Nguy cơ làn sóng COVID-19 mới bùng phát khi Brazil ăn mừng quá sớm

Khi số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng giảm, người dân Brazil đang cảm thấy lạc quan hơn. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo làn sóng dịch bệnh mới có thể sẽ bùng phát ở quốc gia này.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Zeneca trong chiến dịch tiêm chủng cho những người trên 35 tuổi ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh AP 

Theo hãng tin AP (Mỹ), ông Joao Doria, Thống đốc bang Sao Paulo, nằm trong số những lãnh đạo bang nhanh chóng hành động ngay khi tình hình COVID-19 tại Brazil có dấu hiệu hạ nhiêt, với quyết định cho phép các doanh nghiệp mở cửa muộn hơn và tăng số lượng khách được phép phục vụ.

Thị trưởng Rio de Janeiro cũng tuyên bố thành phố năm nay sẽ tổ chức bữa tiệc mừng năm mới nổi tiếng linh đình, trong khi chính quyền bang Pernambuco đã nới lỏng hạn chế đối với các quán bar và sự kiện xã hội từ hôm 5/7. Tuy nhiên, vào cùng ngày, Pernambuco đã ghi nhận hai ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên.

Trước những dấu hiệu phục hồi ban đầu này, câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi biến thể Delta bùng phát tại một quốc gia hầu như chưa được tiêm chủng, vốn có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, với 547.000 trường hợp?

Chú thích ảnh
Người dân Brazil đến cổ vũ bóng đá tại Sân vận động Quốc gia ở Brasilia sau khi các hạn chế được nới lỏng. Ảnh: AP

Biến chủng Delta, lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ và có khả năng lây lan mạnh mẽ, được cho là lý do khiến số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng vọt trên toàn cầu sau giai đoạn đại dịch hạ nhiệt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Delta sẽ trở thành chủng virus thống trị trong vài tháng tới. Trong lúc này, Brazil đang chạy đua để tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt.

Các quốc gia có chiến dịch tiêm chủng thành công, như Anh, đã chứng kiến tình trạng lây nhiễm tăng cao trong những tuần gần đây, nhưng số ca bệnh nặng và tử vong không gia tăng. Các chuyên gia lo ngại Brazil khó có khả năng đạt được mục tiêu tiêm chủng tương tự trong thời gian tới.

Gonzalo Vecina, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Sao Paulo, nhận định: “Dịch bệnh sẽ bùng phát. Làn sóng lây nhiễm mới sẽ xuất hiện. Chúng tôi đang mở cửa quá đà”.

Tính đến ngày 23/7, Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận 140 trường hợp nhiễm biến thể Delta ở 3 bang đông dân nhất và 12 trường hợp tử vong. Các nhà phân tích cho rằng những con số này còn quá thấp so với thực tế, do thiếu xét nghiệm và giải trình tự gien.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ đi tập thể dục ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh AP

Tổng thống Jair Bolsonaro, người lâu nay luôn phản đối các biện pháp hạn chế và đánh giá thấp rủi ro của bệnh COVID-19, thường nói rằng việc lây nhiễm là không thể tránh khỏi. Chính quyền của ông được đánh giá là chậm trễ trong việc đối phó đại dịch và mua vaccine.

Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết việc tăng cường tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn chặn biến thể Delta, nhưng ông nhấn mạnh Brazil phải tiếp tục các hoạt động kinh tế của mình.

"Chúng tôi đã chuẩn bị giường bệnh và sẽ sống chung với đại dịch này cho đến khi có thể kiểm soát dứt điểm", ông Queiroga nói và nhấn mạnh điều quan trọng là cần biết những người nhiễm biến chủng mới đã tiêm một hay hai mũi vaccine.

Theo các nhà nghiên cứu Anh, 2 mũi vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca chỉ kém hiệu quả hơn một chút trong việc ngăn chặn triệu chứng khi nhiễm biến thể Delta, so với các biến thể trước đây. Điều quan trọng là vaccine có hiệu quả rất lớn trong việc phòng tránh nguy cơ nhập viện.

Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một mũi, mức độ hiệu quả trước biến chủng Delta lại thấp hơn nhiều so với các chủng khác. Đây dường như là nguyên nhân thúc đẩy Anh, quốc gia từng theo đuổi chiến lược kéo dài thời gian giữa 2 liều vaccine, hiện phải tăng tốc tiêm liều thứ hai. Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về hiệu quả của những loại vaccine khác trước biến chủng Delta.

Vì vậy, đó là điều đáng lo ngại đối với Brazil, quốc chỉ mới chỉ có 17% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 44% đã tiêm mũi đầu tiên. Vaccine AstraZeneca chiếm gần một nửa tổng số vaccine COVID-19 được sử dụng tại Brazil, Sinovac của Trung Quốc chiếm hơn 1/3 và còn lại là Pfizer.

Chú thích ảnh
Người dân Rio de Janeiro chen chúc trên một chiếc xe buýt hôm 23/7. Ảnh: AP

Ethel Maciel, nhà dịch tễ học tại Đại học Liên bang Espirito Santo, cho biết: “Thông tin mà các thống đốc đang truyền tải đến mọi người chính là đại dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, chúng ta không nên nói về chuyện đại dịch đã được kiểm soát hay sắp chấm dứt, khi chưa đến 20% dân số được tiêm chủng đầy đủ và số người chết mỗi ngày vẫn hơn 1.000 ca”.

Có thể nhìn vào Israel và Hà Lan, 2 quốc gia từng tái mở cửa rộng rãi sau khi tiêm chủng cho hầu hết người dân, nhưng sau đó lại phải áp đặt một số hạn chế do số ca mắc gia tăng. Thủ tướng Hà Lan cho biết việc dỡ bỏ các hạn chế quá sớm "là một sai lầm."

Tại Anh, nơi biến thể Delta đã trở thành chủng virus thống trị, số ca nhiễm đã tăng trong hai tháng qua lên mức cao nhất kể từ tháng 1. Các quan chức nhiều lần bày tỏ tin tưởng rằng với hơn 2/3 dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, tác động sẽ giảm bớt. Thực tế, số ca tử vong hàng ngày vẫn chỉ thấp hơn 5% so với thời kỳ đạt đỉnh.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng để chụp ảnh trên Cầu thang Selaron, cầu thang đẹp nhất thế giới ở Rio de Janeiro, Brazil hôm 23/7. Ảnh: AP

Dân Brazil đang quan tâm đến việc biến thể Delta càn quét các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lạc quan khi thấy số người chết ở Brazil giảm gần 2/3 so với tháng 4. Trong một quán bar tại Rio de Janeiro hôm 21/7, ông Claudio Santos, 64 tuổi, vẫn bình thản gọi đồ ăn và cho biết mọi thứ đã thay đổi.

“Có một chút khác biệt kể từ đầu tháng này. Nhiều người đã được tiêm chủng hơn. Chúng tôi không còn nghe tin người quen nhiễm virus mỗi ngày. Đương nhiên chúng tôi vẫn lo lắng về biến chủng mới, nhưng tôi chưa từng hoảng loạn kể từ khi đại dịch bùng phát và bây giờ cũng vậy. Tôi đã tiêm vaccine. Cuộc sống đang dần bình thường trở lại phần nào", Santos nói

Felipe Naveca, nhà virus học tại Viện Fiocruz ở thành phố Manaus, chỉ ra rằng ngoài biến chủng Delta, Brazil còn phải đối mặt với một biến chủng dễ lây nhiễm khác là Gamma, lần đầu tiên xuất hiện tại Manaus và đang hoành hành khắp Brazil.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Maciel cho biết Brazil hầu như không tiến hành giải trình tự gien của bất kỳ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nào. Tại bang Rio de Janeiro, nghiên cứu gần đây nhất cho thấy biến thể Gamma chiếm 78% trong số 380 mẫu xét nghiệm và Delta chiếm 16% mẫu xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Cảnh đứng chờ xe buýt đông đúc tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AP

Theo Tổ chức Y tế Liên Mỹ, biến thể Delta đã được phát hiện ở ít nhất 18 quốc gia Mỹ Latinh. Giới chức y tế Mexico tuần trước cho biết gần 2/3 tổng số ca mắc được lấy mẫu tại thủ đô Mexico City đều nhiễm chủng này. Số ca tử vong tại Mexico bắt đầu tăng sau nhiều tháng có xu hướng giảm.

Tại Cuba, biến thể Delta cũng khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của tỉnh Matanza sụp đổ. Theo số liệu của trang web nghiên cứu trực tuyến Our World in Data, tỉ lệ dân số được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ của Cuba và Mexico cao hơn Brazil.

Nhà dịch tễ học Denise Garrett, Phó Giám đốc Viện vaccine Sabin, nhận định hệ thống chăm sóc sức khỏe của Brazil sẽ gặp khó khăn nếu giới chức không chuẩn bị đối phó với kịch bản các ca nhiễm mới gia tăng.

“Chúng tôi đang chứng kiến điều này xảy ra ở các quốc gia có quy mô tiêm chủng lớn hơn. Do đó, không có lý do gì để cho rằng tình hình ở Brazil sẽ khác”, Garrett nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Báo tuyết chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 tại Mỹ
Báo tuyết chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 tại Mỹ

Một con báo tuyết tại Sở thú San Diego chưa được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN