Gần đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đều cảnh báo kinh tế thế giới đang đối mặt với “nguy cơ mới”. Về vấn đề này, giới chuyên gia có chung nhận định rằng kinh tế thế giới có nguy cơ “suy thoái hai đáy” (hay còn gọi suy thoái theo hình chữ W).
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. Ảnh: THX-TTXVN |
Trong bài phân tích trên tờ “Thương báo Hồng Công” ngày 6/10, Tiến sĩ kinh tế đồng thời là chuyên gia tiền tệ quốc tế Châu Bát Tuấn cho biết, xét từ việc IMF hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 và 2012, có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế thế giới đang tuột dốc. Vấn đề ở chỗ, liệu trong năm 2012 và 2013, kinh tế thế giới có tăng trưởng âm hay không? Theo tác giả, khả năng xảy ra tăng trưởng âm là trên 50%.
Trước hết, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục kéo dài và ngày càng trầm trọng, khiến cho nhiều nền kinh tế của khu vực này có khả năng tăng trưởng âm và do đó, tỷ lệ tăng trưởng của cả khu vực sẽ là dưới 0%. Ngay cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, mặc dù vẫn ra tay trợ giúp các nước lâm nguy, song trong các chính sách tiền tệ của mình vẫn phải bám chặt mục tiêu khống chế lạm phát. Do đó, chỉ cần cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone tiếp tục xấu đi, các nước liên quan tới Liên minh châu Âu (EU) khó tránh khỏi xu thế suy thoái nhanh. Nếu các nước châu Âu vi phạm cam kết vay nợ, thị trường tài chính châu Âu và cả thị trường tài chính thế giới sẽ bị chao đảo mạnh và khó có thể đánh giá tác động của nó đối với các thực thể kinh tế.
Tiếp nữa, xu thế xuống dốc của kinh tế Mỹ khó bề xoay chuyển. Cần phải thừa nhận rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có một chính sách sáng suốt khi mới đây đưa ra cái gọi là biện pháp “tháo gỡ” và không thực thi QE3 (chính sách nới lỏng lượng hóa, tức là bơm thêm tiền vào nền kinh tế, lần 3). Bởi nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy chính sách nới lỏng lượng hóa thì các nền kinh tế mới nổi sẽ bị đe dọa và gây nên một làn sóng lên án Mỹ trong cộng đồng quốc tế, trong khi chính sách này rõ ràng không có hiệu quả trong việc kích thích đầu tư và tiêu dùng tại Mỹ.
Hiện nay, Mỹ không thiếu thanh khoản mà là thiếu lòng tin và tín dụng, do đó, áp dụng biện pháp “tháo gỡ” (hạ thấp lãi suất dài hạn và duy trì lãi suất ngắn hạn) có thể giúp kích thích đầu tư và tiêu dùng ở nước này. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đang đến gần và các đảng phái đấu đá ngày càng quyết liệt. Phương án kích thích tăng trưởng và tăng việc làm mà Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây đưa ra khó được Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) chấp thuận. Người của đảng Cộng hòa sẽ không để cho ông Obama vực dậy nền kinh tế trước cuộc bầu cử vào năm tới. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đã tiến gần đến suy thoái trong năm nay và khó có thể đi ngược xu thế chung vào năm tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu xuống dốc.
Do vậy, kinh tế thế giới sẽ lại càng phải dựa vào các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, so với 3 năm trước, hoàn cảnh của các nền kinh tế mới nổi sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều bởi các nền kinh tế này sẽ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát khá cao ở các mức độ khác nhau và môi trường kinh tế bên ngoài cũng khó khăn hơn.
Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)