Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 20/11 dẫn số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, giá trị các hợp đồng Hoán đổi nợ xấu (CDS) tại châu Âu, khoản tiền bảo hiểm cho những người đang giữ trái phiếu chính phủ do Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ailen, Tây Ban Nha và Italia (PIIGS) phát hành đã lên đến 518 tỷ USD và vấn đề lớn hiện nay là rủi ro của đối tác. Khi làn sóng vỡ nợ nổ ra, liệu các bên đối tác có được thanh toán tiền hay không?
Các chính trị gia châu Âu đang thay đổi chiến thuật, khi họ hướng đến việc cho phép các nước thành viên khu vực đồng euro (Eurozone) được dời bỏ sự dàn xếp này. Các nước PIIGS không thể cạnh tranh với các quốc gia mạnh hơn của Eurozone. Họ mong muốn đề ra một bộ luật cho việc rút khỏi Eurozone và cho phép họ vẫn ở trong Liên minh châu Âu (EU). Họ cũng biết một cách rõ ràng rằng nếu cả 5 nước - hoặc một bộ phận trong số họ - rời khỏi đồng euro, họ cũng có thể bị vỡ nợ toàn bộ hoặc một phần. Khi ấy, dù những người sở hữu trái phiếu có đồng ý mất 50% số trái phiếu thì các CDS cũng vấp phải khả năng vỡ nợ thanh toán.
Ít nhất thì hiện nay lợi tức trái phiếu tại châu Âu dường như cân bằng và đồng euro cũng muốn được như vậy. Tuy nhiên, sức ép vẫn còn đó và tỷ lệ lợi tức này có thể tăng lên trong 6 tuần tới và giá đồng euro có thể giảm xuống còn 1,3 USD. Lúc đầu, mọi khoản nợ công tại châu Âu đều có thể được cứu trợ nếu cần thiết. Khi khoản tiền này lên đến 3.500 tỷ USD vào hai tháng trước đây, Đức đã thừa nhận rằng họ và nền kinh tế mạnh hơn khác trong khu vực không đủ sức mang gánh nặng này. Nước Đức đã quá thiển cận. Nếu họ nhận ra điều này sớm hơn, Eurozone có thể không gặp khủng hoảng nặng nề như hiện nay, khi các vấn đề đã vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tương lai của Eurozone đang rất u ám. Ít nhất khu vực này có thể bị mất 6 thành viên trong vòng một năm tới. Năm 2012, kinh tế châu Âu được dự báo có mức tăng trưởng -1% và tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nữa vào năm 2013. Tại châu Âu, có một số thành viên sẽ bị buộc phải rút khỏi đồng euro và quay trở lại đồng nội tệ của họ. Tuy nhiên, việc thay đổi tiền tệ có những hậu quả khủng khiếp. Cách duy nhất để giữ cho đồng euro tồn tại là đổi đồng euro ra đồng vàng, đồng bạc và vàng nén. Người ta dự báo trong vòng 2 năm, đồng euro có thể bị sụp đổ. Việc này có thể khiến đồng USD tăng giá tạm thời, nhưng điều này sẽ không kéo dài.
Eurozone chắc chắn sẽ thay đổi. Sáu quốc gia yếu kém về kinh tế sẽ sớm rời khỏi Eurozone và cuối cùng sự tồn tại của liên minh phi tự nhiên này sẽ chấm dứt. Các nước mạnh về kinh tế sẽ tập trung vào việc cứu trợ các ngân hàng của họ. Các nước bị vỡ nợ sẽ phải quốc hữu hóa các ngân hàng. Những người gửi tiền sẽ mất từ 50%-90% giá trị tiền gửi của họ. Các chính phủ mới tại Hy Lạp và Italia sẽ không thay đổi được điều gì. Tình trạng của họ sẽ vẫn vậy. Câu hỏi duy nhất là các chính phủ này có thể tiến hành các biện pháp khắc khổ được đến đâu, trước khi các cuộc cách mạng bắt đầu nổ ra?
Các nền kinh tế trên toàn thế giới đang suy giảm, do vậy cuộc khủng hoảng nợ đang leo thang của châu Âu sẽ hủy bỏ bất kỳ khả năng phục hồi nào và thế giới có thể bị rơi vào suy thoái siêu lạm phát và giảm phát. Trong 10 ngày sắp tới, có tới 65% khả năng Hy Lạp và các ngân hàng của Italia bị vỡ nợ. Đồng thời, xếp hạng tín dụng nợ của Pháp cũng có nguy cơ bị tụt hạng. Tình trạng bạo loạn có thể sớm xảy ra tại tất cả những nước đang tăng cường các biện pháp khắc khổ. Việc không trả được nợ cũng dẫn tới tình trạng bạo loạn, và có thể cả các cuộc cách mạng.
Đức và Pháp biết rằng họ đang đối mặt với tình trạng suy thoái và có thêm hàng triệu người mất việc làm. Đó là lý do họ đang chuẩn bị các kế hoạch đối phó với những sự kiện bất ngờ và từ bỏ việc cứu trợ những nước khác. Đồng thời Béclin và Pari đang tìm cách tạo ra một khu vực đồng euro nhỏ hơn, và tiếp quản việc kiểm soát tài chính của tất cả các chính phủ thành viên. Mọi quyết định đều sẽ do một bộ máy quan liêu tập trung đưa ra.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)