép đã được chuyển đến tiền tuyến mới, nơi Israel đang xây dựng cơ sở hạ tầng, công sự cho các hoạt động tiếp theo. 

Khoảng 360.000 quân dự bị đã được huy động - đợt huy động bắt buộc lớn nhất kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.  

Nhu cầu chính trị cho một cuộc tấn công trên bộ dường như là điều chắc chắn. Chỉ một ngày sau vụ tấn công gây sốc của Hamas, ông Netanyahu đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden: “Chúng tôi phải tiến vào Gaza. Chúng tôi không thể đàm phán bây giờ”.  

Tướng Dominique Trinquand, cựu chỉ huy trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên hợp quốc, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, một chiến dịch trên bộ đã được quyết định. Việc tiến vào Gaza sẽ có mục tiêu chính là tiêu diệt Hamas”. 

Chú thích ảnh
Dải Gaza bị tàn phá sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Hậu quả với dân thường

Nhưng sự can thiệp của Israel cũng sẽ gây nguy hiểm cho người dân Palestine sống ở Gaza và vô cùng phức tạp đối với các lực lượng quân sự. 

Lãnh thổ này là một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất thế giới, với gần 5.500 người/m2. Mạng lưới đường phố chật hẹp, quá đông đúc, có thể buộc các bên phải chiến đấu giáp lá cà và làm tăng đáng kể nguy cơ thương vong cho dân thường. 

Một vấn đề phức tạp hơn nữa là mạng lưới đường hầm, được các chuyên gia an ninh Israel gọi là "công sự ngầm ở Gaza". Một số đường hầm sâu tới 30 hoặc 40 m, cho phép các tay súng Hamas di chuyển dưới lòng đất và khó bị phát hiện.

Quân đội và tình báo Israel chắc chắn nắm về một phần của mạng lưới đường hầm và đã bắn phá dữ dội vào năm 2021, nhưng các phần khác vẫn là bí mật và sẽ khiến bất kỳ hoạt động trên bộ nào của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Gaza trở nên khó khăn hơn. 

Trong điều kiện khó khăn này, vẫn còn đó câu hỏi làm thế nào để giải thoát các con tin đang bị Hamas bắt giữ.

Tướng Trinquand nói: “Hành động ngay lập tức có nghĩa là phải tính đến thực tế là một số lượng lớn con tin có thể sẽ bị thiệt mạng”.  

Trong quá khứ, Israel đã từng do dự khi đưa quân vào Gaza. Một bản ghi nhớ quân sự năm 2014 bị rò rỉ với báo chí cho biết chiến dịch như vậy sẽ mất 5 năm, gây ra thảm họa về người và gây nguy hiểm cho các thỏa thuận hòa bình với Ai Cập cũng như với các nước Arab khác trong khu vực. 

Vào năm 2023, bối cảnh đã thay đổi. “Thông tin mà chúng tôi nhận được từ Israel hiện nay là cú sốc quá lớn đến nỗi Israel không thể làm gì khác. Hoặc là họ sẽ đàm phán trong nhiều tháng hoặc nhiều năm để giải thoát con tin, hoặc họ hành động ngay bây giờ”, ông Trinquand nói. 

Tuy nhiên, quân đội Israel không có gì đảm bảo sẽ đạt được mục tiêu chính: tiêu diệt Hamas một cách nhanh chóng đồng thời hạn chế tổn thất về binh sĩ và thương vong cho dân thường.

Loại bỏ Hamas có thể sẽ đòi hỏi phải tái chiếm Gaza - tạm thời hoặc có thể trong nhiều năm. Thậm chí, Hamas còn có lịch sử hoạt động lâu dài như một nhóm nổi dậy ngầm tại các khu vực do Israel kiểm soát. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Quốc gia nào có thể làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas?
Quốc gia nào có thể làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas?

Mỹ, EU, Nga và Trung Quốc muốn giúp chấm dứt xung đột Israel - Hamas. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Đông mới là những nước cần phải đẩy mạnh vì lý do nhân đạo và ngoại giao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN